Thứ ba 10/07/2012 16:25
(Tiengchuong.vn) - Với việc triển khai đồng bộ
nhiều biện pháp, trong đó coi trọng công tác tuyên truyền, đến nay tại
tỉnh Thái Bình người nhiễm HIV không còn lo sợ phải sống trong sự kỳ thị
của cộng đồng. Những trẻ em bị ảnh hưởng và nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh
đều được đi học và hòa nhập cộng đồng.
Tỉnh Thái Bình đã huy động được
nhân dân, những người có nguy cơ cao và đặc biệt là số lượng lớn những
người nhiễm HIV trên địa bàn tham gia phòng chống AIDS. Chính tiếng nói
của họ đã làm thay đổi nhận thức và những hành vi của người dân.
Một điển hình trong công cuộc phòng,
chống AIDS và chống kỳ thị với AIDS tại Thái Bình là xã Vũ Tây, huyện
Kiến Xương. Xã Vũ Tây từng được gọi là “làng đại dịch” với 8/9 thôn có
người nhiễm HIV và tỷ lệ mắc bình quân đầu người ở đây thuộc diện cao
nhất cả nước. Đầu những năm 2000, toàn xã có tới hơn 100 người nhiễm H,
trong đó nhiều phụ nữ bị lây nhiễm từ chồng đi làm ăn xa, nghiện ma túy.
Những năm 2000, nhận thức của người dân, nhất là những người nông dân
thuần nông về căn bệnh thế kỷ còn hạn chế, nên không tránh khỏi sự kỳ
thị. Cùng với công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương, câu lạc
bộ “Vì ngày mai tươi sáng” của những người có HIV ở Thái Bình cũng đã
góp một phần không nhỏ trong việc đẩy lùi kỳ thị tại vùng đất thuần nông
này.
Câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng” được
thành lập năm 2005 trong hoàn cảnh nhiều gia đình có người thân bị chết
vì HIV/AIDS đang rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ. Hình thức tuyên truyền
của câu lạc bộ rất độc đáo. Đó là sân khấu hóa các khẩu hiệu tuyên
truyền bằng các tiểu phẩm chèo, biểu diễn lưu động ở các địa phương.
Những thành viên câu lạc bộ cho hay, họ
vui vì mang được kiến thức đến cho người dân về HIV/AIDS. Lúc đầu họ
cũng đắn đo, sợ lên sân khấu giới thiệu tên tuổi, địa chỉ sẽ ảnh hưởng
đến sự học hành của con cái. Nhưng may là tại Thái Bình sự phân biệt kỳ
thị đối với các cháu nhỏ bị ảnh hưởng bởi HIV không còn.
Đến xã Vũ Tây, hỏi về công tác phòng
chống HIV, nhiều cán bộ và người dân còn khoe, ở xã có Nghiêm Thị Lan
đoạt Á hậu 1 cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng” dành cho phụ nữ có H. Lan
cũng là một trong những hội viên tích cực nhất của Câu lạc bộ “Vì ngày
mai tươi sáng”.
 |
Câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng" tại Thái Bình. Ảnh: Nguồn Internet |
Khi được hỏi vì sao những người có H tại
xã Vũ Tây không bị xóm làng kỳ thị, người đẹp có H cho hay đây là kết
quả của sự thuyết phục và những hành động của chính người nhiễm HIV. Như
để minh chứng cho nhận định này, Nghiêm Thị Lan kể lại việc cô tìm mọi
cách thuyết phục cộng đồng cho con mình được đến trường đi học cách đây
gần chục năm: “Hồi con em 3 tuổi cho đi học mẫu giáo, các cô giáo nói
nếu em cho con đi học thì các phụ huynh khác cho con nghỉ hết. Mới đầu
em rất buồn. Sau đó, em đến gặp hiệu trưởng đề đạt nguyện vọng của mình,
tự em truyền thông với các bậc phụ huynh. Sau đó những buổi họp phụ
huynh em cũng xin một chút thời gian để chia sẻ và cuối cùng mọi người
cũng thông cảm.”
Nói đến việc không còn chỗ cho sự kỳ thị
ở Thái Bình còn phải kể tới một ví dụ điển hình khác. Đó là việc 3 cô
gái nhiễm HIV của câu lạc bộ Hương Lúa ở huyện Vũ Thư cùng mở quán bán
nước và chân gà nướng gần cầu Thẫm của thị trấn huyện. Cả 3 cô đều góa
bụa ở tuổi trên dưới 30 (chồng chết vì nghiện ma túy) để lại nỗi đau
giằng xé do mắc căn bệnh thế kỷ. Rất nhiều người biết 3 cô gái có H
nhưng vẫn đến quán này bày tỏ sự cảm thông chia sẻ và ủng hộ việc 3 cô
không dấu giếm mình có HIV trong những đêm biểu diễn văn nghệ truyền
thông đẩy lùi sự kỳ thị.
Với sự tuyên truyền sâu rộng và sự vào
cuộc của chính những người nhiễm HIV, từ một “làng đại dịch”, từ năm
2003 đến nay, xã Vũ Tây không có người nhiễm mới HIV và số người chết
vì AIDS cũng giám đáng kể.
Nhật Thy Tổng hợp