Một thực tế phải thừa nhận là trẻ OVC rất khó đến trường, nếu có đi học thì phải học trường xa, giấu thông tin cá nhân, thậm chí phải bỏ học...
Phụ huynh cho con chuyển trường vì sợ trẻ có HIV học chung
T. T. M - một trẻ bị nhiễm H (HIV) - được nhóm Nắng Mai (Long Thành, Đồng Nai) nhận chăm sóc và bảo trợ. Vào lớp 1, M được các mẹ trong nhóm đưa đến trường để đi học với các bạn. Thế nhưng, vào trường học được một tuần, thì em phải chuyển sang nơi khác vì nhà trường đã phát hiện ra căn bệnh của em và nhiều phụ huynh đồng loạt phản ứng. Chuyển trường ba lần, em mới được học yên ổn và hòa nhập với bạn bè.
 |
Chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ có HIV tại chùa Diệu Giác, TPHCM. Ảnh: V.T |
Tại mái ấm Mai Tâm, TPHCM, xơ Kim Hương phụ trách mái ấm kể lại một trường hợp bé gái bị nhiễm H khi bước vào lớp 8, em hay hỏi các xơ: “Tại sao con phải uống thuốc, người con sao không nặng ký?”. Xơ Hương cho biết thêm, khi gửi em đến trường, mọi người trong lớp sợ sệt và cô lập em. Lớp học chật chội, còn em thì một bàn rộng thênh thang. Trẻ bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV có quyền đến trường như bao trẻ em khác, thế nhưng do kỳ thị, phân biệt đối xử đã khiến nhiều trường, nhiều phụ huynh không chấp nhận cho con em mình học chung.
Tại TPHCM, nhóm Xuân Vinh hiện đang chăm sóc cho khoảng 200 trẻ OVC, trong đó 2/3 trẻ trong độ tuổi đi học, nhóm đã giúp cho khoảng 70 trẻ đi học từ mẫu giáo đến cấp 2. Hiện còn khoảng 10 trẻ không đến trường được hay phải đi học xa do kỳ thị. N - người phụ trách của Trung âm Mai Hòa (ở Củ Chi) - cho biết, theo kế hoạch năm học 2009 – 2010, 15 em ở trung tâm sẽ được nhập học và học hòa nhập tại Trường Tiểu học An Nhơn Đông, tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu đến lớn, các em đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của phụ huynh khác. Toàn trường có tổng cộng gần 270 học sinh, nhưng do phụ huynh ngăn cản không cho học chung với trẻ OVC, nên con số học sinh tất tần tật chỉ còn lại 40 em.
Vận động lâu dài
Bà Trần Thị Thu Trâm - đại diện Trung tâm (TT) Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, TPHCM - cho biết, khi đến tuổi đi học, TT liên hệ với một trường tiểu học để các em được học hòa nhập. Mặc dù thông tin các em được giấu kín, thế nhưng những phụ huynh có con học chung đều tỏ thái độ khó chịu và không muốn các em vào học cùng... Thậm chí, ngay cả giáo viên cũng có người cho rằng, trẻ nhiễm HIV là sản phẩm của tệ nạn xã hội (ma tuý, mại dâm...), hậu quả lối sống thiếu lành mạnh của phụ huynh. Từ ác cảm trên, thầy cô giáo sẽ khó sẵn lòng chia sẻ, hỗ trợ trẻ bị nhiễm H đến trường sinh hoạt, học tập tự nhiên như những trẻ khác.
Theo UB Phòng, chống AIDS TPHCM, mặc dù Sở GDĐT đã có văn bản chỉ đạo đến tất cả 24 phòng GDĐT về việc nghiêm cấm việc kỳ thị, đuổi học các em vì lý do các em bị nhiễm hay bị ảnh hưởng bởi HIV, nhưng trên thực tế rất khó thực hiện được. Để giải quyết sự việc của Trung tâm Mai Hòa, UB Phòng, chống AIDS đã phối hợp với Sở GDĐT, Sở LĐTBXH và UBND huyện Củ Chi tăng cường chiến dịch vận động đưa trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng đến trường và tập trung tại xã An Nhơn Tây và trường An Nhơn Đông, đến nay phần lớn các em vẫn chưa được học hòa nhập. Thậm chí, các em học cấp THCS, vì lo sợ sẽ xảy ra tình trạng kỳ thị của các phụ huynh khác, nên trung tâm đã chuyển các em lên học tại quận khác.
Ông Lê Trường Giang - PGĐ Sở Y tế TPHCM - cho rằng, chiến dịch vận động đưa trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng đến trường vẫn là cuộc chiến lâu dài. Việc cho trẻ OVC đến trường cần đẩy mạnh truyền thông và vận động nhiều hơn, không chỉ bằng việc cung cấp kiến thức mà còn cần cả các vấn đề về tâm lý, xã hội mới tạo được sự đồng thuận của cộng đồng.
Võ Tuấn