Đó là câu chuyện xảy ra tại một vùng
quê huyện Sơn Tịnh đã gần 1 năm về trước nhưng mãi đến bây giờ vẫn chưa
hề lắng xuống bởi hai trong số những người đàn ông từng gắn bó mặn
nồng với chị đã lần lượt qua đời.
Vết trượt ngã của người đàn bà lương thiện
Những ngày này, chúng tôi tìm về làng quê vốn thanh bình, yên
ả, đẹp lạ thường với những cánh đồng lúa chín vàng bát ngát ở một xã khu
tây Sơn Tịnh. Ngôi nhà của chị B khá bề thế nhưng bừa bộn, cỏ mọc um
tùm vì đã lâu không có người ở. Đây cũng chính là nơi chị B đã sống
những ngày tháng cuối đời trong sự xa lánh của bà con, hàng xóm láng
giềng.
Theo những người dân nơi đây, chị B là nông dân hiền lành,
lương thiện. Hai vợ chồng lấy nhau được mười lăm năm, tuy không khá giả
nhưng vợ chồng chị hết mực thương yêu nhau. Họ sống bên nhau thật hạnh
phúc êm đềm cho đến năm 2005, bi kịch đổ xuống đầu gia đình chị.
Anh bổng dưng lao mình xuống dòng nước lũ, mất hút khi vớt chiếc
ghe bị chìm cho hàng xóm. 3 ngày sau người ta thấy xác anh trôi trên
sông. Người ta nhắc nhiều về cái chết của anh bởi anh qua đời vì làm
việc nghĩa.
Người đàn ông trụ cột trong gia đình chết đi, bao gánh nặng đè
lên đôi vai gầy của chị vì phải lo trả khoản nợ mà anh chị đã vay mượn
làm nhà và nuôi 3 con ăn học. Mỗi buổi sáng, chị lặn lội thân cò vài
chục cây số tít tận vùng biển mua cá, tôm ngược vùng núi bán.
Khó khăn, vất vả cùng những áp lực cơm áo gạo tiền, dù vậy sắc đẹp
trời cho của người đàn bà ở độ tuổi tứ tuần vẫn rực rỡ. Nhưng đời có ai
học được chữ ngờ khi chị chùn bước trước biến cố ấy. Với nhan sắc “vốn
có” của mình, chị chung đụng với nhiều đàn ông, từ làm nông, buôn bán
đến công chức “ham của lạ” để có tiền tiêu xài và trả nợ.
Và điều gì đến sẽ đến. Cái giá mà người đàn bà lương thiện này
phải trả là kết quả của bảng xét nghiệm dương tính với HIV khi chị nhập
viện vì bị sốt siêu vi. Những người đàn ông từng gắn bó mặn nồng với
chị đã bỏ của chạy lấy người cùng nỗi hoang mang đến tột cùng.
Biết căn bệnh thế kỷ đang từng ngày ngấm ngầm cấu xé, bào mòn
sức lực của cơ thể, chị B tuyệt vọng và bế tắc vô cùng. Dẫu nhận được sự
an ủi, động viên của người thân nhưng sự ghẻ lạnh, dè bỉu, xa lánh,
những lời kỳ thị cay nghiệt của bà con, hàng xóm láng giềng là điều làm
chị càng thêm đau đớn.
Sau một lần đến nhận thuốc tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS
tỉnh, chị B đã nằm biệt ở nhà. Một năm sau, chị tạm biệt cõi đời trong
đau đớn, lặng lẽ, để lại những tiết lộ về danh tính những người đàn ông
ham của lạ cùng những lời đàm tiếu ầm ĩ của dư luận, có kẻ còn thêu dệt
thêm đau khổ cho gia đình vốn đã bất hạnh.

