PV: Thưa
Hòa Thượng, thời gian này, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức
như kinh tế suy thoái và đà phục hồi có lẽ còn rất chậm chạp; nhiều vấn
đề xã hội còn nóng bỏng chưa thể giải quyết ngay một sớm, một chiều;
nhưng tâm trí chúng ta hơn nửa năm qua đã có chiều hướng thanh thản khi
mà Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra những vấn đề cấp bách cần phải tập
trung quan tâm và Nghị quyết Trung ương 5 bàn về việc sửa đổi Hiến pháp,
chống tham ô lãng phí và sửa đổi chế độ tiền lương. Có phải chúng ta
đang muốn lấy cái tốt đẹp để ứng phó với nhiều biến động chưa tốt hay
không? Dĩ bất biến ứng vạn biến - lấy cái trong sạch của tổ chức, của cá
nhân mà ứng phó mà đẩy lùi nguy cơ tiềm tàng đối với Đảng, với nhân dân
và cuộc sống của chúng ta?
Hòa thượng Thích Chơn Thiện:
Tình hình kinh tế thế giới từ năm 2008, sau cuộc khủng hoảng tài chánh
lớn ở Hoa Kỳ, đến tình hình suy thoái chung, rồi đến cuộc khủng hoảng nợ
công ở châu Âu: sau Hy Lạp, đến Tây Ban Nha, Ý và nhiều nước khác. Tình
hình có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đối với các nền kinh tế còn lại của
thế giới, trong đó có ta: tình hình phát triển kinh tế bốn tháng đầu năm
2012 của ta đã suy giảm rõ rệt (đạt 4% GDP) gây nên nỗi lo lắng cho
chúng ta. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn ở Trung Đông, Syria và các tranh
chấp ở biển Đông càng tô đậm nét lo lắng ấy. Đảng và Nhà nước thấy rõ
tình hình, đã đưa ra giải pháp căn bản từ Nghị quyết Trung ương 4, Nghị
quyết Trung ương 5 và 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế hiện nay.
Về chế độ kinh tế, Nghị quyết T.W.5 ghi: “khẳng
định chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức
tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối... Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh
tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế nhà nước
cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền
kinh tế quốc dân….”
Về chế độ chính trị, Nghị quyết T.W.5 ghi: “phải khẳng định chế độ dân chủ ở nước ta là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước….”
Về
12 nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đề đạt và đã được
QH Kỳ họp thứ Ba, Khóa XIII thông qua, trong đó có các điểm rất cơ bản
sau đây:
 |
Thao thức |
Ảnh: Quang Khánh |
Nhóm 1: Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về quy hoạch phát triển;
Nhóm 2:
Tái cơ cấu thị trường tài chính, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc
đẩy tái cơ cấu kinh tế, góp phần vào tăng trưởng bền vững;
Nhóm 4: Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài;
Nhóm 7: Tăng hàm lượng khoa học, nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa và năng lực cạnh tranh;
Nhóm 11:
Phát triển khoa học công nghệ để khoa học công nghệ trở thành động lực
thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh; .v.v...
Con
đường phát triển kinh tế - xã hội đã được vạch rõ, sáng sủa và quyết
định. Chỉ còn vấn đề thực hiện. Ở đây liên hệ đến yếu tố con người: cán
bộ, công viên chức và nhân dân. Vấn đề này thì đã có Nghị quyết T.W.4
soi sáng: toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang triển khai, học tập và
thực hiện nghị quyết.
Kinh nghiệm nhà Phật trong việc đối trị với sự ràng buộc của “vị ngọt” của các pháp là nhìn thật kỹ vào khía cạnh nguy hiểm của các pháp để giác tỉnh, nỗ lực thực hiện giải thoát. Cũng thế, nếu tất cả nhìn kỹ vào cái nguy hiểm của suy thoái kinh tế, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng niềm tin của nhân dân,
thì tất cả sẽ giác tỉnh, nỗ lực thực hiện con đường phát triển mà Đảng
và Nhà nước đã vạch ra. Giải pháp chỉ có thế: nỗ lực thực hiện và chờ
đợi kết quả của sự vận hành.
