Cuộc trở về của những người đàn ông có HIV
Dáng người còm nhom ngồi vắt vẻo trên ghế, anh Tùng
sốt ruột bấm điện thoại vì mãi chưa thấy vợ về. Nghe tiếng cậu con reo
vui dưới nhà, bấy giờ anh mới cười 'Còi nhà anh về rồi đấy'. Tiếng
xoong nồi bắt đầu va vào nhau lạch cạch, tiếng bếp gas bật lên tanh
tách và cả tiếng người vợ trách chồng sao bừa bộn cất lên trong căn bếp
nhỏ. Vợ chồng anh Ong Văn Tùng tất bật chuẩn bị bữa tối.
Với người đàn ông sống chung cùng HIV đã 14 năm nay,
những gì anh có hiện tại, vợ và cậu con trai khỏe mạnh, là cả một gia
tài không gì đánh đổi được. Mấy hôm nay chị Minh đi vắng, bố con anh
Tùng thỏa sức bày chiến trường khắp nhà. Bàn ghế phòng khách xộc xệch,
quần áo hai bố con vắt khắp nơi còn cậu bé hơn 4 tuổi bị bố... suýt
quên đón ở trường. Vậy mà ngay khi chị Minh vừa bước chân vào nhà, mọi
thứ bắt đầu trở về đúng trật tự.
Bước vào cuộc đời anh Tùng khi người đàn ông này đã
bớt những vật vã, chán nản, chị Minh nhen nhóm dần ngọn lửa tình yêu và
rồi thắp sáng niềm hạnh phúc, hy vọng sống trong gã trai bất cần 14 năm
về trước. Nhớ lúc vào phòng nhận kết quả năm 1997, anh Tùng như chẳng
còn nghe thấy gì, tai ù đi khi bác sĩ thông báo mình dương tính với
HIV. Tuyệt vọng, anh muốn tìm đến cái chết càng nhanh càng tốt. Ngày
ấy, thông tin về HIV/AIDS chưa phổ biến và đầy đủ nên anh chỉ lờ mờ
biết rằng mình chẳng còn sống được bao lâu nữa. Không cần biết ngày mai
ra sao, anh lao vào cuộc sống phá phách, bất cần như một sự cùng quẫn,
bí bách. Có bao nhiêu tiền kiếm được từ công việc làm khung nhôm kính,
anh mang ra tiêu sạch. Tiêu hết tiền vẫn thấy mình chưa chết, anh quay
sang níu giữ những ngày sống quý giá.
Mất hai năm sống quăng quật, vùng vẫy trong nỗi tuyệt
vọng, cuối cùng anh nhận ra cần phải sống để làm trọn nghĩa vụ của
người làm con với cha mẹ. Bố mất, biến cố ấy khiến cả gia đình anh suy
sụp. Bản thân anh thấy cuộc sống bất cần của mình làm người thân lo
lắng, đau khổ. Bố anh qua đời vẫn chưa yên tâm về thằng con út chưa yên
bề gia thất. Anh Tùng muốn tự tay mình thay áo cho bố một lần và nếu
chết đi, anh sẽ chẳng còn cơ hội ấy nữa. Vậy là anh chiến đấu với bệnh
tật để sống.
Ngày đó, chỉ có anh, em trong gia đình và bạn bè biết
chuyện anh Tùng mang trong mình virus HIV. Anh tâm sự, chính sự động
viên, đùm bọc và quan tâm của gia đình, bạn bè, anh dần lấy lại cân
bằng cuộc sống, lao vào làm việc để quên đi bệnh tật. Sống độc lập với
gia đình, anh thuê nhà ở cùng hai người bạn có cùng cảnh ngộ. Ngày đi
làm, tối đến cả ba cùng về nhà trọ nghỉ. Thời gian và công việc bận rộn
khiến anh dần chấp nhận suy nghĩ mình có H. Cuộc sống với anh bắt đầu
trở lại bình thường.
Những lúc ốm đau, anh sợ cái chết sẽ mang mình ra đi.
Có thời gian, anh gấp gáp rút ngắn quãng đường tới bờ vực để rồi gần
tới nơi, anh sợ hãi cố phanh lại để được sống. Sau lần ốm tưởng chết,
anh bắt đầu cảm mến một cô bạn chơi cùng. Nói về người con gái ấy, anh
Tùng bỗng trìu mến và ngượng ngùng. Khuôn mặt anh ửng đỏ, ánh mắt long
lanh và thỉnh thoảng tủm tỉm. Anh gọi người con gái đó bằng cái tên
"Còi" đầy âu yếm.
Đã 10 năm chung sống nhưng những ấn tượng về cô gái
nhỏ nhắn nhưng đậm người, tốt bụng, nhiệt tình lại biết chia sẻ vẫn
nguyên vẹn trong anh. Người đàn ông này bảo, mặc dù chị không có mặt ở
giai đoạn anh bê bết nhất cũng không phải người kéo anh ra khỏi sự
tuyệt vọng nhưng lại là người có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời anh.
