 |
Nhờ nguồn vốn vay, chị M. mua máy may mới để may quần áo cho khách.
|
Dự án Phát triển sinh kế cho người sống chung với HIV/AIDS triển khai ở TP Cần Thơ từ tháng 4-2010. Đây là dự án duy nhất trên địa bàn thành phố cho người nhiễm HIV, bệnh nhân uống Methadone vay vốn phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Qua hơn 1 năm thực hiện, dự án đã phát huy tác dụng.
Chị M. bị nhiễm HIV gần 10 năm nay. Chồng mất, chị nuôi con gái bằng nghề may quần áo. Nhờ chịu khó may vá mà hai mẹ con tạm đủ sống. Mấy năm nay cái máy may cũ hư hoài, mỗi lần may, âm thanh phát ra lớn nên chị không dám may ban đêm, giữa trưa, sợ làm phiền hàng xóm. Mỗi lần may quần tây, áo vải dầy là gãy kim liên tục. Không có tiền nên chị chần chừ không dám vay mượn để mua máy may khác.
Chị M. kể: “Hỏi vay, người ta cho vay lãi đến 15-20%/tháng. Tôi sợ vay rồi không có tiền trả nên không dám vay. Nghe thông tin Dự án Phát triển sinh kế cho vay, tôi mừng quá đến đăng ký ngay”. Sau khi đăng ký, chị M. được tham gia 2 lớp tập huấn về quản lý kinh tế hộ gia đình, khởi sự doanh nghiệp và kỹ năng truyền thông lồng ghép kế hoạch kinh doanh. Chị M. nói: “Tham gia lớp tập huấn, tôi được học cách tính xem nên vay bao nhiêu? Cách quản lý thu-chi từng ngày... Học rồi mới thấy sao mình làm hoài không dư”. Sau lớp học, chị M. làm hồ sơ và được vay 5 triệu đồng. Vừa lãnh tiền ra, chị mua máy may mới 2,5 triệu đồng. Còn lại, chị mua phụ liệu may đồ và một ít bánh, kẹo, dầu ăn... để bán tạp hóa nhỏ tại nhà. Máy may mới, may được nhiều đồ hơn cộng thêm tiền bán tạp hóa, cuộc sống của mẹ con chị M. dần ổn định. Hiện nay, chị M. đã trả hết tiền vay (trước kỳ hạn 1 tháng).
Cũng cùng cảnh ngộ bị nhiễm HIV, chị P., từ chủ quán nhậu đông khách ở phường Cái Khế, khi phát hiện mình và chồng bị nhiễm, chị suy sụp, suốt 6 tháng trời nằm trên giường, trọng lượng cơ thể giảm chỉ còn 29 kg. Nhiều lúc chị P. chỉ muốn chết đi. Nhưng rồi được mẹ động viên: “Mẹ đã già, vợ chồng mày chết thì ai nuôi con” đã vực dậy niềm tin vào cuộc sống trong chị. Niềm an ủi duy nhất là ba đứa con không bị nhiễm. Suốt thời gian bị bệnh rồi điều trị, tiền bạc dành dụm tiêu tan, phải sang quán. Tài sản duy nhất còn lại là chiếc mô tô. Chồng chị đi chạy honda ôm, còn chị đi róc vỏ mía mướn. Mỗi ngày thu nhập của hai vợ chồng chỉ hơn 100.000 đồng mà nhà thì đến 5 miệng ăn, còn tiền trọ, tiền học của tụi nhỏ... nên thiếu trước hụt sau. Tháng 1-2011, được giới thiệu vay vốn, chị đăng ký mượn 5 triệu đồng, cộng với tiền dành dụm hơn 1 triệu đồng, chị mua xe bán nước mía. Mỗi ngày, trừ tiền vốn còn lời từ 150.000 đến 200.000 đồng, tùy trời mưa hay nắng. Tiết kiệm chi tiêu, chỉ chi những gì thật cần thiết, vài tháng sau, chị P. đã có tiền đổi xe cho chồng. Có xe mới, anh tìm thêm mối chở nên thu nhập cũng khá hơn. Chị còn mua thêm được 1 chiếc mô tô để đưa rước con đi học. Chị P. cười nói: “Nếu không có dự án, chắc giờ này tôi còn đi róc vỏ mía mướn. Làm mướn cực lắm, từ 6 giờ sáng đến 20 giờ tối, mà chỉ 40.000 đồng/ngày. Bây giờ cuộc sống tạm ổn, vợ chồng tôi cố gắng làm, giữ gìn sức khỏe để lo cho tụi nhỏ học hành tới nơi tới chốn”.
Chương trình vốn vay thuộc Dự án Phát triển sinh kế do Quỹ Phát triển Irish Aid của Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam thông qua COHED (Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển) tài trợ. Trước khi triển khai dự án, nhiều người lo ngại đồng vốn vay đưa cho người nhiễm HIV-những người có sức khỏe yếu hơn người bình thường-chưa kể đa phần kinh tế họ khó khăn, trình độ văn hóa thấp sẽ khó đòi được vốn. Tuy nhiên, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ vẫn mạnh dạn triển khai chương trình này. Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, từ tháng 9-2010 đến nay đã có 141 người nhiễm HIV/AIDS, người bị ảnh hưởng bởi HIV, bệnh nhân uống Methadone và hộ nghèo ở phường An Thới, quận Bình Thủy được vay vốn. Tổng số tiền vay 659 triệu đồng. Mức vay từ 3-7 triệu đồng/hộ, cá nhân, không tính lãi suất, trả dần trong 10 -12 tháng. Chị T.L.L, nhân viên văn phòng điều phối dự án phát triển sinh kế, cho biết: “Thủ tục vay vốn cũng rất đơn giản, chỉ có 2 tờ gồm thông tin cá nhân và đơn xin vay vốn. Đơn xin vay vốn có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người cư trú vay vốn”. Đa số vốn vay được sử dụng để mua bán nhỏ như bán tạp hóa, bán vé số, mua phương tiện chạy xe ôm... tuy số vốn vay không lớn nhưng nhờ được tập huấn kế hoạch kinh doanh từ trước nên đa số người vay đều có ý thức hoàn trả vốn vay đúng hạn. Một số ít người do sức khỏe yếu hoặc do mua bán chưa được thuận lợi nên hoàn trả tiền vay chậm hơn, thay vì 1 tháng trả 1 lần thì có khi 2 tháng mới trả 1 lần.
Thạc sĩ Phan Thị Cầm Giang, cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS - phụ trách dự án, cho biết: “Ngoài cho vay để cải thiện cuộc sống cho người nhiễm, người chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, bệnh nhân đang uống Methadone, hộ nghèo... dự án còn lồng ghép hoạt động truyền thông vào hoạt động kinh doanh của các hộ vay vốn; thành lập mạng lưới các nhóm tự lực cho người nhiễm... Tháng 12-2011, dự án sẽ kết thúc, nhưng khoản tiền vay sẽ để lại cho Trung tâm. Trung tâm sẽ chuyển nguồn này sang Hội Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ để hội điều phối tiếp tục cho các đối tượng có liên quan vay vốn làm ăn”.
Bài, ảnh: HUỆ HO
|