Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Tu-an  
#1 Đã gửi : 10/03/2013 lúc 09:31:40(UTC)
Guest
Danh hiệu: Guest

Nhóm:
Gia nhập: 24-06-2009(UTC)
Bài viết: 25.549

Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
Người vực dậy những cuộc đời lầm lỡ
QĐND - Chủ Nhật, 10/03/2013, 19:17 (GMT+7)
QĐND - Thời gian qua, cái tên Trần Song Khoa - Hiệp sĩ công nghệ thông tin đã trở thành một hiện tượng của truyền thông, một tấm gương điển hình trong giới trẻ về ý chí, nghị lực, vượt qua nghịch cảnh để vươn lên. Nhiều người biết Trần Song Khoa từng là một thanh niên nghiện ma túy nặng, nhưng ít người biết, đứng sau hành trình làm lại cuộc đời của Khoa có hình ảnh của một người phụ nữ thầm lặng, chuyên gia cai nghiện ma túy Hà Thị Mỹ Hòa!

Lần lữa mãi, đến những ngày đầu Xuân Quý Tỵ này chị Hà Thị Mỹ Hòa mới dành cho tôi một cuộc hẹn. “Suốt gần một năm qua chị bận tối tăm mặt mũi. Giờ mới rảnh rang đôi chút”, qua điện thoại, chị nói. Cứ tưởng sẽ gặp chị tại một góc phố nào đó ở TP Hồ Chí Minh, ai dè chị bảo: “Chị chuyển về Trảng Bom, Đồng Nai rồi”. Trảng Bom! Vậy là phải hành trình gần 60km từ TP Hồ Chí Minh để được gặp chị? Nghĩ đến chặng đường xa, tự dưng lại thấy… nản. “Ở TP Hồ Chí Minh đang ăn nên làm ra, chị về vùng đất sỏi đá đó làm gì cho khổ?”, tôi trách. Chị Hòa cười: “Vậy là chú chưa hiểu công việc của chị rồi. Làm nghề này có phải như kinh doanh đâu. Chỗ nào mình thấy cần làm là làm thôi chú ạ!”. Câu nói của chị khiến tôi áy náy tự trách mình. Phải! Nếu đơn thuần chỉ vì lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, chị đã có quá nhiều các yếu tố để gọi là đủ. Nhưng đúng như có lần chị chia sẻ trên một chương trình truyền hình thực tế, làm nghề thầy thuốc đi cai nghiện cho người nghiện ma túy, cái cần nhất là một trái tim đồng cảm, sẻ chia, nhân hậu và dám dấn thân. Nghĩ lại, tôi nhẹ nhàng xin lỗi chị về cái sự “hớ” của mình rồi quyết định phóng xe máy xuống Trảng Bom gặp chị.



Chị Hòa ân cần, sẻ chia với người cai nghiện như tình cảm của người mẹ dành cho con.

Trung tâm tư vấn, điều dưỡng cai nghiện ma túy Lê Hà Nguyễn do chị Hòa làm giám đốc giống như một khu nghỉ dưỡng nằm trên triền đồi lộng gió, yên tĩnh, xanh mát bóng cây thuộc khu phố 3, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Buổi sáng thanh tịnh. Trước khoảng sân vườn thoáng mát, chị Hòa cùng các điều dưỡng viên đang hướng dẫn các bệnh nhân các cách thư giãn, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị. Trung tâm vừa mới khánh thành đi vào hoạt động, đã bắt đầu đón những đợt bệnh nhân đầu tiên. Có bệnh nhân ở địa phương, cũng có người tận TP Hồ Chí Minh, vì mến “má Hòa” mà quyết tâm theo má về đây để từ bỏ “cái chết trắng”. Chị Hòa khoe với tôi vừa mới làm xong trang thông tin điện tử về trung tâm, nhằm tạo cầu nối giúp các bệnh nhân sau khi điều trị cai nghiện có kỹ năng tự đề kháng với ma túy, tránh bị tái nghiện. “Trang tin điện tử này do Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Trần Song Khoa làm cho chị đấy”, chị Hòa nói. Trần Song Khoa là cái tên đã quá quen thuộc với báo giới. Anh từng là một thanh niên nghiện ma túy nặng, trong cơn vật vã vì đói thuốc đã nuốt cả lưỡi dao lam để hủy hoại thân thể mình. Cứ tưởng cuộc đời của anh đã vào ngõ cụt, nhưng sau khi đi cai nghiện, được sự giúp đỡ của các thầy thuốc, Khoa đã đoạn tuyệt với ma túy, tu chí học hành. Sau khi thành đạt, Khoa đã dũng cảm công khai những góc tối trong cuộc đời mình với mong muốn các bạn trẻ lấy đó làm bài học kinh nghiệm để tránh xa ma túy. Người có ảnh hưởng đặc biệt trong con đường từ bỏ “cái chết trắng” để giúp Khoa làm lại cuộc đời là chị Hà Thị Mỹ Hòa, người mà Khoa yêu quý gọi bằng cô.