Vượt qua sợ hãi, dư luận, chị đến bên anh, tiếp thêm sức mạnh, hy vọng
sống và niềm hạnh phúc gia đình.
Anh Tùng tâm sự, thời điểm mặc cảm đã qua, anh không
còn tự ti khi đối diện với hạnh phúc, với người mình yêu. Tình yêu và
hôn nhân đến với hai người tự nhiên như bao đôi lứa khác. Thông tin anh
Tùng nhiễm HIV được giữ kín với họ hàng, người thân hai họ, nhờ đó, lễ
cưới của hai người diễn ra suôn sẻ. "Trước đám cưới, tôi từng phải làm
giấy cam kết không sinh con. Dẫu biết điều đó thiệt thòi cho người phụ
nữ nhưng để an toàn cho vợ, tôi buộc phải làm vậy", anh nói.

|
So với những người cùng cảnh ngộ, anh Tùng thấy mình may mắn hơn nhiều. |
Dù đã thỏa thuận không có con nhưng nhiều lúc thấy vợ
khát khao được làm mẹ, anh lại thấy thương chị. Không ít lần anh khuyên
bà xã nên đi tìm hạnh phúc khác nhưng vợ anh nhất quyết không. Mong
được một lần sinh con, chị từng muốn làm liều rồi nhận về mình nguy cơ
nhiễm và tất nhiên, chồng đã từ chối. Cuối cùng, cả hai quyết định tìm
hiểu cách sinh con từ những trường hợp cọc cạch trên thế giới. Vợ chồng
anh Tùng chọn cách quan hệ trực tiếp và uống phơi nhiễm. Quá trình thực
hiện qua nhiều giai đoạn phức tạp và phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng anh
Tùng và vợ vẫn quyết theo đuổi. Lúc biết tin vợ mang bầu, anh rơi vào
trạng thái vừa vui sướng tột cùng lại vừa lo âu, thấp thỏm. Mừng vì
được làm bố nhưng sợ vợ và con bị lây nhiễm. Ba tháng đầu xét nghiệm
thai nhi âm tính, anh chị vẫn chưa hết lo. Mãi tới tháng thứ 6, cầm tờ
kết quả, cả hai mới thở phào hạnh phúc.
Vừa chuyện trò, anh Tùng vừa chậm rãi châm điếu thuốc
để mong kiểm soát được cảm xúc bồi hồi đang trào dâng khi nhớ lại những
ngày đã qua. "Lần đầu tiên nghe tiếng con khóc trong phòng sinh, tôi đã
ngây người ra như một thằng đần. Trước đó tôi chưa từng nghĩ một ngày
sẽ lấy vợ chứ đừng mơ sẽ có con trai như vậy", anh Tùng chia sẻ.
Có con, ông bố này bắt đầu nghĩ sâu xa hơn. Anh xây
nhà để vợ con có chỗ trú mưa nắng, tích cóp để sau này con có cuộc sống
đỡ vất vả. "Lúc có con, tôi thấy mình cần phải chín chắn, điềm đạm và
trách nhiệm hơn. Mọi việc từ giặt tã và chăm sóc con, tôi đều tự tay
làm cả", ông bố ấy tự hào khoe.
Cũng giống anh Tùng, có vợ, con là điều quá xa vời
trong suy nghĩ của anh Hải, cựu sinh viên một trường đại học về mỹ
thuật ở Hà Nội và hiện là tư vấn viên của trung tâm tư vấn cho người
HIV ở Bệnh viện Đống Đa. Sống không nổi với những cơn vật thuốc và
virus HIV, anh chẳng còn tha thiết hay ước mơ gì về ngôi nhà và những
đứa trẻ. Thời điểm năm 1995, anh còn mải đắm chìm trong cơn say ma túy
để rồi lây bệnh lúc nào chẳng hay. Nhìn anh hiện tại, nếu không được
giới thiệu, chắc sẽ ít người nghĩ anh mắc bệnh thế kỷ và từng thoi thóp
sống. Nếu không có vòng tay bao dung của gia đình, sự giành giật quyết
liệt cuộc sống cho con trai từ tử thần của người cha, sự động viên,
chia sẻ của bạn gái chắc giờ này anh đã là người thiên cổ.
Ngồi thu mình trên ghế đá ở hành lang bệnh viện, anh Hải chỉ cho phóng viên Ngôisao.net
căn phòng ở khoa lây anh từng nằm và bảo đó là nơi quen thuộc của mình
trước đây. Người đàn ông đầu húi cua có vẻ ngoài điềm tĩnh khiến bất cứ
ai đối diện cũng cảm thấy hài lòng vì cách nói chuyện thuyết phục và
lôi cuốn. Điếu thuốc cầm trên tay nãy giờ anh vẫn chưa châm được vì
không thể ngắt nổi mạch câu chuyện của mình. Anh bắt đầu bằng câu "chắc
có lẽ vì tình yêu" để nói về người vợ trẻ bản lĩnh và cá tính. Anh bảo,
trong số những cặp đôi cọc cạch, trường hợp của vợ chồng anh khá đặc
biệt. Đặc biệt không chỉ bởi chồng dương tính, vợ âm tính mà còn hiếm
thấy khi bạn đời của anh đã hai lần đò với người đàn ông có HIV mà vẫn
không bị nhiễm.
