Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline Niềm tin  
#1 Đã gửi : 27/08/2011 lúc 06:24:56(UTC)
Niềm tin

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 17-01-2006(UTC)
Bài viết: 224

Cảm ơn: 11 lần
Được cảm ơn: 60 lần trong 28 bài viết

Bài học từ những lần hòa nhập thành công

Cập nhật lúc 14:21, Thứ bảy, 27/08/2011 (GMT+7)



Hai ông cháu Phương - mái đầu xanh nương tựa vào mái đầu bạc.  
 

NDĐT – Chủ trương đưa trẻ em nhiễm HIV đến trường đã được cả nước thực hiện trong ba năm qua. Nhiều đứa trẻ không đầu hàng sau nhiều cú va vấp, đã đấu tranh đòi được quyền đi học và được đối xử như những đứa trẻ bình thường. Riêng Ba Vì, Hà Nội vẫn là “điểm nóng” và con đường đến trường của những đứa trẻ của Trung tâm Lao động xã hội 2 Ba Vì vẫn mịt mờ.

 

Hành trình tìm con chữ của hai ông cháu

Ở cái sân chang chang nắng trưa của Đầm Long, giữa những mái đầu xanh của những đứa trẻ, có một mái đầu bạc trắng ngồi lặng lẽ, thỉnh thoảng lại đảo mắt tìm đứa cháu đang mải miết chơi cùng các bạn.

Người đàn ông đó là Nguyễn Minh Tuyển, 68 tuổi, ông nội của cháu Nguyễn Thị Thu Phương, 11 tuổi, ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Ông Tuyển kể lại, ông có người con trai tên là Nguyễn Đức Chiển, sinh năm 1973. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Chiển không đỗ đại học nên đành lên Hà Nội học làm nghề đầu bếp và kiếm sống bằng nghề này. Sau một thời gian, anh Chiển quen và cưới chị Mai Thị Thiết, làm nhân viên nhà hàng. Họ sống ở Hải Phòng và sinh được một đứa con gái, đó chính là Thu Phương.

Đến năm 2004, anh Chiển đi khám sức khỏe để xin đi làm đầu bếp tại Hàn Quốc thì mới phát hiện ra mình bị nhiễm HIV. Chị Thiết, vợ anh và Phương, đứa con gái bé bỏng cũng bị lây nhiễm. Ông Tuyển kể, chính vợ chồng anh cũng không biết mình bị lây nhiễm trong trường hợp nào. Cũng trong năm đó, anh Chiển đã mất vì bị AIDS. Chị Thiết sống và nuôi con thêm được hai năm nữa thì cũng qua đời vào năm 2006.

Năm đó, Phương đành chuyển từ Hải Phòng về Kim Động, Hưng Yên để sống cùng ông nội. Ở Hải Phòng không ai biết Phương có “H” nên cháu vẫn được đi học mẫu giáo, nhưng khi về Kim Động thì mọi người xua đuổi em như một quái vật. Hai ông cháu lặng lẽ nương tựa vào nhau để sống trong sự kỳ thị của những người xung quanh.

Đến năm 2009, ông Tuyển đã xin cho Phương vào học lớp 1 tại trường Tiểu học Kim Động. Nhưng Phương đi học đến buổi thứ ba thì cả lớp không còn ai nữa, chỉ còn mỗi Phương và thầy. Các bậc phụ huynh đã cho con nghỉ học hết khi biết trong lớp của con mình có một em bị nhiễm HIV.

Sau lần đó, ông Tuyên đành đưa cháu trở về nhà. Hằng ngày, Phương buồn bã đứng ngoài cổng trường nhìn vào lớp học. Điều đó khiến ông Tuyển không nỡ để đứa cháu nội phải đầu hàng số phận. Hai ông cháu đã lần tìm xuống Hà Nội và gặp bác sĩ, luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế. Biết hoàn cảnh đáng thương của hai ông cháu, bà Trâm đã cử hai luật sư về Hưng Yên giải thích về quyền được đến trường của trẻ bị nhiễm HIV cũng như những hình phạt mà thầy hiệu trưởng, phụ huynh và những ai ngăn cản không cho trẻ nhiễm HIV đến trường phải chịu nếu tiếp tục đối xử kỳ thị với cháu. Và trong trường hợp này, cái lý đã thắng. Cả phụ huynh, học sinh và nhà trường đã hiểu ra và chấp nhận để Phương đến trường.