Chị Hòa bùi ngùi nhớ lại kỷ niệm sâu sắc trong đời thầy thuốc của mình cách đây 10 năm: “Sáng hôm ấy, tôi đang trong ca trực ở Trung tâm cai nghiện Làng Bình Minh thì gặp hai thanh niên đứng thập thò ngoài cửa. Trong lúc trò chuyện tư vấn, tôi biết người thanh niên nghiện ma túy nặng là Trần Song Khoa, được một người bạn thân dẫn đến đây. Trước đó, Khoa đã nhiều lần cai nghiện nhưng không thành. Từ bệnh viện trở về, Khoa bị nhiều người xa lánh, kỳ thị. Cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở giúp tôi hiểu thêm những góc khuất trong cuộc đời Khoa. Khoa đến đây nhưng trong túi chẳng còn lấy một đồng. Tôi động viên Khoa ở lại trung tâm và giúp Khoa chi phí cai nghiện. Thấy Khoa nước mắt lưng tròng, tôi có niềm tin rất lớn là Khoa sẽ cai nghiện được”.

Niềm tin của chị Hòa không sai. Sự gần gũi, thân tình, chia sẻ như tình cảm của người mẹ dành cho con từng ngày, từng giờ nơi chị Hòa giúp Khoa xóa bỏ những mặc cảm tự ti, tạo nguồn động lực để Khoa quyết chí cai nghiện. Vượt qua những khó khăn, thử thách, cuối cùng Khoa đã thành công. Giờ đây, khi đã trở thành một người thành đạt, Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Trần Song Khoa luôn ghi nhớ ân nghĩa của cô Hòa từ những ngày đầu gian khó.

Gần 20 năm làm nghề thầy thuốc cai nghiện ma túy cho người nghiện, chị Hòa đã đón nhận, chăm sóc cho gần 2000 bệnh nhân, giúp họ thoát khỏi miệng vực của “cái chết trắng”. Rất nhiều người trong số đó sau khi cai nghiện thành công đã trở lại giảng đường đại học, tu chí nên người. Khi chúng tôi có mặt ở Trung tâm tư vấn, điều dưỡng, cai nghiện ma túy Lê Hà Nguyễn, đã gặp nhiều vị khách lịch sự, sang trọng đến thăm chị Hòa. Hỏi ra mới biết, họ là những bệnh nhân từng được chị Hòa giúp cai nghiện ma túy thành công. Một số người bây giờ đã có học vấn thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, một số là giám đốc doanh nghiệp. Trong cuốn sổ tay của chị Hòa có rất nhiều danh sách những bệnh nhân để lại dấu ấn sâu sắc tương tự như Trần Song Khoa, song vì những lý do tế nhị, họ chưa muốn công khai danh tính trên phương tiện thông tin đại chúng. Chúng tôi tôn trọng quyền riêng tư của họ nên không nêu tên cụ thể trong bài báo này. Nhiều bệnh nhân sau cai nghiện đã xin làm con nuôi của chị và gọi chị là má. “Đó là niềm hạnh phúc, nguồn động viên lớn nhất đối với tôi”, chị Hòa nói.

Chị Hà Thị Mỹ Hòa quê ở xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, từng là một cô giáo dạy Toán, Lý cho học sinh cấp 2. Chị kể về cái duyên đưa mình đến với nghề thầy thuốc cai nghiện: “Hơn hai năm dạy học ở miệt rừng, chứng kiến đồng bào mình bị những cơn sốt rét hành hạ, tôi xin cấp trên cho đi học ngành y với tâm nguyện vừa làm cô giáo, vừa giúp học sinh, người dân chữa bệnh. Tốt nghiệp với tấm bằng y sĩ, tôi cùng một số bạn nữ trẻ hăng hái tham gia các chương trình y tế tình nguyện, về vùng sâu, vùng xa tư vấn, khám chữa bệnh cho người dân. Từ những hoạt động ấy, tôi được một tổ chức phi chính phủ ở TP Hồ Chí Minh mời tham gia chương trình “Giá trị sống”, đi tuyên truyền, tư vấn về kỹ năng sống cho người nghiện ma túy ở các trung tâm cai nghiện. Ban đầu tôi rất ái ngại với công việc này, nhưng càng làm lại càng cuốn hút. Được gần gũi, sẻ chia với người nghiện ma túy, tôi càng thấu hiểu đằng sau những cơn nghiện ấy là những cuộc đời, những số phận. Cái cần nhất của họ là sự đồng cảm, sẻ chia. Được sự động viên của các y, bác sĩ đi trước, tôi quyết định gắn bó cuộc đời mình với công việc thầm lặng này, vừa tuyên truyền, vừa làm điều dưỡng cho người nghiện ma túy”.

