Đôi vợ chồng già và 5.000 chiếc kim tiêm
 |
Bà Dung đang nhặt kim tiêm |
TT - Khi mặt trời chưa lên khỏi ngọn tre phía làng xóm xa mờ, từ đầu ngõ chợ Cấm (xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) tôi đã trông thấy dáng vẻ cà nhắc của một bà lão đang chậm rãi từng bước chân dò tìm dưới nền chợ vung vãi rác rưởi.
Thi thoảng bà dừng lại nhặt lên một thứ gì đó rồi lại tiếp tục dò tìm. Lại gần, tôi ngạc nhiên khi biết bà không bới rác để tìm thứ gì có giá trị mà lại cần mẫn tìm nhặt từng chiếc kim tiêm. Đó là những kim tiêm ma túy bị quẳng lại từ đêm hôm qua...
Chuyện thường ngày ở chợ
Bà lão vui vẻ trò chuyện: “Tôi chẳng có tên đâu chú ạ, mà cũng chẳng ai biết được tuổi ông chồng tôi là bao nhiêu. Mọi người cứ quen gọi tôi theo tên chồng là bà Dung. Hồi trước việc nhặt kim tiêm này do ông nhà tôi làm, gần đây ông ấy ốm nằm liệt giường nên tôi làm thay. Làm thế thôi, chẳng có ai thuê đâu chú. Mới đi một vòng mà đã nhặt được một túi kim tiêm đây này, mấy đứa nghiện cứ chích xong là quăng bừa bãi khắp chợ, ai vô ý giẫm phải thì chết mất thôi”.
Theo chân bà Dung đi... nhặt kim tiêm, tôi thấy từng giọt mồ hôi trên vầng trán nhăn nheo và cái lưng còng trĩu nặng của bà mỗi khi cúi xuống. Một bên tay của bà dường như không cử động được nên bà chỉ dùng một tay để làm công việc của mình. Bà cẩn thận dùng lá chuối khô bọc ngoài chiếc kim tiêm rồi mới nhặt lên cho vào bao.
Bà nói: “Ông nhà tôi vô ý vô tứ lắm, nhặt kim tiêm mà cứ tay không cầm lên chẳng e dè chi cả, lỡ kim tiêm đâm phải tay thì khốn”. Gần một giờ đồng hồ trôi qua bà Dung mới làm xong công việc đầu tiên trong ngày.
Bà lại cà nhắc cầm bao đựng kim tiêm vòng ra phía sau túp lều. Phía dưới mấy bó củi, ẩn sau lớp đất cát là “hố chôn kim tiêm tập thể” mà thường ngày ông bà Dung vẫn dùng để chôn những kim tiêm nhặt được. Dưới hố, những chiếc ống tiêm nằm im lìm bên nhau với tua tủa mũi kim nhọn hoắt.
Bà Dung cho hay đã nhiều lần chồng bà phải đào thêm các hố chôn vì kim tiêm cứ đầy mãi theo năm tháng. Nếu tính mỗi ngày ít nhất vợ chồng ông Dung nhặt được mười chiếc kim tiêm, thì đến nay sau năm năm ông bà dọn ra ở chợ Cấm đã có trên 5.000 chiếc kim tiêm nằm dưới nền đất lạnh.
Trong túp lều tồi tàn, bức ảnh Chúa Trời đứng mỉm cười trên cao dường như là tài sản đáng giá nhất. Phía dưới bức ảnh là một chiếc giường nhỏ. Trên giường ông Dung nằm im lìm, đôi mắt nhắm nghiền.
Bà Dung thức chồng dậy tiếp khách, rồi vội vàng đi thổi lửa nấu nước chè xanh. Mỗi ngày một ấm nước chè xanh, một bát nước giá 200 đồng là thu nhập chính của ông bà. Thường ngày số tiền hai ông bà kiếm được cũng không bằng tiền kim tiêm vứt lại trên nền chợ.
Cái nghèo của vợ chồng ông Dung “nổi tiếng” khắp xã Nghi Yên, nghèo đến mức ba thế hệ nhà ông bà nối tiếp nhau đều phải sống trong những túp lều tranh. Ông Nguyễn Thế Hệ, phó chủ tịch kiêm trưởng Công an xã Nghi Yên, khẳng định: “Mặc dù nghèo khó nhưng gia đình ông Dung chưa bao giờ vì miếng ăn mà vi phạm pháp luật, ba cậu con trai noi gương ông bà cũng không theo những thanh niên hư hỏng trong làng trộm cắp hoặc phá rừng. Ngày trước ông Dung thường mò cua bắt ốc đổi lấy gạo. Nay ruộng phun thuốc sâu nhiều, cua ốc hiếm dần nên ông bà phải chuyển sang bán nước chè xanh ở chợ Cấm”.
 |
Vợ chồng ông Dung... |
Ngọn đèn trước gió
Lúc này chợ Cấm đã ồn ào tiếng mua bán, phiên chợ quê người đi kẻ lại giữa la liệt cá tươi và bã mía.
Ngắm nhìn đa số bà con nông dân đi chợ với bàn chân trần nứt nẻ vì công việc đồng áng, có người gót chân còn dính bùn non dường như đã tranh thủ thăm ruộng trước khi vào chợ, tôi chợt “ngộ” ra một phần lý do vợ chồng ông Dung nhặt kim tiêm mỗi ngày.
