Thứ hai, 29/08/2011 09:40
(CAO) 19 giờ 30 ngày 26-8-2011, tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn,
với sự có mặt của hơn 400 phạm nhân đang thi hành án tại đây, Công an
tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Tỉnh Đoàn Lạng Sơn đã tổ chức buổi giao lưu,
tọa đàm và tuyên dương 10 tấm gương sáng hoàn lương của tỉnh Lạng Sơn.
Bí quyết thành công của một lãnh đạo Đoàn
Trong căn nhà nằm khiêm tốn trong khu An ninh, thị trấn Hữu Lũng, tỉnh
Lạng Sơn, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hiểu, mẹ anh Nguyễn Ngọc Hiếu (SN
1985). Gương mặt rạng rỡ, bà Hiểu phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi đã
từng rất lo lắng về Hiếu, nhưng bây giờ thì tôi đã có thể yên tâm dõi
theo những bước tiến bộ của con trai mình...”. Thời còn là học sinh
THPT, Hiếu theo chúng bạn xấu chơi bời lêu lổng và nhanh chóng nổi tiếng
về sự phá phách nghịch ngợm, khiến gia đình rất buồn phiền. Đỉnh điểm
nhất là năm 2003, Hiếu theo bạn bè phạm tội trộm cắp tài sản và bị kết
án 6 tháng tù giam. Hết thời hạn thi hành án, năm 2004 trở về địa
phương, được sự quan tâm, giúp đỡ động viên của gia đình và các tổ chức
chính quyền, hàng xóm, Hiếu đã xua đi những mặc cảm để làm lại cuộc
đời. Đầu tiên là việc quay trở lại lớp học lấy bằng tốt nghiệp cấp 3.
Vốn thông minh, nên trong quá trình học tập Hiếu còn được trường, lớp
khen thưởng, tuyên dương. Không tự ti, Hiếu tích cực tham gia hoạt động
phong trào đoàn thể của phường. Thị trấn Hữu Lũng từ một điểm trắng về
hoạt động đoàn thanh niên, từ khi có sự tham gia tích cực của Hiếu,
phong trào công tác đoàn thể được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ, đạt
được một số thành tích đáng kể. Với những đóng góp nhiệt tình, Hiếu đã
tham mưu, đề xuất cấp ủy Đảng, chính quyền thị trấn để tổ chức các hoạt
động thiết thực, ý nghĩa và bổ ích chức thu hút được đông đảo đoàn viên
thanh niên tham gia sôi nổi, được cấp ủy đảng đánh giá cao. Ông Lê Văn
Song – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy thị trấn Hữu Lũng cho biết: “Chúng
tôi đã giúp đỡ, tạo điều kiện để anh Hiếu hòa nhập với xã hội; mạnh dạn
giao việc và thấy anh Hiếu đã phát huy được khả năng làm công tác đoàn.
Đây là một điển hình đã vượt qua lỗi lầm để trở thành người có ích cho
xã hội. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục cử anh Hiếu tham gia học lớp
Trung cấp Đoàn do Trung ương Đoàn tổ chức để tiếp tục đào tạo, nâng cao
trình độ...”
Quản giáo Trại tạm giam CA tỉnh Lạng Sơn thường xuyên làm tốt công tác giáo dục phạm nhân
Từng bước đi vững chắc, Hiếu đã hoàn toàn từ bỏ được quá khứ một thời
bồng bột và nông nổi để trở thành một con người mới. Điềm đạm, chín
chắn, Hiếu được cấp trên tin tưởng, bạn bè yêu quí. Hiện tại Hiếu đảm
trách cương vị Phó Bí thư Đoàn thị trấn Hữu Lũng, Bí thư chi đoàn khu An
ninh và là Trung đội trưởng Trung đội dân quân tự vệ, thành viên tổ
quản lý trật tự đô thị của thị trấn. Tất bật vì nhiều công tác xã hội,
song với bất cứ công việc nào Hiếu cũng cố gắng hết mình. Luôn gương
mẫu, xung kích đi đầu trong các phong trào, từ tổ chức các hoạt động
thanh niên tình nguyện, sinh hoạt hè, vui tết trung thu, quốc tế thiếu
nhi cho các em nhỏ đến thăm hỏi giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt
sỹ, tổ chức các hoạt động từ thiện, Hiếu còn nhiều lần tham gia hiến máu
nhân đạo. Chủ động tham mưu phối hợp với các tổ chức chính quyền giúp
đỡ những trường hợp trong diện quản lý giáo dục cùng tiến bộ. Nhiều
thanh niên thuộc diện chơi bời, nghịch ngợm được Hiếu cảm hóa đã dần tu
chí, giúp đỡ gia đình làm ăn phát triển kinh tế và nhiệt tình tham gia
hoạt động xã hội. Không để lãng phí thời gian, cống hiến hết mình cho xã
hội - đó chính là bí quyết thành công trong quá trình hoàn lương của
Nguyễn Ngọc Hiếu.