Năm học 2010-2011, Phương là học sinh giỏi của khối lớp 1. Hằng ngày, người dân Kim Động đã quen thuộc với cảnh Phương đạp xe đèo cô bạn hàng xóm thân thiết là Trang đến trường. Giờ đây, Phương đang chuẩn bị lên lớp 2. Nụ cười, sự nhí nhảnh của tuổi 11 đã trở lại trên khuôn mặt tươi tắn của em.

Cô “Tiên” của trẻ bất hạnh

Cũng ba năm trước, cô Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc trung tâm Bảo trợ trẻ em Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đứng trước áp lực đưa những đứa trẻ nhiễm H ở đây hòa nhập cộng đồng.

Năm đó, sau nhiều toan tính, cô Tiên đã tìm đến gặp ban giám hiệu của hai trường Tiểu học Kim Hiệp và trường THCS Xuân Trường xin học cho lũ trẻ và yêu cầu nhà trường bảo mật thông tin về bệnh tật của chúng, rồi cô dẫn chúng đến gặp họ. Cô Hương, hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Hiệp, sau khi nhìn sáu đứa trẻ bất hạnh nhưng rất ngoan và dễ thương thì đã hứa bằng mọi cách bảo vệ chúng.

Những đứa trẻ còn được cán bộ trung tâm hướng dẫn cách tự chăm sóc mình khi bị chầy xước. Trong cặp chúng bao giờ cũng có sẵn băng dán để dán ngay vào những vết thương hở trước khi chạy lên phòng y tế nhà trường để cầu cứu sự giúp đỡ từ trung tâm. Chúng được dạy kiềm chế trước sự đùa nghịch, trêu chọc, kỳ thị của lũ trẻ bình thường mà không nổi nóng rồi xông vào đánh bạn. Và khi rời trường học về trung tâm, chúng có cả những bác sĩ tâm lý để “xả” những bức xúc, buồn bực khi bị đối xử ghẻ lạnh. Mỗi đứa trẻ đến trường còn có một cán bộ đóng vai bố hoặc mẹ đưa đón…

Những bước chuẩn bị ấy của cô Tiên không hề thừa. Sau khi lũ trẻ nhập học, phụ huynh nghe tin trong lớp học không bán trú có trẻ đến từ Trung tâm Linh Xuân liền đồng loạt lên Ban giám hiệu xin chuyển con sang lớp bán trú. Cô Hương, Hiệu trưởng đã tuyên bố thẳng thừng với họ rằng: nhà trường đã sắp xếp lớp từ đầu năm, không còn chỗ để chuyển nữa. Nếu muốn thì họ có thể làm đơn xin chuyển cho con sang trường khác. Dù chỉ còn một học sinh, cô cũng sẽ không đuổi những đứa trẻ bất hạnh đó.

Nhiều phụ huynh làm đơn kiện gửi lên UBND phường Linh Xuân, Phòng giáo dục quận Thủ Đức. Họ gay gắt đặt câu hỏi: “Con chúng tôi là con vàng con ngọc, nếu bị lây nhiễm HIV thì ai là người đền bù thiệt hại cho chúng tôi?”. Thầy Cường, trưởng phòng Giáo dục quận Thủ Đức đã viện dẫn những điều luật về quyền đến trường của trẻ HIV và giải thích: nếu phụ huynh có hành vi tuyên truyền, kích động các phụ huynh để đuổi trẻ HIV không được đến trường thì có thể bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Các cơ quan quản lý cũng đều thống nhất không cho những trường hợp này chuyển trường.

Sau những phản ứng không thành công ấy, phụ huynh bắt đầu chuyển sang việc theo dõi để phát hiện những đứa trẻ nào trong lớp học của con mình nhiễm có “quả cầu gai”. Họ bắt con mình đi theo những đứa trẻ bị nghi ngờ xem chúng có phải đến từ Trung tâm Linh Xuân không. Để đối phó, cô Tiên và những cán bộ trong trung tâm đành phải dạy cho lũ trẻ nói … dối!. “Bố (mẹ) tớ làm việc trong Trung tâm Linh Xuân. Tớ vào đây để đợi bố (mẹ) tớ hết giờ làm việc sẽ đưa tớ về nhà”.

