Rơi xuống “vực sâu” bế tắc
Khi phát hiện mình bị đồng tính nữ, tôi bàng hoàng và suy sụp. Tôi sinh ra ở một gia đình gia giáo, chỉnh chu, là con gái út và duy nhất trong gia đình bốn anh em, từ bé tôi được chiều chuộng và dạy dỗ cẩn thận. Tôi học giỏi nhất nhì lớp và được khen là xinh xắn. Lớp 10, tôi đã được các bạn trai cùng trường để ý.
Tất nhiên, là cô gái chú tâm vào học hành tôi chẳng bao giờ quan tâm đến những người bạn đó. Trong mắt mọi người, tôi là một người con gái may mắn, tươi vui. Cuộc sống tươi đẹp cứ thế trôi đi cho đến ngày tôi phát hiện chuyện khủng khiếp trong chính con người mình.
Đó là khi tôi học năm cuối cấp 3, lớp tôi tổ chức đi dã ngoại ba ngày ở rừng Cúc Phương. Đêm đầu tiên xa nhà, tôi vô cùng bỡ ngỡ, tôi và hai người bạn gái cùng lớp ở trong một lều nhỏ. Do đều là con gái nên hai người bạn gái vô tư thay quần áo trước mặt tôi. Như một luồng điện mạnh, tôi thấy người mình có cảm giác rất lạ mà chưa lúc nào tôi có được. Tôi như bị thôi miên ngắm nhìn cơ thể hai người bạn gái và rất muốn…gần gũi.
Ngỡ chuyện đó chỉ là phút “trái gió”, tôi vội cho quên vào kỷ niệm nhưng rồi sau hôm đó, sự ham muốn ngắm cơ thể bạn đồng giới của tôi ngày càng dâng cao. Tôi cố chú tâm vào chuyện học hành mà chẳng thể được. Tôi luôn mơ mộng sau này được lấy…một người con gái nào đó.
Càng mơ mộng, tôi càng sợ hãi vì cảm thấy mình bị bệnh hoạn. Tôi càng cố trốn chạy cảm giác đó thì càng cảm thấy bế tắc. Sợ mọi người nhất là bố mẹ, các anh tôi biết sự thực này, tôi giấu nhẹm cảm xúc của mình, bên ngoài vẫn là cô bé… vô tư, đáng yêu. Tôi phải gồng mình với…cuộc sống giả!
Đến tuổi 27, tôi làm ở công ty nước ngoài với mức lương khá cao và ổn định. Bố mẹ đều thúc giục lập gia đình nhưng tôi đều lảng tránh bởi tôi biết mình là les - đồng tính nữ. Bố mẹ tôi giới thiệu rất nhiều người đàn ông thành đạt nhưng tôi không hề thấy rung động. Không chỉ vậy, tôi còn cảm thấy ghê sợ khi họ cầm tay tôi.
Bố mẹ tôi bắt đầu nghe phong thanh một vài tin đồn về tôi và nói bóng gió là không bao giờ chấp nhận điều đó. Nếu bị đồng tính thì bố mẹ sẽ bắt tôi đi “chữa” cho bằng được, nếu không thì sẽ bị từ. Tôi rất hoang mang, suy sụp và muốn… tự tử.
Lời tâm sự của cô gái tên là Diệu My (Hàng Bồ, Hà Nội) cũng là tâm sự chung của nhiều cô gái bị đồng tính khi phải sống một cuộc sống… không phải dành cho mình. Việc luôn phải sống trong tâm trạng căng thẳng, muốn thay đổi, muốn vượt qua nhưng chưa dám vì lo sợ những định kiến; muốn bày tỏ tình yêu với người đồng giới nhưng lo sợ bị từ chối, luôn kìm nén những cảm xúc yêu đương, đã làm cho họ rơi vào xuống “vực sâu” bế tắc và tệ hại hơn nữa là nghi ngờ giá trị bản thân.
Lấy chồng - không phải cách hay
Nếu như việc “lộ diện” với gia đình đã là một vấn đề khó khăn đối với đồng tính nam thì với đồng tính nữ nó còn khó khăn gấp bội lần. Bởi trong suy nghĩ của ngay chính những người thương yêu họ nhất, đồng tính là đồng nghĩa với… bệnh hoạn, suy thoái đạo đức hoặc chỉ coi đó là việc đua đòi. Từ đó, bao nhiêu sự xét nét, rẻ khinh sẽ đổ hết lên đầu “nạn nhân”. Tổn thương khiến họ phải ép mình lấy người khác giới dù biết rằng lấy chồng, sinh con thì cũng chỉ đang… sống giả với sự trốn chạy của bản thân!
“Không muốn trở thành đứa con bất hiếu, nhưng cuộc sống như thế liệu có còn ý nghĩa gì, bởi từ bỏ hạnh phúc của mình, rồi đóng giả một người “bình thường” theo đề nghị của bố mẹ, có khác nào là sự cầm tù “tâm hồn?” – một đồng tính nữ tâm sự khi những giọt nước mắt đã bắt đầu lăn dài.
