6:46 PM, 15/08/2011
(Chinhphu.vn) - Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, trong đó điều trị thay thế chỉ thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người nghiện. Đồng thời, dự kiến người nghiện thuộc các đối tượng chính sách xã hội được điều trị thay thế miễn phí khi tham gia điều trị thay thế.
 |
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế -Ảnh minh họa
|
Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone không phải là một giải pháp mới trong các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.
Đã thí điểm đạt hiệu quả
Ở Việt Nam, từ năm 2006, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án "Triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh”.
Đề án này được triển khai dự kiến điều trị cho 1.500 bệnh nhân là người nghiện chích ma túy tại 6 cơ sở điều trị.
Song kết quả chỉ sau 1 năm triển khai thí điểm đã cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân sử dụng ma túy bất hợp pháp giảm đi đáng kể cả về tần suất và số lượng.
Nếu như trước khi tham gia điều trị, 100% bệnh nhân sử dụng các chất dạng thuốc phiện thì sau tháng đầu tiên điều trị, tỷ lệ này đã giảm xuống 57%, sau tháng thứ hai còn 30% và sau 3 tháng điều trị chỉ còn 10%.
Ngay cả những bệnh nhân còn sử dụng các chất dạng thuốc phiện thì tần suất sử dụng cũng đã giảm rõ rệt, tức là trung bình 60 lần/tháng trước điều trị thì sau 3 tháng điều trị, tần suất sử dụng heroin của bệnh nhân trung bình chỉ còn 1-2 lần/tháng...
Trong khi đó, tình hình dịch HIV tại nước ta mặc dù đang có xu hướng chững lại nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ làm bùng phát dịch. Và hình thái lây nhiễm HIV chính ở nước ta hiện nay là lây truyền qua đường máu và chủ yếu là do sử dụng chung bơm kim tiêm trong nhóm người nghiện chích ma túy.
Các địa phương mong muốn tham gia Chương trình Methadone
Thuốc thay thế là chất hoặc hỗn hợp các chất không gây khoái cảm hoặc gây khoái cảm yếu, có tác dụng ngăn ngừa sự lệ thuộc của cơ thể với các chất dạng thuốc phiện.
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là việc sử dụng thuốc thay thế kết hợp với các giải pháp tâm lý, xã hội nhằm giúp người nghiện bất hợp pháp ngừng sử dụng các chất dạng thuốc phiện, phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, giúp người nghiện phục hồi chức năng tâm lý, xã hội, lao động và tái hòa nhập cộng đồng.
|
Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết thêm, trước tình hình ma túy diễn biến phức tạp như hiện nay, ở các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh thành trọng điểm về tệ nạn ma túy cũng đã có công văn chính thức đề nghị Bộ Y tế để được tham gia triển khai Chương trình Methadone, nhằm góp phần giảm tác hại của sử dụng ma túy và giảm lây nhiễm HIV.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc mở rộng triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2010-2015. Dự kiến đến hết năm 2015 sẽ điều trị cho 80.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Tuy nhiên, để tăng cường sự thống nhất về quản lý, điều hành của Chính phủ liên quan đến chỉ đạo liên ngành trong triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, cần thiết xây dựng Nghị định quy định cụ thể về việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone).
Dự kiến chế độ chính sách trong điều trị thay thế
Bởi vậy, theo Cục phòng chống HIV/AIDS, dự thảo này được xây dựng với đầy đủ các nội dung quy định về đối tượng tham gia điều trị nghiện; điều kiện của các cơ sở điều trị nghiện; các điều kiện đảm bảo cho công tác điều trị thay thế cũng như quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia vào điều trị thay thế.
Hiện nay, Chương trình Methadone đã điều trị cho khoảng 580.000 bệnh nhân tại châu Âu và hơn 200.000 bệnh nhân tại châu Á.
(Số liệu Tổ chức Y tế thế giới WHO)
|
Dẫn chứng cụ thể như, theo Dự thảo, 3 điều kiện của đối tượng tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế gồm: 1- Là người nghiện chất dạng thuốc phiện theo quy định của Bộ Y tế; 2- Tự nguyện và cam kết bằng văn bản tuân thủ phác đồ điều trị thay thế. Trường hợp người nghiện các chất dạng thuốc phiện dưới 16 tuổi thì cha, mẹ, hoặc người làm giám hộ hợp pháp của người nghiện các chất dạng thuốc phiện phải tự nguyện và cam kết bằng văn bản về tuân thủ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế; 3- Đủ sức khỏe để tham gia điều trị thay thế theo quy định của Bộ Y tế.
Dự thảo cũng đề xuất miễn phí điều trị đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện thuộc các đối tượng chính sách xã hội khi tham gia điều trị thay thế. Kinh phí chi trả điều trị thay thế cho đối tượng này do nhà nước cấp từ các nguồn hợp pháp.
Các cán bộ công tác tại cơ sở điều trị thay thế được hưởng lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các chế độ phúc lợi khác theo quy định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo Nghị định và góp ý.
Trọng Hoàng