Thời gian qua đi, những đứa trẻ trong cùng lớp học chơi với nhau thân thiết hơn. Còn các phụ huynh thì thấy con mình học chung với trẻ nhiễm H cũng chẳng có vấn đề gì. Sau ba năm, tung tích về những đứa trẻ nhiễm “H” đã bị “lộ” từ lâu, nhưng không còn ai phản đối chúng nữa. Nhiều đứa trẻ bình thường khi cô giáo phân công học nhóm đã xung phong vào làm bài tập cùng các bạn ở trong Trung tâm Linh Xuân. Đến ngày sinh nhật, chúng mời cả lũ trẻ có H đến nhà chơi. Cả những anh chị học lớp 8 khi biết một em lớp 6 nhiễm H đến ngày sinh nhật cũng xin phép vào trung tâm tổ chức sinh nhật cho em.

126 đứa trẻ sống tại Trung tâm Linh Xuân đều được uống thuốc ARV nên sức khỏe của chúng gần như giống những trẻ bình thường. Chúng chỉ bị cảm sốt vài hôm rồi lại đi học. Những đứa trẻ học cùng lớp được giao chép bài giúp bạn. Kết quả là 26 em đang theo học từ lớp 4 đến 9 đều được lên lớp, 40% là HS khá giỏi, có em đạt HS giỏi cấp quận môn văn.

Luật hay tình, hay cả luật và tình?

Hơn 4.400 trẻ em phát hiện có “H” đang sinh sống đâu đó trong các trại trẻ mồ côi, trên đường phố, ở nhà hoặc ở trung tâm bảo trợ. Mỗi năm, Việt Nam phát hiện thêm từ 400-700 trẻ bị nhiễm, riêng năm 2007, số lượng trẻ HIV được phát hiện cao nhất, lên đến 772 trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH cảnh báo tình hình trẻ em nhiễm HIV bị mồ côi và bỏ rơi đang có xu hướng gia tăng. Xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình dân số chưa đầy 10.000 người đã có hơn 50 trẻ em mồ côi có bố, mẹ, hoặc cả hai bố mẹ đã chết do AIDS. Trong số 7.000 dân của thị trấn Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cũng có đến 86 người dương tính với HIV. Trong số đó có 54 người đã chết, để lại 22 đứa trẻ mồ côi…

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội cùng sự tự kỳ thị của bản thân những đứa trẻ đã khiến chúng hầu như không có điều kiện tham gia học tập, vui chơi như những người bạn cùng trang lứa.

Mới đây, chị Victoria Boggiano, một tình nguyện viên đã điều tra thăm dò về sự kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em đang sống chung với HIV/AIDS tại Hà Nội. Hai địa điểm chị chọn là quận Ba Đình gồm các trường tiểu học Hoàng Diệu, Việt Nam – Cuba, Đại Yên và huyện Ba Vì gồm các trường tiểu học Vân Hòa, Yên Bài A, Yên Bài B. 20 phụ huynh của huyện Ba Vì và 40 phụ huynh quận Ba Đình đã được lựa chọn ngẫu nhiên để tham gia cuộc khảo sát. Một nửa trong số họ có trình độ tốt nghiệp cấp 3 trở lên. Kết quả là 15 người trong số họ không đồng ý cho trẻ có HIV hòa nhập. 34 người cho rằng đồng ý hòa nhập nếu mọi người được biết từ trước. 23 người trong số họ đồng ý rằng trẻ em có HIV có thể ở xung quanh những đứa trẻ khác mà không gây hại cho những đứa trẻ đó. 43 người nghĩ rằng HIV lây qua vết cắt, chảy máu. Chỉ có sáu người cho bọn trẻ hòa nhập vô điều kiện.

Vì thế, theo chị Victoria Boggiano, phụ huynh cần được tuyên truyền rằng nếu một người không sử dụng ma túy hay quan hệ tình dục không an toàn thì sẽ không có nguy cơ lây nhiễm. Họ cũng cần được hiểu về nguy cơ lây lan HIV trong trường học, điều đó chỉ xảy ra khi số lượng dịch, máu xâm nhập đủ lớn và lượng VR trong máu trẻ nhiễm “H” đủ lớn (trong khi trẻ được điều trị bằng thuốc ARV thì virus gần như không có trong máu của chúng)…

“Đây là hậu quả của việc tuyên truyền quá liều”, bác sĩ Nguyễn Trọng An chua xót thừa nhận. Để tuyên truyền người dân tránh những nguy cơ lây nhiễm, đã có lúc chúng ta gắn HIV với ma, quỷ, thần chết mà phải tránh xa. Sự kỳ thị của xã hội là do chính truyền thông gây ra, mà hệ lụy của nó mãi rồi chính giới truyền thông vẫn không gỡ nổi.

