Cựu danh thủ Hồng Sơn, Hiệp sĩ công nghệ thông tin
Nguyễn Công Hùng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Thiềng Liềng Vũ
Văn Chiêm, Thượng úy, Bác sĩ - Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu
Treo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh Lê Văn Sơn và Lê Trọng Hiếu - nhà
sáng chế tuổi teen được tôn vinh là những người hùng.
Người hùng sân cỏ một thuở
Đã có một thời Hồng Sơn, Huỳnh Đức là những cái tên được hô vang khắp
các ngả đường từ thành phố đến thôn bản, mỗi khi đội tuyển bóng đá Việt
Nam đối đầu với một đội nào đó. Tên Hồng Sơn gắn liền với sự tự hào,
hồi hộp, lo lắng, hoặc vỡ òa với chiến thắng của hàng triệu triệu người
dân Việt.
Thời vinh quang ấy là những âm vang vọng mãi từ quá khứ. Qua thời
đỉnh cao, Hồng Sơn trở về sống cuộc sống trầm lắng. Thế nhưng, người hâm
mộ chưa bao giờ quên anh.
Sơn "công chúa" bây giờ đã mang hàm Trung tá, vẫn chưa bao giờ tắt
đam mê với bóng đá. Và Nguyễn Hồng Sơn - Gương mặt Trẻ tiêu biểu năm
1996 sẵn sàng giao lưu với độc giả VietNamNet.
|
Trung tá Hồng Sơn - người hùng sân cỏ một thuở
|
Hiệp sĩ của nghị lực sống
Tự mày mò học hỏi cùng chiếc máy tính cũ, Hiệp sĩ Nguyễn Công Hùng
trở thành chuyên gia thành công trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Nuôi nhiều khát vọng chí lớn, Nguyễn Công Hùng đã đạt nhiều thành
tích đáng nể. Năm 2003, anh đã mở Trung tâm Tin học Công Hùng dành cho
con em ở địa phương và người khuyết tật. Trung tâm đã là người bạn đồng
hành với hơn 500 học viên với 30% là người khuyết tật được đào tạo và có
việc làm.
Tháng 08/2006, một website mang tên: www.nghilucsong.net chính thức
ra đời với nội dung hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm thông tin về việc
làm và học tập với hơn 30.000 thành viên khắp thế giới, 100 nghìn bài
viết được sẻ chia.
Đầu năm 2008, Nguyễn Công Hùng và nhóm bạn bè chung sức mở trung tâm
Nghị lực sống. Đây là một trung tâm giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo
nghề miễn phí dành riêng cho người khuyết tật với hai nội dung chính là
Ngoại ngữ và Công nghệ thông tin, đào tạo việc làm cho hơn 600 học viên
và thu hút được khoảng 600 thành viên là bạn đồng hành cùng website
Nguyễn Công Hùng đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi vào "Danh
mục đề xuất kỷ lục về ý chí của Việt Nam", "Người khuyết tật đầu tiên
làm giám đốc"; Tạp chí E-chip trao danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông
tin; Trung ương Đoàn trao tặng Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2006.
Hiện Nguyễn Công Hùng đang tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII Nhiệm kỳ 2011 - 2016 với mong muốn tha thiết "được đại diện và nói lên tiếng nói của cộng đồng người khuyết tật trên các diễn đàn xã hội".
|
Hiệp sĩ của nghị lực sống Nguyễn Công Hùng. Ảnh: Tuổi Trẻ
|
Vị cứu tinh trong màu áo xanh
Người dân vùng đảo Thiềng Liềng, Cần Giờ trìu mến gọi Thượng úy Vũ
Văn Chiêm - Trạm trưởng Trạm kiểm soát Thiềng Liềng, Đồn Biên phòng 554 -
Bộ đội Biên phòng - TP. HCM như thế.
Công việc chính của anh là kiểm tra, kiểm soát người và các phương
tiện ra vào địa bàn (Huyện Cần Giờ TP. HCM). Trong năm 2006, anh cùng
các chiến sĩ đồn biên phòng đã duy trì và kiểm tra hơn mười tám ngàn
phương tiện trên biển, đảm bảo tàu bè đi lại đúng quy định và đúng pháp
luật.
Cũng trong năm 2006, cơn bão số 9 (Durian) ập đến biển Cần Giờ. Một
số tàu bè ngoài khơi chưa kịp vào bờ. Nhận tin khẩn cấp, khi đó chiến sĩ
Vũ Văn Chiêm đang là trạm trưởng thuộc đồn 562 (Cần Giờ) lập tức cùng
đồng đội lao đi trong mưa bão để vận động bà con trưng dụng tàu bè lớn
ra khơi cứu nạn.
Bản thân anh đã phát huy hết tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh vượt qua
khó khăn trực tiếp cứu vớt 36 ngư dân trôi dạt trên biển đưa vào bờ an
toàn. Duy trì chế độ trực 24/24 giờ kiểm tra, kiểm soát chặt trẽ các
phương tiện, không cho tàu bè ra khơi trong và sau cơn bão.
Nhận nhiệm vụ trạm trưởng trạm kiểm soát Thiềng Liềng, đối mặt với
nhiều tội phạm thường xuyên đột nhập các tàu trộm cắp tài sản. Nhiều lần
giữa bốn bề sông nước, anh cùng đồng đội lao canô xé màn đêm truy bắt
tội phạm.