Tâm sự đẫm nước mắt trên đã cho thấy rằng, khi xã hội vẫn chưa chính thức thừa nhận thì những người trong cộng đồng đồng tính nói chung và đồng tính nữ nói riêng vẫn tiếp tục phải chịu áp lực từ rất nhiều phía khiến cuộc sống của họ trở nên nặng nề. Trong khi chỉ một số ít bạn dám sống với xu hướng tình dục của mình thì một số lại không dám sống thật với chính mình, phải chịu sống thu mình trong bóng tối với sự giả dối của tâm hồn.
Đồng tính ái là bẩm sinh
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều người đồng tính muốn có và có quan hệ đôi lứa cam kết dài lâu, 40-60% người đồng tính nam và 45-80% người đồng tính nữ hiện đang có quan hệ lứa đôi, có 10-20% cặp đã sống với nhau trên 10 năm trở lên. Và có thể mức độ bền vững của các cặp cùng giới có thể còn cao hơn, nếu họ nhận được sự ủng hộ và công nhận.
Trên thực tế, người đồng tính nữ chẳng có gì khác thường trừ những lệch lạc về định hướng tình dục. Đã có nhiều giả thiết về nguyên nhân nhưng đều không đầy đủ cơ sở khoa học. Các nhà khoa học đã nhất trí rằng, đồng tính ái là bẩm sinh chứ không phải mắc phải, là một khuynh hướng tình dục chứ không phải là bệnh.
Họ - những người đồng tính nữ có thể là những cô gái rất bình thường như bao người khác, thậm chí có vị trí trong xã hội. Điều họ cần chính là sự thông cảm, hiểu biết, động viên, trân trọng của người thân và người xung quanh để có thể sống với giới tính thực sự của mình.
Đồng tính giả, chữa khỏi không?
TTO - Tâm sự Gay là xấu hở ba, hở mẹ? (Tuổi Trẻ 2-11) nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc với nhiều cảm xúc, góc nhìn. Mỗi ý kiến là một quan điểm khác nhau, song đều quy về một mối: đồng tính là bình thường.
Đồng thời,Tuổi Trẻ Online cũng nhận được email của một phụ huynh với nội dung: “Tôi có con gái đang học lớp 12, gần đây cháu có quan hệ tình cảm với bạn cùng giới học lớp 11. Tôi hỏi, cháu xác nhận và khẳng định "không thể xa nhau được nữa". Xin bác sĩ cho biết bệnh này có chữa khỏi không? Địa chỉ chữa bệnh này?” (bame…@yahoo.com)
Lá thư tuy ngắn, nhưng cũng đủ hình dung bao trăn trở của vị phụ huynh này. Vậy, đồng tính nam hoặc nữ có phải là bệnh? Có thể chữa khỏi không? Trả lời vấn đề này, TS.BS Lê Thúy Tươi cho biết:
Cùng lúc đọc lá thư của bạn đọc bame…@yahoo.com, tôi nhận được điện thoại của một chị ở Cần Thơ “xin chữa bệnh đồng tính cho cháu gái”, một anh ở Bình Thuận than “vợ chồng sống với nhau đã có một mặt con, nay cô ấy bỏ đi sống chung với bạn gái, không đoái hoài gì đến cha con tôi”. Cách đây 10 năm, dư luận xã hội ồn ào về chuyện đồng tính nam thì nay lại xuất hiện một đợt sóng ngầm về đồng tính nữ. Thế thì đồng tính nữ có thật không, hay đó chỉ là tình cảm nhất thời? Câu trả lời là “có” và “không”.
Còn một kiểu “giả” nữa, cái này chẳng ăn nhập gì với giới tính. Vì tâm đầu ý hợp, vì ngưỡng mộ, ích kỷ, sợ mất bạn, một số cô cậu mới lớn có kiểu sở hữu tuyệt đối bạn đồng giới (ngẫu nhiên) rồi hiểu lầm là đồng tính - BS Đỗ Minh Tuấn
Tại sao tôi lại có câu trả lời “ỡm ờ” như vậy? Bởi trong các trường THPT, việc các nữ sinh “yêu” nhau không còn xa lạ. Nhiều cô gái bị nhiễm phim ảnh, internet cho rằng đó là “hiện đại”. Có cô bị “bồ đá”, tìm đến một bạn gái để có người chia sẻ, hai người kể đủ thứ xấu của tụi con trai, nổi máu hận thù, từ đó cặp kè với nhau trước mặt tụi con trai như tuyên bố “chúng ta không thèm chơi với thứ con trai bạc tình nữa”.
Trong lớp có vài cặp yêu đương như thế, một số cặp khác làm theo. Khi “căn bệnh” đến lúc trầm kha, nếu cha mẹ phát hiện thì họ thường trả lời một câu giống nhau là “không thể xa nhau được”.
