Chia sẻ và hành động
Thứ Ba, 16/11/2010, 14:52
(ANTĐ) - Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện Việt Nam có 186.930 bệnh nhân HIV/AIDS. Trên thực tế con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, số lượng các trung tâm, bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ cho các bệnh nhân trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng còn hết sức hạn chế.
Cần sự đồng cảm
Sự hắt hủi, kỳ thị là nguyên nhân chính khiến người bệnh luôn phải giấu mình, đối mặt với những biến chứng của bệnh và có tâm lý phó mặc cho số phận. Đặc biệt, một tỷ lệ không nhỏ của nhóm bệnh nhân HIV/AIDS là những người có khả năng lây nhiễm cao, thuộc các đối tượng nghiện hút hoặc có hành vi mua bán dâm. Những người thuộc nhóm này khi mắc bệnh không nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời dễ dẫn đến những hành động tiêu cực.
Chị Nguyễn Thị T, một bệnh nhân HIV tâm sự: “Tôi phát hiện bệnh cách đây 10 năm và không rõ mình bị mắc từ bao giờ. Chỉ khi chồng tôi bị lao, phải vào viện xét nghiệm tôi mới biết mình bị lây từ chồng. Vợ chồng tôi giấu không cho con cái và người thân biết để tránh sự kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh”.
Được chăm sóc sức khỏe là quyền của người nhiễm HIV (Trong ảnh: Khám bệnh định kỳ cho phạm nhân nhiễm HIV tại trại giam số 2, CATP Hà Nội)
Hiểu được tâm tư, nguyện vọng của những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, Trung tâm Phòng chống các bệnh lây lan qua đường tình dục HIV/AIDS (SHAPC) được thành lập với sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức USAID thông qua Tổ chức Phát triển cộng đồng PACT Việt Nam - Hoa Kỳ và UBND TP Hà Nội. Ngoài công tác tuyên truyền phòng chống các bệnh xã hội, trung tâm còn xây dựng đề án “Chăm sóc tại nhà cho những người nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV”.
Những “chăm sóc viên” thầm lặng
Trung tâm SHAPC đã thành lập đội chuyên tìm kiếm, hỗ trợ chăm sóc những bệnh nhân nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV trên địa bàn 2 quận Hai Bà Trưng và Đống Đa. Bà Trần Thị Nga, Giám đốc Trung tâm SHAPC cho biết: “Đội chăm sóc gồm 12 thành viên đã hoạt động và gắn bó với trung tâm hơn 3 năm nay. Các thành viên cũng là những người có HIV nhưng không lẩn tránh bệnh tật, quyết tâm giúp đỡ những người có bệnh để họ có được một cuộc sống tốt hơn. Các chăm sóc viên được hỗ trợ 1,8 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng góp phần tạo việc làm hữu ích, đem lại thu nhập cho các thành viên trong nhóm.
Anh Lưu Văn T, một thành viên trong đội chăm sóc chia sẻ: “Những người chúng tôi chăm sóc đều rất nhạy cảm khi nhắc đến bệnh của mình. Đặc tính của bệnh là sức đề kháng rất yếu nên có thể mắc thêm một số bệnh dễ lây nhiễm khác như lao phổi, nhiễm trùng cơ hội… Đó là những rủi ro chúng tôi phải chấp nhận. Có nhiều trường hợp người thân đã mất hết lòng tin. Khi tìm đến, gia đình còn đuổi đi vì nghĩ mình là bạn hút chích của bệnh nhân”.
Chị Nguyễn Thị Th, một thành viên tham gia ngay từ những ngày đầu của dự án và có nhiều thành tích trong quá trình làm việc tâm sự: “Khi nhận được lời mời của trung tâm tôi nhận lời ngay vì tìm thấy được sự đồng cảm. Tôi đã được tập huấn về kỹ năng chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm HIV từ khi còn sinh hoạt ở nhóm “Tự lực” - một nhóm do những người bị nhiễm HIV thành lập. Khi vào Trung tâm SHAPC, tôi muốn đem tất cả những kinh nghiệm mình có được để giúp những người bệnh khác có được sự tự tin hơn trong cuộc sống”. Chị T cho biết thêm: “Trung tâm phải hợp tác với các bệnh viện và trung tâm tư vấn xét nghiệm HIV. Từ đó chúng tôi mới có thể tiếp cận được với bệnh nhân có kết quả dương tính. Nhiều khi chúng tôi tìm đến địa chỉ mà bệnh nhân khai trong hồ sơ thì phát hiện ra đó là địa chỉ giả. Có những bệnh nhân còn không chịu hợp tác”.
Anh Nguyễn Văn M, quận Hai Bà Trưng, một bệnh nhân đang được chăm sóc chia sẻ: “Khi biết mình bị bệnh tôi bàng hoàng, suy sụp không tập trung làm được việc gì. Giờ đây, nhận được sự chăm sóc của những người bị bệnh giống mình tôi đã bình tĩnh. Nhưng bố mẹ tôi vẫn chưa biết tôi bị bệnh. Tôi là con trai duy nhất trong nhà. Vợ chồng tôi cũng không dám đưa con trai đầu lòng đi làm xét nghiệm. Chẳng may cháu cũng bị thì tôi sợ mình không chịu đựng nổi”.
Sự xa lánh, kỳ thị của cộng đồng vô tình đã đẩy người bệnh rơi vào trạng thái phó mặc cho số phận, làm tăng nguy cơ lây lan HIV. Xã hội cần nhận ra rằng những sự cảm thông, chia sẻ của gia đình, những người xung quanh chính là liều thuốc giá trị nhất.
Vô Hà - Tùng Yến
http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=86794&channelid=5