Đốt chậu rửa mặt của con vì sợ...
Khi
biết mình nhiễm HIV, L. ở Mường Thanh (Điện Biên) đã không khỏi bàng
hoàng. Anh chìm trong sự đau khổ đến tuyệt vọng. Nhưng điều sợ nhất đối
với anh lại là những chuỗi ngày sau đó anh phải đối mặt với sự soi mói,
ghẻ lạnh của những người xung quanh. L. cho biết: “Họ nhìn tôi bằng ánh
mắt lạnh lẽo, thờ ơ và có những lời nói, hành động xúc phạm đến tôi và
gia đình. Một thời gian dài tôi phải sống trong sự cô đơn, tách rời khỏi
các sinh hoạt của cộng đồng”.
Thiệt
thòi hơn là trường hợp của Th. gặp phải sự kỳ thị phân biệt đối xử ngay
chính trong gia đình, ở những người ruột thịt của mình. Th. bị nhiễm
HIV từ chồng (chồng Th. là người nghiện chích ma túy). Một lần về thăm
bố mẹ đẻ, khi Th. lấy chậu rửa mặt, cô cũng không thể ngờ vừa rửa xong
thì bố đẻ cô lập tức lấy ngay dầu hỏa đốt chậu mà cô vừa sử dụng vì sợ
lây nhiễm HIV sang người khác.
Cũng
chính vì sự kỳ thị và phân biệt đối xử nên N. một giáo viên tại Điện
Biên được xác định nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS phải từ chối
điều trị bằng thuốc ARV tại cơ sở y tế gần nhà. Còn T. ở thị trấn Mường
Ảng khi đến trung tâm để tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện được cung cấp
sách hướng dẫn phòng chống HIV/AIDS nhưng không dám nhận. Thậm chí, ngay
cả việc một người đột nhiên quan tâm đến các kiến thức về phòng, chống
HIV cũng khiến những người xung quanh để ý và đặt câu hỏi “tại sao
nghiên cứu kỹ về vấn đề này thế nhỉ? Hay người này đã bị nhiễm HIV?”.
Do
bị kỳ thị phân biệt đối xử nên người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS đã
không dám tiết lộ thông tin về tình trạng nhiễm HIV của mình. Những
người có hành vi nguy cơ cao không dám đi xét nghiệm và không áp dụng
các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người khác vì sợ bị phát
hiện. Và cũng chính do bị kỳ thị làm cho người nhiễm HIV/AIDS đôi khi có
những phản ứng tiêu cực, như cố tình làm lây lan HIV cho người khác...
Tất cả những điều này đã làm cho dịch HIV/AIDS ngấm ngầm lan ra trong
cộng đồng.
Bác sĩ Thảo đang tư vấn cho người nhiễm HIV. Ảnh: PV
|
Xóa bỏ cách nào?
BS.
Trịnh Thị Thảo, khoa Truyền thông - Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh
Điện Biên cho biết nguồn gốc và nguyên nhân của sự kỳ thị và phân biệt
đối xử là do thiếu hiểu biết về HIV/AIDS, nhất là việc cho rằng HIV có
thể lây qua những tiếp xúc thông thường như: ăn cùng mâm, đi chung xe,
dùng chung nhà vệ sinh... Do việc truyền thông không đúng đắn trong thời
gian dài trước đây, khi nói đến HIV/AIDS người ta luôn đưa ra những
hình ảnh đầu lâu, lưỡi hái tử thần... khiến người dân sợ bệnh AIDS và sợ
luôn cả người mắc AIDS.
Hơn
nữa, người nghiện ma túy và mại dâm lại chiếm tỷ lệ cao trong số những
người bị nhiễm HIV. Điều này đã làm cho cộng đồng gắn HIV với các tệ nạn
xã hội càng làm tăng thêm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người sống
cùng HIV/AIDS.
Chống kỳ
thị và phân biệt đối xử là trách nhiệm chung của tất cả mọi người trong
cộng đồng, mọi gia đình, các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội. Nhưng
theo BS. Trịnh Thị Thảo, trước hết phải xóa bỏ những quan niệm không
đúng về HIV/AIDS trong mỗi người dân. Vì AIDS là một bệnh và không được
gắn HIV/AIDS với các tệ nạn xã hội. HIV không lây qua những tiếp xúc
thông thường.
Những người
nhiễm HIV/AIDS cũng là những người con, người anh, người em trong mỗi
gia đình. Bởi vậy việc khơi dậy tấm lòng tương thân tương ái, sự cưu
mang, đùm bọc của mỗi cá nhân, gia đình và của cộng đồng đối với những
người bị nhiễm HIV/AIDS là rất quan trọng. Cộng đồng những người nhiễm
HIV rất cần được hòa nhập, được chung sống và cùng lao động. Họ cần được
biết tình trạng nhiễm HIV/AIDS của bản thân, được trao đổi học hỏi lẫn
nhau về kinh nghiệm sống, cũng như cần sự tư vấn hỗ trợ của xã hội về
cách làm việc, cách sống có ích.
Bác
sĩ Thảo cho biết, nếu xóa bỏ được kỳ thị, người nhiễm HIV/AIDS sẽ chủ
động công khai danh tính. Họ sẽ được tư vấn các biện pháp phòng ngừa và
tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị. Nếu họ được tư vấn, chăm
sóc, điều trị tốt vẫn có thể sống và làm việc lâu dài có ích cho bản
thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Đặc biệt họ sẽ là những tuyên
truyền viên tích cực và có hiệu quả nhất trong công cuộc phòng chống
HIV/AIDS.