Nghe chị bán cá trước lều ông Dung kể lại: “Dân ở đây nghèo lắm, bán mấy yến thóc mới mua được đôi dép nhựa chỉ để đi vào những dịp lễ tết hay giỗ chạp mà thôi. Tui nhớ mấy năm trước đây, hồi ông bà Dung mới dọn ra ở chợ, có chị L. người ở xóm trên chẳng may giẫm phải kim tiêm, khi biết đó là kim tiêm do bọn nghiện ma túy vứt lại, chị ấy ôm lấy chân nằm kêu khóc giữa chợ vì sợ bị lây bệnh xã hội. Chúng tôi phải bồng chị ấy vào lều ông Dung nằm nghỉ, rồi đích thân bà Dung băng bó bàn chân cho chị. Chẳng biết hai ông bà trò chuyện với chị những gì mà kể từ ngày đó mọi người đi chợ không còn thấy kim tiêm vứt bừa bãi nữa. Thì ra ông Dung đã dậy sớm dọn dẹp kim tiêm hằng ngày”.
Năm năm trước đây, ông Dung dắt díu cả gia đình ra ăn nhờ ở đậu ở chợ Cấm. Mới đầu ông bà không tránh khỏi sự nghi ngại của những người buôn bán trong chợ, nhưng rồi họ nhanh chóng chấp nhận sự có mặt của ông bà.
Hằng ngày đôi vợ chồng già còng lưng đi khắp chợ làm đủ mọi việc thượng vàng hạ cám như bán nước chè xanh, mang vác hàng hóa... để được nhận những đồng tiền công ít ỏi sống đắp đổi qua ngày.
Trò chuyện với bà con trong chợ, ai cũng tỏ bày sự thương mến vợ chồng ông Dung. Được người con dâu đỡ dậy ăn bát cháo hành, ông Dung yếu ớt tâm sự: “Có gì đâu, bà con thương mến đùm bọc đôi vợ chồng già này thì tôi cũng phải làm một việc gì đó cho bà con chứ”.
Theo lời ông Dung, từ xưa vùng đất xung quanh chợ Cấm vốn rất bình yên. Từ ngày cơn lốc ma túy tràn qua, do vị trí vắng vẻ ở cách xa khu dân cư, chợ Cấm đã trở thành một tụ điểm bán lẻ và tiêm chích ma túy. Đêm về những bóng đen ẩn hiện như những cô hồn lần mò vào chợ...
Sáng tinh mơ, ông Dung dạo một vòng quanh chợ đã nhìn thấy những chiếc kim tiêm ướt đẫm sương đêm nằm chỏng chơ. Chỗ này là kim tiêm của nhóm thanh niên đi xe máy, chỗ kia là kim tiêm của mấy cô gái hành nghề mại dâm ở những hàng quán nằm dọc theo quốc lộ đoạn chạy qua chợ Cấm...
Có cô nàng chích xong còn lấy kim tiêm khắc chữ “hận đời” lên vách gỗ của hàng quán trong chợ. Ông Dung bèn lấy viên gạch xóa dòng chữ này và dùng viên gạch kẻ khẩu hiệu mà ông vẫn thường thấy Đoàn thanh niên xã viết lên những bức tường của các nhà trong xóm: “Hãy nói không với ma túy”.
Cô dâu út của vợ chồng ông Dung kể: “Nhiều lần bố tôi đã tự đuổi bọn ấy ra khỏi chợ, mặc cho mẹ tôi cùng tụi tôi nói thôi bố già rồi, sức yếu rồi! Ông có nghe đâu, một dạo từng đêm ông cứ cầm gậy và đèn pin đứng ở đầu ngõ... Đâu chỉ được mấy ngày thì bọn nghiện lên cơn mất hết tính người đã xô ngã ông để kéo vào chợ tiêm chích. Chúng còn dọa đốt nhà và đánh đập con cháu ông...”.
Không chịu thua cuộc, ông Dung mời bà con buôn bán đến họp trong túp lều dột nát của ông để bàn chuyện mắc một bóng đèn giữa chợ. Chính quyền xã Nghi Yên cũng đã tổ chức vây bắt những kẻ tiêm chích ma túy ở chợ Cấm.
Ông Nguyễn Thế Hệ cho hay: “Mới đây, một đối tượng đã bị chúng tôi bắt khi đang đứng mua xilanh ở tủ thuốc tây đầu ngõ chợ, khám xét trong người hắn chúng tôi phát hiện năm tép thuốc”. Từ khi có bóng đèn thắp sáng đêm đêm ở chợ Cấm, tình trạng kim tiêm vứt bừa bãi giảm hẳn. Nhưng gần đây ông Dung ốm nằm một chỗ thì bọn nghiện đã mò vào đập vỡ bóng đèn.
Mặc dù ngã bệnh nằm liệt giường, ông Dung vẫn thều thào dặn bà Dung thay ông mỗi sáng sớm đi khắp chợ nhặt bằng hết kim tiêm. Nghe lời chồng, mặc dù một nửa người gần như bị liệt sau một căn bệnh hiểm nghèo, sáng nào bà Dung cũng cố cà nhắc đi hết khu chợ rộng lớn để nhặt kim tiêm.
“Ông nhà tôi ốm yếu, làm được việc gì cho ông vui thì tôi làm thôi, với lại cũng phải có người dọn dẹp kim tiêm trước khi các bà, các chị đi chợ chứ chẳng may ai giẫm vào thì tội nghiệp lắm. Như cái chị trước đây giẫm phải kim tiêm ấy, nghe đâu gia đình tan đàn xẻ nghé vì ông chồng không dám gần gũi vợ”.
VÕ VĂN THÀNH
(Tuoi Tre online)
Sửa bởi quản trị viên 13/01/2010 lúc 08:27:56(UTC)
| Lý do: Chưa rõ