Số còn lại thấy tình cảm kiểu này cũng hay hay, lại không bị cha mẹ nghi ngờ như tình yêu trai gái nên cũng “yêu” bạn cùng giới. Tuy nhiên, nếu đã sa đà vào tình yêu đồng giới thì chính các cô gái không xác định được thật giả, không biết đó là cảm xúc nhất thời hay đó là xu hướng tình dục thật sự của mình.
Họ bị khủng hoảng tâm lý và đang tuổi đi học thì khủng hoảng tâm lý sẽ kéo theo bê trễ chuyện học hành. Nếu các bậc phụ huynh làm lớn chuyện, chia cắt họ thì càng nguy hiểm bởi đây là lứa tuổi ưa nói ngược, hành động ngược. Các bạn trẻ sẵn sàng phản ứng bằng cách bỏ nhà ra đi, thuê nhà trọ chung sống để chứng tỏ đó là tình yêu duy nhất.
Vậy đâu là đồng tính nữ thật? Tiếng Anh gọi các bạn nữ đồng tính là lesbian. Con gái dậy thì, hoóc môn buồng trứng tiết ra khiến bạn trở thành thiếu nữ với những đường cong tuyệt đẹp. Cùng lúc ấy là “ham muốn” xuất hiện, tuy nhiên các bạn gái trẻ ấy chỉ thích ngắm nhìn và xúc động mỗi khi nhìn bạn cùng giới, với các bạn trai thì dửng dưng.
Đa số các đồng tính nữ đều kín đáo. Họ sợ gia đình, bạn bè và nhà trường biết. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thời trang và cung cách trong giới đồng tính nữ, bạn có thể nhận ra. Một bên “em” thì yểu điểu, ăn mặc diêm dúa’ bên “anh” là thời trang “unisex”, mặc đồ giống con trai, cắt tóc ngắn và đi đứng mạnh mẽ. Có bao nhiêu người lesbian thật? Theo ước tính ở các nước thì chỉ có khoảng 1,5%, chưa tới ½ so với con số 4% của giới gay (ở nước ta chưa có con số thống kê cụ thể).
Nếu là lesbian thật thì có thuốc chữa không? Tiếc là phải thưa với các ông bố, bà mẹ là “không” bởi đồng tính muốn nói tới xu thế tình dục, nên dù chụp MRI cũng không thấy có tổn thương trên não hay bất cứ vùng nào. Nếu đến 20 tuổi, cô gái vẫn chỉ yêu người đồng giới thì gia đình nên có thái độ chấp nhận. Cô gái sẽ cảm thấy hạnh phúc nếu được gia đình và xã hội đối xử công bằng, yêu thương.
TS.BS LÊ THÚY TƯƠI
Cha mẹ cần kiên nhẫn, khéo léo
Khi con cái nhận mình đồng tính, phụ huynh cần phân định: con đồng tính thật hay giả:
• Nếu thật, tức bẩm sinh, thì không có cách chữa, ít ra đến thời điểm này. Việc cần làm của các bậc phụ huynh là chấp nhận (tuy không dễ) và giảm thiểu tối đa hệ lụy nếu có. Chẳng hạn, trên nền “đã rồi”, bạn khuyên bảo con tránh để “tình cảm” ảnh hưởng học hành, tránh những hành vi xốc nổi…
• Trường hợp thứ hai gọi là giả, vì có một số bạn trẻ tạm thời rơi vào tình trạng lẫn lộn, lạc đường giới tính, vì nhiều lý do như sống khép kín, bị cưỡng ép (bị bắt ăn mặc, sinh hoạt như trai hoặc gái) hoặc sống trong môi trường “một bề” toàn nam hay nữ thời gian dài. Nếu đúng thì đây là cơ hội để bạn giúp con gái mình.
Có nhiều cách, tựu trung là gắng hướng con về phía người khác phái. Tạo điều kiện cho con hít thở một bầu không khí (sách báo, phim ảnh, giao tiếp…) có hình bóng nam nhi hơn. Mọi sự cần kiên nhẫn, khéo léo; tránh áp lực, đe nẹt, gấp gáp, sốt ruột. Đây là lỗi hay gặp của các phụ huynh muốn con mình “đằng sau quay” ngay lập tức. Như đã nói, do trời sinh thì hấp tấp cũng không giải quyết được, nếu do nhầm đường thì nắn chỉnh đúng cách cộng với thời gian thì ngã rẽ chính đạo sớm muộn cũng hiện ra.
Sẽ là con đường dài và gian nan trước mắt đối với các phụ huynh trong việc giúp con hiểu rõ bản thân mình. Phương kế, việc dạy việc, dần rồi cũng sáng ra, cái khó của bạn có lẽ là thái độ. Nếu cần, có thể nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý. Còn việc điều chỉnh hoóc môn hầu như không có kết quả; phẫu thuật chuyển giới xét kỹ chỉ là chiều theo giới tính hiện hữu chứ không phải điều trị.
BS ĐỖ MINH TUẤN
(ST)