"Mỗi lần chuẩn bị làm chuyện ấy, bọn em lại phải lấy bao. Thế là ông ấy
bắt đầu khó chịu, thế là lại bắt đầu cãi nhau. Thế nên hãn hữu lắm bọn
em mới quan hệ".
Đó là tâm sự của chị Nhung, có chồng bị HIV về những cản trở trong quan
hệ tình dục khi một người có H (NCH) còn người kia âm tính. Những cặp
đôi "cọc cạch" này còn gặp nhiều khó khăn từ những rào cản của quan niệm
xã hội.
Gần một nửa nam giới nhiễm HIV có bạn tình âm tính
Bà
Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng
đồng cho biết, theo một kết quả nghiên cứu mà Trung tâm đã thực hiện
trong thời gian vừa qua tại 22 tỉnh, TP với điều tra 307 bạn tình âm
tính của NCH (trong đó có đến 87,6% là nữ). Trong số này, 87% đã sống
với NCH được ít nhất là 2 năm; 58% đã sống chung ít nhất 5 năm; có đến
gần một nửa nam có bạn tình âm tính hoặc không biết tình trạng huyết
thanh.
Lý do những cặp đôi "cọc cạch" tìm đến với nhau do một
người đã nhiễm HIV từ trước nhưng người kia không biết; một người bị
nhiễm HIV khi đang sống với nhau. Chỉ 18,2% biết tình trạng HIV của bạn
tình trước khi quyết định gắn bó, còn lại với đa số, việc sống với bạn
tình dương tính không phải là lựa chọn của họ nhưng họ đã lỡ gắn bó rồi
nên không thể thay đổi được.
Về phía NCH, do lo sợ khi biết mình
nhiễm HIV thì sẽ bị xa lánh, ruồng bỏ nên khó khăn để mở lời chia sẻ.
Một nam giới nhiễm HIV kể: Thằng đấy nó khổ lắm vì nó yêu con bé kia
quá. Nó sợ mất con bé ấy. Lần trước cũng như thế nên bây giờ nó sợ bị
mất con bé này. Tất cả bọn em đều lo cho nó. Khổ nhất là chúng nó không
dùng bao. Thằng này muốn dùng nhưng mà con bé kia nó dỗi. Nó bảo "Anh
chỉ muốn chơi bời với em thôi hay sao? Tại sao mình lại phải dùng bao?
Anh không muốn chịu trách nhiệm à?". Bọn em cứ bảo nó là nó phải nói cho
con bé kia biết nhưng mà nó không làm được.
Vì những e ngại này
nên có đến 85,4% nam có H không dám bộc lộ thông tin do sợ bị kỳ thị,
bỏ rơi, cô lập; tỉ lệ này ở nữ là 95,3%. Lý do sợ lộ thông tin ở nam là
86,2% và nữ là 86,9%; và 88,2% nam sợ bạn tình không cho quan hệ tình
dục, ở nữ tỉ lệ này là 79,3%.
Các cặp đôi “có H” cần có sự tư vấn đầy đủ để có tình dục bình đẳng, an toàn.
Truyền HIV cho vợ…
Ngược
lại với những trường hợp này là những người dù biết mình có H nhưng vẫn
cố tình không sử dụng biện pháp bảo vệ bởi muốn vợ cũng lây nhiễm để
"không thể đi với ai khác" nữa. Một đồng đẳng viên kể: Em biết cái anh
này, anh ấy dương tính, vợ thì không. Thế mà anh ấy bắt chị ấy quan hệ
không dùng bao. Anh ấy cố làm cho chị ấy nhiễm vì anh ấy sợ là chị ấy sẽ
bỏ mình. Có lần anh ấy còn nói hẳn với vợ là sẽ làm cho chị ấy nhiễm để
khi anh ấy chết thì chị ấy không đi với người khác được… Chị ấy quỳ
trước mặt anh ấy để xin anh ấy giữ cho chị ấy để chị ấy còn nuôi con.
Nhiều người nói lắm. Nhưng mà anh ấy cũng mặc kệ. Bây giờ chị ấy nhiễm
rồi.
