Hoàn cảnh thiếu thốn của các em học sinh trường THCS Chiềng Nơi
• 336 học sinh: 206 nam, 130 nữ - Độ tuổi từ lớp 6 tới lớp 9 trong đó có 200 em học sinh bán trú, cuối tuần mới về nhà xin gạo.
• Nhà các em ở lại học bán trú tại trường thường là do nhà xa, và phải đi bộ vì đường rất xấu. Đường có nhiều dốc, đi xe đạp cũng không được.
• Trường ở trung tâm xã, mỗi bản thì đều lên dựng một cái nhà nhỏ nhỏ để con em trong 1 bản vào ở chung.
• Thời tiết hiện tại đang rất rét. Do điều kiện không có chăn màn nên các em ngủ rất rét và bị ho cả đêm từ lúc ngủ cho tới sáng. Ngoài ra trên đấy còn có rất nhiều muỗi nên càng khó ngủ hơn.
• Điện lưới quốc gia đã đến trung tâm xã nhưng không kéo được đến trường mặc dù chỉ cách có 1km, nhà trường xuống xã hoặc đi xin điện bên ngoài nhưng không xin được. Trường cũng có 1 cái máy nổ cũ nhưng đã hỏng và có thể có sẵn dây diện.
• Lịch học của các em: buổi sáng đi học, buổi chiều đi kiếm đồ cải thiện bữa ăn (rau, bẫy chuột trong rừng, bắt cá ở suối), buổi tối học không có điện, phải dùng đèn dầu (rất khói), tối cũng phải có đội tự vệ vì xung quanh có nhiều thanh niên hư hỏng phá quấy.
• Chưa có đoàn từ thiện nào lên, chị Luyến từ khi về trường hay nghĩ tới học sinh nên mới hay đi xin ở các nơi. Chị Luyến đi xin được quần áo cũ ở các trường THCS khác về cho các em, mặc dù trông như rẻ lau nhưng các em vẫn thích. Đồ mới được xem là những thứ xa xỉ với các em.
• Người dân sống tại các xã vùng 3 (vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn) phần lớn là người dân tộc thiểu số (Thái, H’Mông, Mán, Tày, Nùng, Khơ Mú…v..v..), họ có thu nhập thấp (khoảng 300.000 đồng/người/tháng), do đó mức sống của người dân rất thấp. Những nhu cầu thường ngày như nước sạch, gạo, quần áo ấm v..v..rất hạn chế, các phương tiện giải trí như đài, ti vi, điện thoại hầu như không có.
• Các thầy cô giáo ở các trường này thường xuyên phải đến từng nhà vận động các em đi học. Một vấn đề lớn ở đây là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học. Sách vở, bút, mực..và các đồ dùng cho học bán trú khác như chăn, màn, giường, chiếu v..v.. phụ huynh học sinh phải tự chuẩn bị nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép nên thực tế là các em học sinh đến lớp hầu như không có đủ sách giáo khoa, vở, bút, thước v..v.. Các em thậm chí phải cắt đôi từng chiếc bút chì để chia sẻ với nhau.
• Một thực tế khác nữa là ở miền núi phía bắc thời tiết thường rất lạnh vào mùa đông (có thời điểm nhiệt độ xuống tới dưới 10*C), nhưng các em học sinh ở đây vẫn đi học với những bộ quần áo cũ, rách, không đủ ấm và thường không có giầy, dép, mũ, tất. Vào mùa đông các em thường xuyên đến lớp với tay, chân tím tái vì lạnh, các em ngủ trưa trên những chiếc giường tre tạm bợ không có chăn, gối, màn.