Ước mơ được đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng
Đến xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, người dân ở đây ai
cũng biết đến anh Lục Văn Thượng – chủ cơ sở sản xuất và cung ứng vật
liệu xây dựng ở thôn Còn Khoang. Ông Nguyễn Thanh Sơn – Bí thư Đảng ủy
xã Hồng Phong cho biết : “ Người dân biết đến anh Thượng bởi anh không
những là một trong những thanh niên hoàn lương tiêu biểu, một người sản
xuất giỏi mà còn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động vì cuộc sống cộng
đồng như đóng góp gạch, xi măng xây dựng tường rào Ủy ban nhân dân xã,
nhà văn hóa thôn; ủng hộ hàng chục mét khối đá để làm các đoạn đường
liên thôn trong xã; tham gia ủng hộ đầy đủ các loại quỹ và các đợt quyên
góp do thôn, xã phát động...”
Năm 1993, Lục Văn Thượng tham gia cùng 3 thanh niên khác trong một vụ
cướp xe máy, 10 năm chấp hành hình phạt tù là 10 năm Thượng sống trong
tiếc nuối, hối hận. Ra trại năm 2003, Thượng quyết tâm làm lại cuộc đời.
Nhờ có chút tay nghề mộc được học từ Trại giam Phú Lương, Thượng sang
xã bên mở xưởng chế biến gỗ. Qua nghiên cứu thị trường thấy người dân ở
quê muốn xây dựng nhà ở hoặc sửa sang nhà các công trình phụ rất khó
khăn trong việc đi mua vật liệu xây dựng. Vì vậy đến năm 2006, Thượng
trở về thôn Còn Khoang thành lập cơ sở sản xuất, cung ứng vật liệu xây
dựng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập 4 triệu
đồng/ tháng. Công việc làm ăn ngày một phát đạt, Thượng đã mua được máy
đóng gạch ba banh, mỗi năm sản xuất trên 40 vạn gạch bê tông. Đồng thời
mua ô tô chuyên chở vật liệu đến từng nhà cho bà con, mua máy xúc để
phục vụ đào ao, đào nền, khai phá ruộng. Bên cạnh đó, Thượng còn là chủ
một xưởng sản xuất gạch chỉ tại xã Chu Túc, huyện Văn Quan với 12 công
nhân lao động, sản xuất 100 vạn gạch mỗi năm. Đến nay, cơ sở sản xuất
vật liệu xây dựng của Thượng không chỉ cung ứng cho bà con trong xã mà
đã có nhiều đơn đặt hàng ở khắp nơi trong địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Năm qua
Lục Văn Thượng thu lãi gần 400 triệu đồng từ các cơ sở xản xuất.
