Mong một ngày nào đó, cái chữ sẽ
đưa các em ra khỏi cảnh đói ăn, đói chữ
Những “bông hoa” trong thung lũng
Trường tiểu học số 2 Nậm Xây nằm chênh vênh bên đường, là nơi giao nhau của những con dốc ngoằn ngoèo, tung mờ bụi đỏ, cũng là điểm trung chuyển dẫn lên bãi vàng Sa Phìn. Từ điểm trường này, muốn lên tới bãi vàng, nếu tính thời gian, ai khỏe chân cũng phải mất tới 2 tiếng đồng hồ, dù khoảng cách chỉ chưa đầy 5km. Thế nhưng chưa bao giờ những bưởng vàng đem lại sự no ấm cho vùng đất này. Màu đen của khói thuốc phiện đã từng nhuốm một màu nham nhở sự sống nơi đây - Nơi mà người ta đặt cho nó một cái tên cũng “liêu trai” không kém: Thung lũng lãng quên. Cho tới thời điểm này, không chỉ trường học, mà chính những ngôi nhà trong bản, vẫn luôn trong trạng thái ọp ẹp, có thể bị gió mưa khắc nghiệt táp đổ bất cứ lúc nào.
Chúng tôi tìm tới nhà Giàng A Ca, học sinh lớp 4, do cô Hứa Thị Yến chủ nhiệm, theo sự giới thiệu của thầy Lê Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Nậm Xây. Nhà cậu bé dễ tìm nhất vì nằm đối diện ngay với trường. Bản người Mông Sa Phìn đang vào mùa quải hạt, lẽ ra phải đi nương thì gia đình Giàng A Ca lại ở nhà. Chỉ có duy nhất cậu bé là vắng mặt, vì em vừa dắt con trâu ra sườn đồi cho nó gặm cỏ. Hỏi anh Giàng A Hờ - bố của Giàng A Ca, cậu bé đi lâu chưa, anh cũng ú ớ không biết trả lời. Dường như vừa rít song một điếu thuốc phiện nên Hờ có vẻ đang trong trạng thái còn “phê” lắm.
Nhìn quanh căn nhà lụp xụp, chẳng có lấy một chút ánh sáng từ bên ngoài, cũng chẳng có gì giá trị ngoài mấy chiếc nồi treo hứng đầy bồ hóng bếp. Trong căn nhà ọp ẹp, tăm tối, chỉ leo lắt ánh lửa từ phía bếp củi đốt lên để không.
Người trong bản bảo Giàng A Hờ nghiện nặng đã từ lâu lắm rồi, từ khi những thung nương bậc thang trồng cây thuốc phiện còn tím ngắt, kéo tít tắp về phía chân trời. Cho tới giờ cây lúa được trồng thay thế, A Hờ vẫn không bỏ được cơn khát ấy. A Hờ ít học, tưởng như chẳng có gì liên quan, nhưng chính Hờ lại không biết được rằng cái sự nghiện của anh khiến vợ và con cái luôn lâm vào cảnh túng quẫn đói nghèo, khát cơm, khát chữ... Mới học lớp 4 mà Giàng A Ca đã phải thay bố để cùng mẹ gánh vác nhiều việc nặng nhọc nhất trong gia đình. Dắt con trâu to đùng lên ruộng bậc thang để cày bừa không còn là việc xa lạ đối với cậu bé 10 tuổi này.
Nhà của em Giàng A Cai (học sinh lớp 3) cách xa trường, thế nhưng ngày nào thầy cô giáo cũng thấy em có mặt đúng giờ vào lớp. A Cai hăng hái học tập, nên được thầy cô yêu quý và bao bạn nể phục. Nhìn cậu bé vô tư giữa chúng bạn, ít ai biết được rằng, hoàn cảnh gia đình em khó khăn vào bậc nhất của bản Sa Phìn. Bố em, Giàng A Su cũng đã nghiện thuốc phiện từ nhiều năm nay. Người đàn ông, lẽ ra phải là trụ cột chèo lái gia đình thì giờ đây đã ném cả cuộc đời vào những cơn say thuốc phiện. Mẹ của A Cai cũng mắc bệnh bại liệt đã bao mùa rẫy, hoàn cảnh đã khó khăn càng cơ hàn hơn.
Quá túng quấn, gia đình A Cai không có nổi một căn nhà dù chỉ là lợp mái gianh. Cả gia đình phải chui rúc trong chiếc bạt được quây lại, chỉ cần một cơn gió nhẹ đi qua đã muốn đổ ụp. Những đứa trẻ trong thung lũng, và cả A Cai đều bị nắng làm cho đen nhẻm. Có những em từ khi sinh ra đến nay chưa bao giờ được xỏ chân vào đôi dép. Dường như đứa trẻ nào ở đây cũng mang theo mình sự khuyết thiếu của hạnh phúc, bởi đói cái bụng, đói cái chữ từ khi lọt lòng.
Được biết, Giàng A Ca, Giàng A Cai, và nhiều học sinh trong trường đã được cử đi tham dự cuộc thi viết chữ đẹp và học sinh giỏi trong huyện. Các em chính là niềm vui, niềm tự hào của những thầy cô đang ngày đêm cắm bản nơi thung lũng mù sương này.
