Chị Lan bên đồi luồng của gia đình
Chúng tôi tới thăm gia đình chị Lê Thị Luân (xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa) khi đã xế trưa. Căn nhà mái bằng vừa được anh chị hoàn thiện còn thơm mùi vôi với giàn bí lủng lẳng trông thật thích mắt. Trong nhà, chỉ có cháu bé khoảng 7 tuổi đang chăm chỉ học bài. Cháu ê a đánh vần, khi thì xòe tay làm phép tính nhẩm. Thấy có khách, cháu mời chúng tôi ngồi đợi rồi chạy lên đồi gọi mẹ. Một lúc sau, từ trên đồi chị Luân lấm lem bùn đất, trên vai vác theo cây luồng tất tả đi xuống. Chỉ vào đứa bé, chị nói: "Đó là con em, cũng may cháu không bị nhiễm H”.
Đặt cây luồng xuống sân, chị rửa tay chân rồi vào tiếp chuyện. Lúc này, tôi mới có dịp quan sát kỹ. Dù mới 30 tuổi, nhưng gương mặt chị khắc khổ già trước tuổi. Làn da rám nắng, đôi tay gầy guộc, duy chỉ có đôi mắt đen láy luôn ánh lên niềm tin vào cuộc sống. Trái với tưởng tượng của tôi, chị rất cởi mở, không né những câu hỏi về căn bệnh chị đang mang trong người mà nhiều người vẫn kỳ thị. Chị bảo, để vượt qua được nỗi mặc cảm, sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội là cả một quãng thời gian dài. Để bây giờ chị dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói với mọi người chị đang mắc căn bệnh thế kỷ nhưng vẫn sống khỏe mạnh, lạc quan và làm nhiều việc có ích cho xã hội.
Sinh ra trong một gia đình nhà nông, năm 24 tuổi, chị lập gia đình. Hạnh phúc mỉm cười chưa được bao lâu thì nhận được tin chồng nghiện ma túy. Chị suy sụp và càng tuyệt vọng hơn khi biết chồng mình nhiễm H. Khi đi xét nghiệm, bác sĩ cho biết chị bị lây căn bệnh từ chồng. Tương lai, hy vọng của cô gái trẻ tràn trề sức sống bỗng chốc vỡ vụn. Chết là điều đầu tiên chị nghĩ đến. Những suy nghĩ về cái chết đã dằn vặt, ám ảnh chị trong nhiều ngày. Lúc nào cũng sợ ai đó nhìn thấy mình, bắt gặp mình. Nhiều lúc gặp chị ngất bên góc nhà, mọi người gọi dậy. Chị la lớn trong sợ hãi và giam mình trong nhà âm thầm chịu đựng. Chồng thấy vậy cũng ít về nhà hơn vì cho rằng mình có lỗi, anh ngần ngại mà không dám đối diện với chị. Mỗi khi trên truyền hình hay đài phát chương trình liên quan đến H, như một phản xạ chị bịt tai như sợ ai đó sẽ biết mình nhiễm H.
Biết vợ chồng chị nhiễm H, Hội Phụ nữ xã đến động viên, đồng thời tìm cách giúp gia đình vượt qua khó khăn. Không có đất sản xuất, Hội đề xuất với địa phương cho gia đình nhận thầu gần 1ha đất đồi để trồng luồng. Không có vốn, Hội thực hiện tín chấp Ngân hàng chính sách cho gia đình chị vay đồng thời đề nghị tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp chị ứng dụng vào sản xuất. Ngoài ra, Hội còn đấu mối với các doanh nghiệp sản xuất đũa tre, tăm tre trên địa bàn nhận chị vào làm với mức lương 100.000 đồng/ngày. Không phụ lòng tin của chị em, vợ chồng chị lao vào công việc. Sáng đi làm đũa, trưa chị thanh thủ cắt cỏ, lấy rau nấu cám lợn, và vội bát cơm, sau đó lại tất tả đi làm. Còn anh ngày ngày đào hốc, phát cỏ chăm sóc luồng chăm thêm mấy con bò. Sau 3 năm, những bụi luồng đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch. Một phần chị dành tái đầu tư sản xuất, một phần tiết kiệm chi tiêu. Nhờ đó, đến đầu năm 2012, vợ chồng chị đã làm được ngôi nhà khang trang.
Thấy mình đã tạm ổn, chị nghĩ cách giúp những người có cùng cảnh ngộ. Ban đầu gặp chị, nhiều người kéo con mình tránh xa và ném chị cái nhìn khinh bỉ như sợ một căn bệnh truyền nhiễm. Không nề hà, hàng ngày chị cùng nhóm bạn tiếp cận tuyên truyền cho nhóm bạn nhiễm H sớm được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Chị đi khắp thôn cùng ngõ hẻm để phát bao cao su, kim tiêm. Không chỉ công khai trong cộng đồng, chị còn sẵn sàng tham gia các buổi truyền thông cộng đồng liên quan đến H. Đặc biệt, chị cũng thuyết phục được chồng tham gia các hoạt động tuyên truyền. Từ một người nghiện rồi nhiễm H, chồng chị đã nhận thấy giá trị của cuộc sống, anh đồng hành với vợ và đoạn tuyệt với ma túy. "Không có Hội Phụ nữ giúp đỡ, không biết bây giờ vợ chồng tôi ra sao nữa”, chị tâm sự.
Cũng như chị Lan, hàng chục chị em khác bị nhiễm H nhờ được các cấp Hội phụ nữ giúp đỡ đã tìm được cuộc sống đích thực của mình. Chị Cúc cũng bị nhiễm H từ chồng. Gia cảnh nghèo túng, hai con nhỏ dại lại thêm chăm sóc bố mẹ chồng, khiến chị suy sụp. Hội Phụ nữ xã cho gia đình chị nhận thầu gần 2 ha đồi trồng luồng, 0,5 ha đất trồng lúa và vay vốn sản xuất, đến nay, gia đình chị đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Hai con được học hành đến nơi đến chốn.
Theo thống kê của Hội LHPN huyện Quan Hóa, toàn huyện có 101 phụ nữ bị nhiễm H, trong đó có 14 người đã chết. Phần lớn, chị em bị nhiễm H do lây nhiễm từ chồng. Qua rà soát cho thấy, hầu hết họ có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đất đai sản xuất không có hoặc có rất ít, con cái có nguy cơ nghỉ học. Để giúp đỡ những gia đình nhiễm H, Hội Phụ nữ xã thường xuyên cử cán bộ đến động viên, chia sẻ cũng như tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Đồng thời tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng của chị em để có biện pháp giúp đỡ. Đối với những hộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hội đề xuất với UBND các xã cho họ nhận thầu một phần diện tích đất đồi, đất lúa để lấy đất sản xuất và Hội đứng ra tín chấp với ngân hàng Chính sách xã hội giúp họ vay vốn. Nhờ đó, đến nay nhiều gia đình có người nhiễm H đã vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. "Chúng tôi sẽ cố gắng để những người nhiễm H tìm được cuộc sống đích thực của mình và sống có ích cho xã hội”, chị Phạm Thị Lịch, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quan Hóa khẳng định.
|