PV: Từ
mong muốn tới hiện thực là bước đi dài và đầy chông gai, có lẽ không ai
ngây thơ trước điều này, nhưng quá chông gai và hình như quá sức với
gánh nặng thì chúng ta còn ngại nói ra có phải không, thưa Hòa Thượng?
Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Câu hỏi khiến tôi nghĩ về lịch sử và hồn thiêng đất nước:
Khó như đánh đuổi quân phong kiến phương Bắc để giành lại chủ quyền, nhân dân ta đã làm được trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Khó như Bắc thắng Tống, Nam bình Chiêm và di đô, nhà Lý đã làm được vẻ vang.
Khó như ba lần đánh thắng quân Nguyên – Mông, nhà Trần đã thành công rực rỡ và xây dựng đất nước hùng cường.
Khó như từ tay không nhân dân ta đã thắng Pháp và Mỹ, chiến công oai hùng còn tỏ rõ với thế giới.
Khó
như ổn định và phát triển xã hội Việt Nam sau năm 1975, Đảng và Nhà
nước Xã hội chủ nghĩa đã thành công như ngày hôm nay: phát triển kinh
tế, mở rộng hội nhập...
Thì vấn đề
thực hiện Nghị quyết T.W.4, T.W.5 và 12 nhóm giải pháp kinh tế ắt hẳn
phải thành công, và thành công lớn: Bác, các hồn thiêng của các chiến
sỹ, và hồn thiêng đất nước sẽ phù hộ cho chúng ta sức mạnh để đi qua mọi
khó khăn. Tôi tin như thế. Huống nữa, trí tuệ của Đảng, ý chí của Đảng
và nhân dân đang tỏa sáng. Huống nữa, nguồn lực của đất nước đang còn
nhiều, năng lực của các cá nhân còn vô hạn chưa khai thác hết. Chúng ta
đang có niềm tin lớn, và xã hội đang có triển vọng lớn của phát triển
như hổ, như rồng. Hãy cùng nhau, cùng giúp nhau làm bung ra nguồn năng
lực vô hạn trong mỗi chúng ta. Chỉ có đi tới, và chỉ có thành công!
PV: Có
lẽ chúng ta cần tỉnh táo ở điều này, Tổng bí thư nói đại ý không phải
phê bình và tự phê bình để tiêu diệt lẫn nhau, mà là chỉ ra cái đúng,
chỉ ra cái sai, tự mình thấy cái sai mà sửa. Tinh thần cao thượng của
một bản Nghị quyết nằm ở đó và vì thế chúng ta vẫn ổn định được xã hội
mà đi tới. Chúng ta cần nhấn mạnh tới mục tiêu ổn định xã hội như một
yếu tố tiên quyết của thành công, thưa Hòa Thượng?
Hòa thượng Thích Chơn Thiện:
Tôi nghĩ rằng tinh thần phê và tự phê, như đã bàn nhiều, là chỉ nhằm
giúp mọi người rời xa cái sai và nắm giữ, thực hiện cái đúng vì sự phát
triển xã hội. Hệt như nhà Phật, ba bước đi đến giải thoát là: từ bỏ tất
cả việc ác (tương tự rời bỏ cái sai); làm tất cả việc lành (tương tự làm
những cái đúng); và giữ tâm ý thanh tịnh (tương tự phát triển xã hội,
hoặc giả phát triển giải thoát). Con đường sống là thế! Quy luật tiến bộ
(tiến hóa) là thế! Chẳng có chọn lựa nào khác. Nghị quyết T.W.4 cũng
chỉ nhằm mục đích ấy. Hiểu khác đi và hành khác đi là rời xa tinh thần
của Nghị quyết. Với trí tuệ, thế nào mọi người đều rất rõ rằng: ở đây
không có sự ghét bỏ hay hạ bệ nhau, xúc phạm nhau; thế nào để mọi người
không thực hiện với thái độ tự vệ, tâm thức không dao động. Phê và tự
phê là vì trách nhiệm, cảm thông, hiểu biết trong tinh thần thực hiện
đại đoàn kết vì sự phát triển của xã hội, vì sự an lạc hạnh phúc của
toàn thể.
