Thanh thiếu niên Việt Nam: Hiểu biết về HIV đến đâu?
QĐND - Thứ Hai, 27/02/2012, 20:38 (GMT+7)
QĐND Online – Theo PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, thông tin đại chúng đặc biệt là ti vi đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền hiểu biết về HIV cho vị thành niên và thanh niên Việt Nam. Thông qua các số liệu từ cuộc điều tra SAVY 2 (Cuộc điều tra Quốc gia về vị thành niên Việt Nam) (2009) cho thấy có tới 55,4 % thanh thiếu niên có thái độ kì thị sai lệch với người nhiễm HIV. Các phân tích xung quanh mức độ hiểu biết của vị thành niên và thanh niên Việt Nam về HIV đã được đề cập trong Hội thảo “Hiểu biết của vị thành niên và thanh niên về phòng chống HIV” tổ chức chiều 27-2 tại Trung tâm văn hóa Pháp.
Gia đình quá “mờ nhạt” trong việc cung cấp thông tin về HIV
Số liệu điều tra SAVY 2 (2009) cho thấy phần lớn thanh thiếu niên đã nghe nói về HIV chủ yếu qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó ti vi chiếm vị trí quan trọng (91% nam giới, 89% nữ giới chọn ti vi là nguồn thông tin cung cấp HIV). Trong những nguồn thông tin trực tiếp, thầy cô giáo, nhân viên y tế và dân số, và bạn bè là những nguồn thông tin quan trọng.
Một điều đáng báo động là rất ít vị thành niên hay thanh niên Việt Nam được cung cấp thông tin về HIV từ gia đình.
Theo Bác sĩ Jean-Baptiste Dufourcq, Tùy viên Hợp tác Y tế và Phát triển xã hội, gia đình không chỉ là nguồn thông tin quan trọng mà còn đóng vai trò cốt yếu là nền tảng trong việc phòng ngừa nhiễm HIV. Sự tham gia của gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết và phòng tránh HIV cho thanh thiếu niên. Một điều dễ nhận thấy ở các nước phương Tây là chuyện gia đình khuyến khích các thành viên hãy sử dụng những biện pháp cần thiết chống HIV. Trong khi đó ở Việt Nam, việc trò chuyện giữa cha, mẹ với con cái về HIV còn rất ít, hầu như là không có.
 |
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo. |
Bác sĩ Jean-Baptiste Dufourcq cũng cho rằng: “Cần có chiến lược thông tin nhắm đến từng đối tượng thanh thiếu niên khác nhau trong xã hội (thanh thiếu niên có trình độ học vấn cao, thanh thiếu niên mắc nghiện, thanh thiếu niên có trình độ học vấn thấp…) với công cụ truyền thông khác nhau để tuyên truyền thông tin về HIV đạt hiệu quả”.
Hơn 50% vị thành niên và thanh niên có thái độ kì thị với người nhiễm HIV
Hơn một nửa (55,4%) vị thành niên và thanh niên Việt Nam có thái độ phân biệt đối xử với người HIV là số liệu SAVY 2 (2009) thu được. Đây có thể coi là thách thức lớn đối với việc xóa bỏ kỳ thị đối với người có HIV trong thanh thiếu niên Việt Nam. Những người ở độ tuổi trẻ, nữ, người Kinh/Hoa, người ở đô thị, những người có học vấn thấp, và những người có mối gắn kết gia đình yếu thường là người có thái độ kỳ thị nhiều hơn.
“Phân biệt kì thị sẽ làm cho dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn, bởi vì việc phân biệt đối xử, sẽ khiến cho một người mắc HIV ngần ngại trong việc xét nghiệm, chữa trị, không thông báo cho người thân trong gia đình”, bác sĩ Jean-Baptiste Dufourcq khẳng định. Ông cũng đưa ra một ví dụ điển hình ở trường hợp các nước Châu Phi, khi số những người nhiễm HIV được xét nghiệm, chữa trị cao, thì lượng nhiễm mới giảm đi rất nhiều.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục để thanh thiếu niên có một cái nhìn toàn diện về HIV, cách phòng tránh cũng như những con đường có thể lây nhiễm HIV sẽ giúp tình trạng kì thị với người nhiễm HIV giảm xuống, đồng thời tăng khả năng tự phòng tránh HIV cho thanh thiếu niên Việt Nam
Bài, ảnh: Thu Thủy – Trần Hoài
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/24/24/177915/Default.aspx