Chị Lương *, một NCH tâm sự: "Nhiều lúc chồng em ghen quá.
Ví dụ như đang nằm ngủ, bảo mai em mà chết em sẽ chống mắt nhìn mày.
Xong em bảo, đời tôi anh đã hại rồi, bây giờ tôi chỉ xác định là lo cho
con tôi ăn học, chẳng nghĩ tới thằng khác. Em nói thế mà không bao giờ
chồng em tin".
Bà Oanh đưa ra con số về tỉ lệ dùng bao cao su
trong số những người có quan hệ tình dục trong khoảng 1 tháng trước đó
cho thấy, có 12,8% không dùng bao; tỉ lệ không dùng thường xuyên là
11,8%; và có 8,2% chưa bao giờ dùng bao cao su trong đời.
Ngoài
lý do không dùng bao vì cố tình lây truyền cho vợ thì việc sử dụng bao
cao su trong quan hệ tình dục cũng được coi là yếu tố cản trở sự gần
gũi. "Em thấy là mỗi lần bọn em dùng bao là chồng em không thích. D dùng
vì sợ làm lây nhiễm cho em thôi. Em rất yêu D và không muốn mất D. Em
sợ đến một ngày nào đó D sẽ quan hệ với người khác, một người cũng có
H... Nên bọn em không dùng bao nữa" - Thanh, 25 tuổi chia sẻ.
Từ
việc không chia sẻ về tình trạng nhiễm của bản thân với bạn tình; cố ý
lây truyền cho vợ dẫn đến tỉ lệ lây nhiễm HIV ngày càng gia tăng. Trong
số những người đã từng quan hệ với NCH thì tỉ lệ đã từng có thai với bạn
tình dương tính là 74.5%. Trong đó 17% cho biết là do không tiếp cận
được với dịch vụ tránh thai phù hợp.
Bị "bỏ đói" nhu cầu về tình dục
Ngược
lại với những người cố tình giấu diếm, truyền nhiễm cho bạn tình là
những người cẩn trọng đến mức "cai" hẳn "chuyện ấy" cho yên tâm. Chính
vì vậy, họ đã chịu thiệt thòi và chưa được hưởng sự cân bằng trong cuộc
sống.
"Nhà em đóng giường riêng. Em có bảo vệ nên em không sợ…
Bảo vệ đây là thằng con trai (ngủ với bố). Đi ngủ là nó lấy khăn buộc
tay nó vào tay bố, bảo bố nó là bố đừng có đi đâu đấy" - chị Thắm, 32
tuổi cho biết.
"Nếu em không dùng bao thì em sợ sẽ làm lây nhiễm
cho vợ. Nhưng mà em ghét bao lắm. Vợ em nó cũng thế... Vì vậy em cố
tránh quan hệ tình dục"- Trường, 34 tuổi kể.
Bản chất mối quan hệ
trong các cặp "cọc cạch" rất đa dạng và phức tạp. Họ có nhu cầu về quan
hệ tình dục rất lớn nhưng chưa được đáp ứng đối với dự phòng lây nhiễm,
giảm thiểu nguy cơ khi thụ thai, tránh thai, tư vấn về quan hệ đôi lứa
và bộc lộ - bà Oanh nhận định.
Giải pháp cho "chuyện ấy" của các
cặp đôi "cọc cạch" là cần có những tư vấn đầy đủ về cách phòng bệnh,
tránh thai... để họ được hưởng thụ đời sống tình dục an toàn, bình đẳng
như những cặp đôi khác.
Theo
Điều 117 Bộ luật Hình sự, một người "biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây
truyền bệnh cho người khác" thì bị coi là phạm tội lây truyền HIV cho
người khác. Hành vi phạm tội này được quy định cụ thể như sau: Người nào
biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác, thì bị
phạt tù từ một năm đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: Đối với nhiều người; Đối
với người chưa thành niên; Đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực
tiếp chữa bệnh cho mình; Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do
công vụ của nạn nhân".