Chống phân biệt đối xử, kỳ thị xa lánh với người nhiễm HIV/AIDS – Chìa khoá dẫn đến thành công
Cập nhật: 01/02/2007
Trả lời phỏng vấn của đồng chí Hà Thị Khiết, Uỷ viên T.W Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tại Diễn đàn “Chống Chống phân biệt đối xử, kỳ thị xa lánh với người nhiễm HIV/AIDS” nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2006.
PV: Thưa bà, kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS - một trong những nguyên nhân dẫn tới việc loại bỏ hay đẩy một hoặc một nhóm người ra khỏi cộng đồng, đặc biệt là với phụ nữ. Vậy Hội LHPN đã và sẽ làm gì để hạn chế sự kỳ thị đó?
Chủ tịch Hà Thị Khiết (HTK): Kỳ thị là vi phạm Pháp lệnh Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, mặt khác không phù hợp với đạo lý tốt đẹp “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV càng nguy hiểm hơn vì sẽ làm người nhiễm bị xa lánh, bị tổn thương, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Do vậy, tình trạng sức khoẻ của họ càng xấu hơn và khả năng lây nhiễm ra cộng đồng do thiếu kiến thức cao hơn.
Là một phụ nữ, tôi tha thiết mong muốn xã hội hãy yêu thương chứ không nên kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS, bởi nếu so với nam giới, sự kỳ thị, xa lánh đối với phụ nữ cao gấp nhiều lần. Hiện tại, nguyên nhân nhiễm HIV/AIDS chủ yếu vẫn qua đường tiêm chích ma tuý và hành nghề mại dâm. Chính vì vậy, người phụ nữ nhiễm HIV/AIDS thường bị coi là có hành vi đạo đức không lành mạnh, nhưng trong thực tế, nhiều phụ nữ là nạn nhân do nhiễm từ chồng, từ người yêu của mình.
Hơn nữa, người phụ nữ mặc dù nhiễm HIV vẫn phải lo toan, lao động kiếm sống nuôi bản thân, gia đình và chăm sóc chồng con, chính vì vậy, nếu xa lánh, kỳ thị sẽ đẩy họ và gia đình họ suy sụp nhanh hơn.
Tôi đã gặp nhiều gia đình có người nhiễm HIV. Tôi thực sự đau lòng vì sự xa lánh, kỳ thị của không ít người. Sự kỳ thị đó dù có chủ ý hay do sơ ý đều làm tổn thương sâu sắc tới họ. Vì tình cảm và trách nhiệm của những người cùng giới, Hội LHPN đã cố gắng làm một số việc để giảm phần nào sự kỳ thị đó:
Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức về HIV/AIDS để chị em hiểu: HIV/AIDS khó lây nhiễm lại dễ phòng. Bên cạnh đó, Hội khơi gợi truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, của người phụ nữ Việt Nam về tình thương, lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ với người nhiễm.
Tranh thủ các cơ hội truyền thông Hội đã giới thiệu, động viên chị em bị nhiễm hoặc có người thân bị nhiễm nói lên tâm tư, nguyện vọng để cộng đồng hiểu, cảm thông, biết được những mong muốn của chị em, từ đó ủng hộ, vận động cả xã hội cùng cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ người nhiễm HIV, đặc biệt là phụ nữ.
Hội chỉ đạo các cấp cơ sở tổ chức các hoạt động chăm sóc, động viên, giúp đỡ người nhiễm và gia đình họ. Nhiều tỉnh/thành Hội đã có những hình thức hỗ trợ thiết thực cho gia đình có người nhiễm như: thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, vận động cộng đồng giúp tiền, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, tổ chức ma chay cho người nhiễm khi tử vong…
Chỉ đạo xây dựng các mô hình chăm sóc hỗ trợ, chống phân biệt kỳ thị, tiêu biểu là Câu lạc bộ Đồng cảm. Đây là mô hình hoạt động hiệu quả, có nhu cầu phát triển mạnh do tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng gia tăng.
PV: Để Hội LHPN tham gia có hiệu quả hơn trong Chương trình phòng chống HIV/AIDS nói chung và chống kỳ thị, phân biệt đối xử nói riêng, theo bà cần có điều kiện gì?
HTK: Hội LHPN Việt Nam có mạng lưới rộng khắp, đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, có kinh nghiệm hoạt động cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS. Nếu được quan tâm đầy đủ hơn của Quốc gia và các tổ chức quốc tế, các cấp Hội có thể đóng góp hiệu quả hơn.
Điều tôi muốn nói là “Hãy nắm bàn tay của người bị nhiễm để có thể cảm nhận, chia sẻ và tiếp thêm sức mạnh cho họ, đó chính là hành động phòng chống HIV/AIDS của mỗi chúng ta”
PV: Xin cảm ơn bà!