Từng thành viên trong nhóm đến từng nhà các cháu để giới thiệu về nội dung Nghị định (phần dành cho trẻ sống chung với HIV/AIDS) cũng như hướng dẫn cho bố/mẹ hoặc người nuôi dưỡng các cháu làm hồ sơ xin trợ cấp. Một thành viên đi vận động tâm sự, ban đầu nhiều gia đình còn e ngại vì không có thời gian đi lại, không biết phải làm thế nào, sợ ai đó biết nhà có người đã mất vì AIDS và ngại vì không biết viết chữ. Nhóm VNMTS đã tư vấn tận tình vì đó là quyền lợi của các cháu được hưởng, góp phần giúp gia đình bớt khó khăn phần nào.
Tuy nhiên, trong quá trình đi làm thủ tục cũng có những khó khăn. Nghị định hướng dẫn là vậy nhưng khi xuống đến các cấp cơ sở thì mỗi nơi lại có những hướng dẫn khác nhau, có khi ngay trong cùng một quận/huyện nhưng mỗi phường/xã lại có cách làm riêng của mình.
Nghị định nêu rõ: “Trẻ em dưới 18 tuổi mồ côi cả cha và mẹ, hoặc mất bố hoặc mẹ mà người còn lại không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật, trẻ em có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo sẽ được nhận hỗ trợ”. Tuy nhiên, khó khăn khi đi làm hồ sơ thì nhiều gia đình phải xác nhận bố/mẹ cháu đã mất vì lý do bệnh AIDS. Bởi vậy, đã có một gia đình bỏ cuộc vì sợ rằng việc xác nhận xong sau này phiền phức cho các cháu. Nhưng cũng có nhiều phường khác, việc xác nhận chỉ cần bố/mẹ đã mất là đủ.
Trong quá trình đi làm thủ tục, nhóm VNMTS thấy rằng, việc xác nhận với các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ đơn giản hơn cháu có bố hoặc mẹ đã mất. Đặc biệt, việc xác minh người còn lại mất sức lao động rất nan giải. Trường hợp chị H ở Gia Lâm được xem xét cả năm nay nhưng chưa có hướng giải quyết. Chồng chị H đã mất, chị đang điều trị ARV, lúc ốm cả tháng liền, tháng nào đi làm được cũng chỉ dưới 1 triệu đồng. Như vậy, chị H không hẳn là mất sức nhưng với mức thu nhập như vậy sống tại thành phố thì không thể nói là không khó khăn. Ngoài ra, thực hiện Nghị định còn phụ thuộc vào ngân quỹ của địa phương. Bởi vậy có đến 2 trường hợp trong cùng một xã đã được nhận hồ sơ nhưng xã chưa có quyết định hỗ trợ vì chưa có ngân sách. Nhưng xã bên có 5 gia đình làm hồ sơ thì chỉ sau 2 tháng các cháu đã được hưởng quyền lợi rồi.
Thống kê đến nay, sau nhiều tháng vận động, hướng dẫn và kết hợp cùng với hội phụ nữ các cấp chúng tôi đã thành công được 31 trường hợp. Còn lại 11 trường hợp vì những lý do “tế nhị” vẫn đang chờ giải quyết. Âu cũng là thành công bước đầu để chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các gia đình khác để trẻ em sống chung với HIV/AIDS được hưởng quyền lợi từ các chính sách của Nhà nước.
Ong Tùng