Nhiều tàu nước ngoài cũng được anh và đồng đội giúp phân luồng, khắc
phục sự cố khi đứt phao trôi neo tại địa bàn. Năm 2006, anh được Trung
ương Đoàn bình chọn là một trong mười Gương mặt trẻ tiêu biểu.
|
Phó bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thị Thu Hà (bìa phải) trao hoa, bằng khen cho anh Vũ Văn Chiêm tại buổi tuyên dương. Ảnh: Tuổi Trẻ
|
Nhà sáng chế tuổi teen
Vào một buổi tối tháng 10/2006, như thường lệ, cả nhà cùng ăn cơm và
xem thời sự trên VTV lúc 19 giờ. Chương trình đưa tin 19 học sinh thiệt
mạng trong tai nạn đắm đò ở huyện Con Cuông (Nghệ An).
Đêm đó, Lê Trọng Hiếu, học sinh trường Lớp 11A16, trường THPT Lê Quý
Đôn, Hà Đông, Hà Nội không tài nào ngủ được, trong đầu cứ quẩn quanh suy
nghĩ về sự việc đó.
Vốn nhà Hiếu có một xưởng sản xuất áo phao, em tự nghĩ giá mà lúc đó,
các bạn học sinh có áo phao thì đã không có con số thiệt mạng nhiều đến
vậy. Ý tưởng về chiếc cặp cứu sinh loé lên trong đầu em. "Cặp sách là
một vật dụng quan trọng nhất của học sinh, sao mình không biến những
chiếc cặp đó thành những chiếc phao?"
Với sản phẩm "Cặp cứu sinh" - vừa đựng sách vở khi tới trường, vừa là
chiếc phao cứu sinh khi gặp tình huống nguy hiểm, lũ lụt..., đã đoạt
Giải thưởng xuất sắc nhất trong cuộc Triển lãm Quốc tế dành cho các nhà
sáng chế trẻ lần thứ 5 tổ chức tại Đài Loan;.
Cặp cứu sinh là một trong 15 công trình sáng tạo đã được Ban tổ chức
chọn để tham dự Triển lãm quốc tế về sáng tạo được tổ chức vào tháng
9/2008 tại Đài Loan.
|
Nhà sáng chế tuổi teen Lê Trọng Hiếu. Ảnh: Tiền Phong
|
Người thầy thuốc bản mình
Thượng úy, Bác sĩ Lê Văn Sơn - Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu
Treo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh là người bạn gần gũi nhất với đồng
bào dân tộc Chứt, một dân tộc đang có nguy cơ diệt vong vì bệnh tật và
đói nghèo ở bản Rào Tre, thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ năm 2001 - 9/2005, bác sĩ Sơn cùng đồng đội ở đồn biên phòng 575
tích cực vận động đồng bào định canh định cư, hướng dẫn sản xuất, xây
dựng nếp sống văn hóa, xóa mù chữ, chăm sóc sức khỏe, điều trị dứt điểm
cho đồng bào 2 bệnh sốt rét và biếu cổ, bài trừ mê tín dị đoan.
Lê Văn Sơn cùng đồng đội phải mất 6 tháng để người dân tin cậy. Có
lần anh cùng y sĩ Nguyễn Văn Hùng, quân y của Đồn biên phòng Cầu Treo
lặn lội đến nhà ông thầy mo Chóong để vận động gia đình đồng ý cho các
anh khám bệnh cho cô con dâu đang trong cơn nguy kịch, nằm liệt giường.
Bản thân ông Choóng là thầy mo nên đã tổ chức cúng đuổi ma cho con dâu
suốt mấy tháng liền mà bệnh không thuyên giảm.
|
Phân chia thóc giống cho dân bản Rào Tre trước khi vào vụ mùa mới. Ảnh tư liệu BĐBP Hà Tĩnh cung cấp cho VietNamNet
|
Sau khi khám, các anh nhận định cô con dâu bị bệnh thần kinh, hoàn
toàn có thể chữa khỏi được nên đã báo cáo với chỉ huy "đặt cược" với dân
bản tin vào bác sĩ. Suốt một tháng sau ngày "đặt cược" đó, y sĩ Hùng, y
sĩ Sơn ngủ nhờ tại nhà trưởng bản, hàng ngày thay nhau đến nhà thầy mo
để tập trung châm cứu cho người bệnh. Chưa đầy một tháng, cô con dâu
thầy mo có thể đứng lên tự đi lại. Sang tháng thứ hai đã thoăn thoắt gùi
quẩy tầu lên nương trước sự ngỡ ngàng của gia đình và dân bản.
Trải qua 5 năm, từng bước làm quen và xóa đi những nghi ngại định
kiến của người bản xứ vốn bị cái đói và những phong tục tập quán mê tín,
lạc hậu hoành hành quanh năm, không có lấy một chút văn minh, chỉ tin
vào "con ma rừng". Người thầy thuốc biên phòng cùng đồng đội dần đã tạo
được niềm tin, không chỉ kéo người dân tin vào "cái thuốc" của anh mang
đến, mà anh còn dạy dân biết chữ, định canh định cư, lập thành tích xuất
sắc trong việc xây dựng, bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt,
bản Rào Tre.
Các vị khách mời đặc biệt sẽ có mặt trong buổi Giao lưu trực tuyến cùng VietNamNet vào 14h-16h Chủ Nhật, ngày 20/3/2011.
ĐẶT CÂU HỎI CHO CÁC VỊ KHÁCH MỜI TẠI ĐÂY