Hàng chục quý ông hồn xiêu phách lạc
Trong lúc những đứa con chị rơi vào cảnh túng quẫn, tủi nhục
thì ở các gia đình của những đàn ông từng gắn bó mặn nồng, chung đụng
với chị càng dậy sóng. Các bà vợ khóc lóc, hạch sách, gào thét vặn hỏi
thì các ông chồng gãi đầu, gãi tai, quanh co chối tội.
Ngày chị từ biệt cõi trần đến nay đã gần 1 năm nhưng dư luận chưa
hề lắng xuống. Đỉnh điểm dư luận xung quanh câu chuyện này là khi hai
người đàn ông từng "thề non hẹn biển" với chị B lần lượt qua đời chỉ sau
cái chết của chị vài tháng.
Chưa có gì chứng minh hai người đàn ông này bị lây nhiễm HIV từ
chị, chỉ biết rằng sau khi chị chết, họ rơi vào trầm cảm, hoảng hốt, sợ
hãi, lo buồn, suy sụp tinh thần trông thấy rồi qua đời nhanh chóng.
Cái chết của hai người đàn ông này càng khiến dư luận không
ngớt lời bàn tán, nhiều người còn đưa ra dự đoán những người đàn ông
tiếp theo sẽ bị “án tử”.
Bác sỹ Lê Quang Quỳnh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống
HIV/AIDS tỉnh kể với chúng tôi: Ngay sau khi ghi nhận trường hợp chị B
bị nhiễm, chị đến Trung tâm nhận thuốc một lần rồi thôi. Với tình trạng
bệnh của chị B lúc ấy, nếu điều trị đúng theo phát đồ, chị có thể kéo
dài được sự sống rất lâu, nhưng có lẽ vì sự suy sụp tinh thần, sự thờ ơ,
ghẻ lạnh, búa rìu của dự luận mà cái chết đã nhanh chóng đến với chị.
Liên quan đến bệnh tình của chị, đã có chục quý ông đến Trung
tâm xét nghiệm và nhờ tư vấn trong tình trạng hoảng loạn và lo lắng,
thừa nhận trót quan hệ với chị mà không sử dụng biện pháp an toàn. May
mắn thay tất cả đều không rơi vào nanh vuốt của tử thần. Họ thở phào nhẹ
nhõm. Có lẽ là bài học xương máu mà các quý ông sẽ chẳng bao giờ quên.
Chị B chết, không còn nơi nương tựa, những đứa con chị dọn về
sống cùng ông bà nội cùng tổn thương vì những lời cay nghiệt của miệng
lưỡi thế gian hay trò đùa nghịch của chúng bạn vẫn râm ran đâu đó.
Mong rằng những con người vô tội ấy biết chấp nhận thực tại và
đối đầu với tương lai đầy gian nan vất vả phía trước. Mong sao, mọi
người hãy đồng cảm, chia sẻ để những con người ấy vơi đi nỗi đau, có đủ
bản lĩnh vững vàng để vượt qua tất cả.
Cũng theo bác sĩ Quỳnh, có thể còn rất nhiều người đàn ông
khác từng chung đụng với chị B nghi mình nhiễm, nhưng vì sợ tai tiếng,
sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng nên không dám đi xét nghiệm để
được điều trị kịp thời nếu có và rất có thể trở thành nguồn lây nhiễm.
Nếu như HIV là án tử thì kỳ thị là bản án chung thân, đẩy người ta
vào ngõ cụt. Muốn giảm kỳ thị, trước hết bản thân người bệnh phải thoát
khỏi sự mặc cảm để tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và phòng
chống HIV/AIDS.
HIV không dễ bị lây nhiễm như nhiều người vẫn nghĩ. HIV
không lây qua các tiếp xúc thông thường giữa người và người. Chúng ta
nên đồng cảm và sẻ chia với những con người không may bị nhiễm. Thật ra
cuộc sống không ai hoàn hảo cả, ai cũng từng mắc sai lầm. Đừng bỏ cuộc
quá sớm khi mọi thứ vẫn còn có thể!