Con đường thực hiện giải
thoát là rất khó, đòi hỏi con người tự chiến thắng mình, tự chiến thắng
dục vọng của mình. Con đường xây dựng xã hội cũng thế, đòi hỏi mọi người
tự chiến thắng lòng vị kỷ, mở rộng lòng vị tha. Hẳn nhiên việc thực
hiện không thể đòi hỏi thành công trong ngày một ngày hai, mà đòi hỏi
thời gian. Con đường thực hiện Nghị quyết T.W.4 cũng vậy, cần thời gian
thực hiện bền bỉ, lâu dài. Phải biết chờ đợi. Mà sống là phải biết chờ
đợi. Chúng ta cần biết chờ đợi.
PV: Thưa
Hòa Thượng, mơ ước là một phẩm chất của người Cộng sản, và đó cũng là
mơ ước cháy bỏng hơn hai nghìn năm trăm năm trước của Đức Phật về sự an
lành của chúng sinh. Dự cảm về tương lai của chúng ta sẽ như thế nào,
xin Hòa Thượng bàn thêm về việc này?
Hòa thượng Thích Chơn Thiện:
Sống là ước mơ, người đời vẫn thường nói thế. Ước mơ không chỉ là một
phẩm tính của người Cộng sản, mà của con người nói chung. Ước mơ đề cập ở
đây không phải là các ước mơ hảo huyền, mà là ước mơ thành hiện thực:
ước mơ các điều có thể, các điều trong điều kiện có thể chuyển thành
hiện thực, rất hiện thực. Ước mơ rất lớn của người Cộng sản là xây dựng
một xã hội nhân loại vắng mặt các bất công áp bức, vắng mặt các sự người
bóc lột người. Ước mơ rất lớn của người Cộng sản Việt Nam đương đại là
xây dựng xã hội Việt Nam thành một Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
mà đang trên đường định hướng: ở đó xã hội dân chủ, công bằng, văn
minh, dân giàu, nước mạnh. Hiến pháp Việt Nam sẽ là một văn bản dựng đầy
ước mơ lớn nhất. Các chương trình quốc gia 5 năm, 10 năm, 20 năm hay xa
hơn nữa và các Nghị quyết của T.W Đảng là những văn kiện chứa đựng
những ước mơ lớn và tốt đẹp nhất (mà ước mơ hẳn là đã tốt đẹp), những
văn kiện bám sát thực tế chuyển hiện các trí tuệ, ý chí, nỗ lực của toàn
dân thành hiện thực xã hội, một hiện thực trở nên ngày một toàn bích.
Các Nghị quyết của QH cũng thế, là những nội dung chuyên chở các ước –
mơ – hiện – thực, như Nghị quyết đổi mới các phương thức hoạt động của
QH để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Ước mơ, Nghị quyết là
những gì rất thiết thực, lạc quan và trí tuệ của xã hội Xã hội chủ nghĩa
Việt Nam. Có lạc quan, có ước mơ là có tiến bộ! Có ước mơ, có lạc quan
là có dự phóng cho tương lai gần và xa. Nói khác đi, tương lai là những
gì của dự phóng trong hiện tại, là những gì của các Nghị quyết và ước
mơ. Hỏi về tương lai là hỏi đến các Nghị quyết và các con đường thực
hiện các Nghị quyết. Hỏi con đường thực hiện các Nghị quyết là hỏi đến
yếu tố con người, cán bộ, đảng viên, là hỏi đến Nghị quyết tiêu biểu
T.W.4. Tương lai tốt đẹp của chúng ta tùy thuộc vào sự thực hiện tốt đẹp
Nghị quyết T.W.4. Đây là thực tế, là ước – mơ – hiện thực; khác đi, sẽ
rơi vào hảo huyền và ước mơ hảo huyền. Điều này đã được Hồ Chủ Tịch dạy
như những lời tiên tri, sấm truyền. Chúng ta, thế hệ của chúng ta phải
đặt niềm tin mạnh mẽ vào những lời dạy của Người: tương lai của xã hội
ta ở đó. Không phải chờ đợi những gì xa xôi. Tôi cũng trộm nghĩ thế.
PV: Xin chân thành cám ơn tâm ý của Hòa Thượng!