Trong căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười, Lục Văn Thượng tâm sự anh may mắn
có được gia đình hạnh phúc, được cấp ủy chính quyền, bà con lối xóm ủng
hộ. Giờ đây mong muốn lớn nhất của anh là cơ sở ngày càng phát đạt để có
thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng, anh sẵn sàng ưu tiên số một
tạo việc làm cho những thanh niên đã từng lầm lỡ để họ có công việc ổn
định, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Những niềm tin được thắp sáng
Tháng 10-2010, anh Bùi Xuân Tiền, trú tại Bản Piềng, xã Thái Bình, huyện
Đình Lập, Lạng Sơn đã chấp hành xong án phạt tù tại Trại tạm giam Yên
Trạch. Trở về gia đình, sau những ngày đầu bỡ ngỡ do xa cách, Tiền thực
hiện quyết tâm đã nung nấu trong thời gian chấp hành án phạt tù: phải
làm lại, phải đứng vững dù đã bị vấp ngã. Được sự quan tâm của cấp ủy
chính quyền, sự động viên giúp đỡ của xóm giềng, người thân, Bùi Xuân
Tiền đã ra thị trấn Nông Trường mở hiệu sửa chữa hàng điện tử. Đã từng
làm việc tại Hợp tác xã điện Thái Bình, kinh nghiệm và kiến thức cơ
điện, điện tử đã giúp Bùi Xuân Tiền làm chủ về kỳ thuật, sữa chữa điện
tử đảm bảo chất lượng uy tín, khách hàng của Tiền đã ngày một đông. Từ
hoạt động kinh doanh, sửa chữa hàng điện tử, thu nhập của Tiền đã dần ổn
định, đã bù đắp được phần nào cho vợ và 2 con thơ những ngày bố xa nhà
đầy thiếu thốn. Dáng vẻ cặm cụi, cần mẫn tỉ mỷ chấm từng nốt hàn và thao
tác sửa chữa điêu luyện, ít người biết được trong quá trình thụ án anh
đã thấm thía nỗi đắng cay của một người phạm tội. Và trong thời gian cải
tạo, các cán bộ quản giáo thuộc Trại tạm giam Yên Trạch- Công an tỉnh
Lạng Sơn đã động viên khích lệ, hướng dẫn để từ đó anh đã lên kế hoạch
hoàn lương của mình. Những nỗ lực cố gắng của anh đã trở thành tấm gương
sáng về sự vượt khó, vượt lên mặc cảm.
Tại buổi tuyên dương, nhiều người còn chú ý đến cặp “vợ chồng ma túy” Lê
Văn Học, SN 1975 ở khu 1, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, Lạng
Sơn. Năm 2001, Lê Văn Học bị kết án 7 năm tù giam về tội mua bán trái
phép chất ma túy. Sau đó ít lâu, vợ Học là Nguyễn Thị Hòe cũng phải đi
thi hành án 3 năm cùng tội danh trên. Khi hết hạn tù trở về địa phương,
biết bao khó khăn phía trước, nhưng vợ chồng Học đã kiên trì vượt qua,
từng bước xây dựng kinh tế. Hiện nay anh Học tổ chức một đội làm sơn,
còn chị Hòe chăm chỉ ở nhà nấu rượu, nuôi lợn, chăm sóc con nhỏ. Kinh tế
gia đình dần ổn định, vợ chồng anh Học đã mua sắm được nhiều vật dụng
đắt tiền.
Anh Nguyễn Đức Phúc, SN 1982 ở khu 2 thị trấn Thất Khê, huyện Tràng
Định cũng được đánh giá tốt sau khi hết hạn 3 năm tù giam về tội phá hủy
công trình an ninh quốc gia. Nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, chấp hành
tốt chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, Phúc chăm chỉ làm ăn, ổn
định cuộc sống. Hạnh phúc nhân lên khi Phúc lập gia đình với một cô gái
xinh đẹp, nết na. Hiện nay, vợ chồng anh Phúc có cuộc sống vững vàng
khiến nhiều người phải mơ ước. Rất nhiều, rất nhiều trường hợp khác nữa
đã thực sự hoàn lương và có đóng góp tích cực cho xã hội. Điều đó chứng
tỏ công tác giáo dục cải tạo tại các trại tạm giam đi đúng hướng và có
tác dụng rất lớn đối với tương lai của các phạm nhân. Việc hướng nghiệp
dạy nghề cho các phạm nhân là rất quan trọng để giúp cho họ khi trở về
địa phương có thể tạo công ăn việc làm lương thiện.
Trà My