Trước khi đến với người vợ hiện tại, anh từng có mối
tình sâu đậm với người bạn gái thời đại học. Với anh, bố và cô bạn ấy
là những người có ảnh hưởng lớn. Họ ở bên anh trong những giai đoạn khó
khăn nhất, lúc nghiện ngập cũng như bị bệnh. Nói đến bố, anh khó lòng
diễn tả được thành lời những tình cảm dành cho ông. Bố anh qua đời khi
chưa kịp chứng kiến cuộc đổi thay của con trai. Còn với người yêu cũ,
dù hiện tại mọi chuyện chỉ là ký ức đẹp nhưng anh mãi không bao giờ
quên ơn cô.
Trong câu chuyện kể về ân nhân này, anh luôn dành
những lời cảm ơn cô dịu dàng vì đã ở bên khuyên bảo anh. Anh kể, suốt
những năm yêu nhau, nhẽ ra cô phải được người yêu đến đưa đi chơi vào
mỗi dịp cuối tuần đằng này lại ngược lại. Anh không dám đến nhà vì bố
mẹ nàng phản đối mối quan hệ của hai người và cấm con gái không qua lại
với kẻ nghiện ngập. Bị bạn bè xa lánh, cô vẫn không từ bỏ người yêu.
Cuối cùng thấy bạn gái vì mình mà phải khổ sở, anh Hải quyết định rút
lui để cô tìm kiếm hạnh phúc mới.
"Nếu người con gái ấy dịu dàng, an ủi bằng những lời
tình cảm bao nhiêu thì vợ mình bây giờ lại mạnh mẽ, thẳng thắn bấy
nhiêu. Bà xã hiện tại không chứng kiến thời kỳ bê bết nhất của chồng
nhưng lại là người kéo mình ra khỏi ma túy", anh Hải chuyển hướng câu
chuyện sang người bạn đời vừa sinh cho anh một cô con gái kháu khỉnh
bằng giọng đầy hào hứng, vui vẻ.
Vợ anh còn ít tuổi, từng lấy chồng và có một đứa con.
Sau khi người chồng đó qua đời vì AIDS, chị tham gia một câu lạc bộ của
những người có HIV và quen anh Hải. Thấy người đối diện tò mò về bà xã,
anh tự hào khoe vợ cao ráo, trắng trẻo và chân dài. Nét đáng yêu nhất
anh thấy ở người phụ nữ này là tính không để bụng. Anh và vợ là hai
mảng đối lập, một trầm tính điềm đạm, một lại thẳng thắn sôi nổi. Nhờ
sự quyết liệt trong tính cách, nhiều lần cô khiến đám bạn xấu định lân
la rủ anh Hải đi chơi phải khiếp sợ. Sau lần được người bạn làm bác sĩ
khuyên đi xét nghiệm, anh Hải đưa vợ tới nhiều nơi thử máu và kết quả
thật bất ngờ, chị âm tính với HIV.
Không dám tin đó là sự thật bởi vợ anh Hải từng chung
sống với chồng trước bị bệnh thế kỷ nhiều năm. Bao nhiêu năm sống chung
với người có H và mác bị "ết", giờ phát hiện không phải, người phụ nữ
ấy chẳng biết nên vui hay buồn. Thực tế, giờ tin vui đó với chị cũng
không còn quan trọng nữa. Chị vẫn quyết gắn bó cuộc đời với anh Hải.
Sau nhiều năm sống thử, hai người vừa quyết định cưới
năm 2009. Trước kia tưởng rằng cả hai cùng nhiễm, vợ chồng anh không
dùng biện pháp an toàn nhưng giờ, vợ đã thoát "án tử hình", anh lại cẩn
thận "dùng bao" mỗi lần gần gũi. Tháng 6 vừa rồi, bà xã anh Hải sinh
một công chúa khỏe mạnh, nặng 5 kg. Lúc đưa vợ con từ viện về nhà, anh
lên thắp hương trước bàn thờ bố, báo cáo cuộc "hành trình" vùng vẫy
thoát khỏi bùn lầy để trở về cuộc sống của mình đã thành công. Giờ, mối
quan tâm của anh dồn cả cho con gái và công việc tư vấn cho những người
nhiễm H có cuộc sống bình thường.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Bình Minh
http://ngoisao.net/tin-tuc/24h/2011/09/cuoc-tro-ve-cua-nhung-nguoi-dan-ong-co-hiv-176767/