Tư tưởng “không có nơi nào nhanh giàu có
như nơi này” vẫn ám ảnh nhiều người
Tiếng gọi từ nơi... bị lãng quên
Trong số 19 giáo viên đang công tác tại 3 cơ sở của trường tiểu học xã Nậm Xây, anh Lê Trung Kiên là thầy giáo trẻ nhất của trường đóng tại cơ sở Sa Phìn. Ở tuổi 27, hơn 4 năm anh gắn bó với thung lũng mù sương này với hy vọng góp sức mình thắp lên cái chữ. Nhớ lại những ngày đầu được phân công tới vùng cao huyện Văn Bàn, nơi bản nghèo này để dạy học, anh không khỏi “oải” khi phải chứng kiến và đi trên con đường độc đạo dẫn vào bản mới khủng khiếp làm sao. Con đường nhỏ chỉ đủ cho con trâu, con ngựa băng qua. Những chỗ lồi lõm, khi sâu hoắm, khi vồng lên một cách điên cuồng như thách thức dấu chân người lại qua, và cũng là nơi vĩnh viễn lấy đi mạng sống bao người.
Cũng vì thương học sinh mà nhiều đêm trăn trở, anh Kiên và nhiều giáo viên nơi đây đã rơi nước mắt. Nghĩ rằng mình cần làm gì đó giúp các em nhỏ và những người dân nghèo còm cõi nơi đây, anh đã không ít lần đặt bút viết những bài báo về cuộc sống trong thung lũng nghèo, chỉ với hy vọng người ta sẽ không lãng quên “thánh địa” thuốc phiện một thời vẫn đang quằn quại trong nỗi đau từ hệ luỵ của những nương thuốc phiện.
Và rồi những nỗ lực từ mồ hôi và nước mắt ấy đã không phụ công thầy giáo trẻ khi từ những bài báo của anh, người ta biết đến Sa Phìn nhiều hơn. Người ta đặt câu hỏi tại sao cái nghèo lại đeo đẳng họ nhiều đến thế, tại sao ám ảnh của khói thuốc phiện lại dai dẳng thế. Và không ít nguồn động viên đã được gửi tới cho ngôi trường nhỏ bé nằm giữa những con dốc quanh co ấy. Một số cơ quan ở Trung ương như Tập đoàn Điện lực, báo Bạn Đường, ...cũng đã gửi gắm sự cảm thông và phần nào sự hỗ trợ tới bản nghèo này.
Thầy Tâm cho biết, trường hiện có khoảng hơn 200 em học sinh, được phân lớp tại 3 điểm trường, điểm trường Trung tâm, điểm trường Giàng Dúa Chải và Phù Lá Ngài. Riêng điểm trường Sa Phìn có khoảng hơn 100 em. Do đặc thù về đường xá đi lại khó khăn, hoàn cảnh gia đình các em đều nghèo, tập quán du canh du cư bao đời cùng với thói quen theo bố mẹ lên núi đào vàng, nên tình trạng các em nghỉ học thất thường rất phổ biến. Đau đáu với cái sự học của trò, nhưng các thầy cô giáo nơi đây cũng rất khó làm thế nào để giúp các em toàn tâm toàn ý đến trường học như đúng lứa tuổi. Vì lý do cũng lại bởi hệ luỵ từ những nương thuốc phiện trong thung lũng buồn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bàn Hữu Hương - Trưởng công an xã Nậm Xây cho biết: Những tháng ngày thung lũng Sa Phìn ngập sắc tím của những nương thuốc phiện, trong khu đã có tới mấy chục đối tượng nghiện. Đến nay màu tím ấy đã bị dẹp bỏ, song từ năm 2004, khi tại đây rộ lên nạn “vàng tặc” thì số lượng người nghiện tại địa bàn đã không thể kiểm soát. Mặc dù xã đã có chính sách vận động, Nhà nước có chính sách đầu tư cho nông nghiệp, cam kết không trồng và không tái nghiện thuốc phiện, song ma tuý vẫn đeo đẳng một trong những khu vực nghèo nhất tỉnh này. Xã Nậm Xây hiện có khoảng gần một nửa số hộ nghèo. Cũng vì nghèo, nhiều đứa trẻ phải theo bố mẹ đi gùi hàng vào tận bãi vàng để kiếm tiền, phải đi qua những triền dốc cheo leo, rất nguy hiểm.
Về thung lũng Sa Phìn chúng tôi mới biết, đích thân thầy hiệu trưởng, hiệu phó cũng tới nhà học sinh, động viên khuyên bảo các em học tập. Thầy Tâm cho biết, vì dân trí thấp, phụ huynh chưa thực sự quan tâm tới con cái, nên nếu thầy cô không sát sao, không dành tình yêu thương của mình cho các em, chắc chắn các em sẽ bỏ học, lớp học sẽ vắng tanh. Để tạo sự hứng thú cho các em đến trường, các thầy cô giáo còn chủ động sáng tạo ra những trò chơi vui nhộn, gần gũi với các em như bập bênh, đánh đu,...
Những việc làm giản dị ấy là sự nỗ lực không mệt mỏi của những người thầy đang ngày đêm “cắm bản”, mong một ngày nào đó, cái chữ sẽ đưa các em ra khỏi cảnh đói ăn, đói chữ. Và rồi, ánh điện sẽ được thắp lên, thung lũng bị lãng quên sẽ khởi sắc. Hy vọng những ước mơ của các thầy cô và nhiều học sinh ở Nậm Xây sẽ sớm trở thành hiện thực.
Đình Vân
|