Nhiều năm gắn bó với công tác cai nghiện đã giúp chị Hòa tích lũy được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cai nghiện cho từng đối tượng, giúp bệnh nhân tránh được những cơn vật vã, đau đớn về thể xác khi cai nghiện. Và đây chính là “bí quyết” của chị cùng các đồng nghiệp. Trên cơ sở phác đồ điều trị chung của Bộ Y tế, chị Hòa ứng dụng sáng tạo cho mỗi bệnh nhân, mỗi bệnh nhân có một cách điều trị riêng. Theo chị Hòa, người nghiện sợ nhất là những cơn vật vã, quằn quại, đau đớn vì đói thuốc. Vậy nên thầy thuốc phải nghiên cứu rất kỹ đồng hồ sinh học của từng bệnh nhân để cho sử dụng liều lượng thuốc phù hợp và đặc biệt là thời điểm uống, tiêm thuốc. Thầy thuốc phải biết đón đầu cơn nghiện của bệnh nhân để sử dụng thuốc trấn áp, giúp bệnh nhân ngủ ngon, ngủ sâu trong những thời điểm lên cơn. Chế áp được các cơn nghiện, bệnh nhân sẽ cai nghiện nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt kết quả tốt nhất, giúp bệnh nhân không tái nghiện, liệu pháp tâm lý, tinh thần là hết sức quan trọng. Sự gần gũi, chân tình, coi bệnh nhân như tình ruột thịt chính là “bí quyết” hàng đầu của chị Hòa trong hành trình giúp người nghiện ma túy cai được nghiện suốt gần hai thập kỷ qua.

Trước khi thành lập Trung tâm tư vấn, điều dưỡng, cai nghiện ma túy Lê Hà Nguyễn ở Trảng Bom, chị Hòa là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm cai nghiện ma túy Đức Thanh Tâm ở TP Hồ Chí Minh. Trong một lần cùng các cán bộ chức năng đi khảo sát tình hình nghiện và cai nghiện ma túy ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, chị Hòa suy nghĩ rất nhiều về thực trạng nghiện ma túy trong công nhân và người lao động. Người nghiện thì nhiều nhưng tỷ lệ người được đưa vào các trung tâm cai nghiện lại khá khiêm tốn, do các trung tâm đều nằm ở các đô thị. Cần phải có những trung tâm tại chỗ nằm ở vùng ven các khu công nghiệp để giúp người nghiện có điều kiện tiếp cận dễ dàng. Ý tưởng xây dựng một trung tâm ở Trảng Bom của chị Hòa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và UBND tỉnh Đồng Nai, cấp ủy, chính quyền huyện Trảng Bom hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện. Vậy là Trung tâm tư vấn, điều dưỡng, cai nghiện ma túy Lê Hà Nguyễn ra đời sau gần hai năm lập dự án, triển khai xây dựng. Tọa lạc trên khuôn viên hơn 2000m2, trung tâm được thiết kế, xây dựng theo chuẩn quốc gia với hệ thống phương tiện, trang thiết bị y tế hiện đại. Chị Hòa lại tình nguyện “bỏ phố lên rừng”, rời xa TP Hồ Chí Minh để xuống Trảng Bom trực tiếp quản lý, điều hành, đưa Trung tâm tư vấn, điều dưỡng, cai nghiện ma túy Lê Hà Nguyễn vào hoạt động. Tính chị xưa nay vẫn thế, không quan tâm nhiều ở những việc mình đã làm được mà quan trọng là những việc mình đang và sẽ làm.

Tôi nhìn bàn tay chị Hòa ân cần chăm sóc cho một bệnh nhân nghiện ma túy trạc tuổi 30 và nghe được những lời thủ thỉ, tâm tình của chị với bệnh nhân, chợt nghĩ, họ gọi chị là “má” cũng là điều dễ hiểu.

Bài và ảnh: LỮ NGÀN

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/58/58/232390/Default.aspx

Quảng cáo
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.