Mặc dù Việt Nam có đầy đủ những quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho trẻ nhiễm HIV, từ Luật phòng chống HIV/AIDS đến Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cùng các nghị định, chỉ thị, công văn liên quan đến vấn đề này, nhưng dường như rất ít khi được vận dụng.

Bác sĩ An cho rằng, đã đến lúc chúng ta dùng đến luật để xử mạnh tay với những phụ huynh cản trở con đường đến trường, với cả những hiệu trưởng các trường học không tiếp nhận trẻ nhiễm “H”. Còn luật gia Trâm, khi đưa ra những điều luật, bà vẫn hy vọng cái tình sẽ đến từ những bậc phụ huynh đối những đứa trẻ vô tội.

Cám cảnh trước những đứa trẻ nhiễm “H” ở Ba Vì, “cô Tiên” của những đứa trẻ may mắn hơn ở Linh Xuân nói: “Theo tôi, người dân trên địa bàn đối xử không nhân văn với các em ở Trung tâm Ba Vì. Vì trẻ em vô tội, nó là hậu quả của một số tai nạn hoặc hành vi người lớn để lại. Khi sinh ra chúng đã kém may mắn, đáng lẽ phải được bù đắp nhiều hơn, đằng này lại có những hành vi thiếu hiểu biết, vận động người khác cản bước chân của trẻ đến trường”.

Các cấp, các ngành ở Ba Vì vẫn hứa, bao giờ có đủ điều kiện thì sẽ cho trẻ nhiễm HIV hòa nhập. Nhưng nhiều người đã đặt câu hỏi ngược lại rằng: Bao giờ thì mới đủ điều kiện? Nếu xem các em là người bình thường như những đứa trẻ khác, thì điều kiện nhập học của chúng cũng chỉ giản đơn như những đứa trẻ bình thường mà thôi.

Cuối buổi gặp gỡ đầy cảm động hôm đó, cô bé Lê Thúy Uyên, 17 tuổi của Trung tâm Ba Vì đã đến gặp cô Tiên và cậy nhờ cô xin cho chúng được đi học. Nhưng những điều cô Tiên có thể làm với trẻ nhiễm H ở Linh Xuân lại không thể làm với những đứa trẻ ở Ba Vì. Cô hướng dẫn Uyên đến gặp bà Lê Thị Kim Dung, chuyên viên chính Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT cũng về dự hôm đó. Bà Dung đã vuốt tóc an ủi Uyên và hứa với cô bé sẽ tìm cách.

Trong khi đó, tiếng trống trường đã sắp điểm ở khắp mọi miền của đất nước. Hàng triệu học sinh vẫn đang được thực hiện quyền đến trường của mình…

 

*Bác sĩ, luật gia Trịnh Thị Lê Trâm:

“Theo Nghị định số 69/2011/NĐ-CP ngày 8-8 vừa qua của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS, hành vi cản trở hoặc từ chối tiếp nhận trẻ em vào học trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vì người đó nhiễm HIV sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng”.

 

*Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em:

“Chỉ khi hiệu trưởng ký đồng ý chuyển trường hay chuyển lớp cho học sinh nào đó thì phụ huynh mới chuyển được cho con họ từ trường nay đến trường kia để tránh trẻ nhiễm HIV. Vì thế, vai trò của hiệu trưởng, trách nhiệm của thầy cô giáo là ở đâu khi nói đến việc thất bại của họ trong việc không đưa trẻ đến trường được là do phụ huynh gây sức ép? Đứng về phía vai trò quản lý nhà nước, phải có những chế tài nghiêm khắc, những hình thức kỷ luật với những giáo viên, hiệu trưởng nào từ chối việc nhận trẻ HIV và tước quyền học tập của các em”.

 

HỒNG VÂN


http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/phong-s-k-s/phong-s/bai-h-c-t-nh-ng-l-n-hoa-nh-p-thanh-cong-1.309467#WAi9KFb7fCmC
Quảng cáo
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.