TT - Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), chỉ riêng năm 2003 đã có gần 1.800 phụ nữ và trẻ em VN bị lừa bán ra nước ngoài và chỉ có 870 người trở về quê hương. Số phận của gần 1.000 người còn lại vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. <p class="pBody">Để tìm hiểu thực trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em VN, <em>Tuổi Trẻ</em> đã có cuộc trao đổi với ông Andrew Bruce - trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại VN. Ông Bruce cho biết:</p> <p class="pAnswer">- Chúng tôi đã tiến hành một số điều tra và điều đáng chú ý nhất trong nhiều trường hợp là có sự tham gia của bà con, họ hàng. Theo tôi biết, quy trình thông thường ở nhiều nơi rất đơn giản: một phụ nữ tiếp cận một cô gái nghèo khó, thất học và nói rằng bà ta có thể cho cô một việc làm hấp dẫn trong một nhà hàng ở đâu đó.</p> <p class="pAnswer">Thực tế là chẳng có nhà hàng nào cho cô làm việc cả. Nhưng ở VN tôi thấy tình hình phức tạp hơn nhiều vì những cô gái VN bị đưa sang Campuchia hay Trung Quốc phần lớn là do sự khuyến khích của gia đình như một cách giúp họ thoát khỏi nợ nần. Và trong hầu hết những trường hợp này, các bên đều tự nguyện. Đáng tiếc là theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, nếu có sự tự nguyện của các bên thì các trường hợp đó không được coi là buôn bán người trái phép. </p> <p class="pAnswer">Kết quả điều tra cũng chỉ ra nhóm người dễ bị buôn bán ra nước ngoài thường là những phụ nữ không thích làm công việc vất vả nhưng lại muốn có thu nhập cao hơn, mặc dù họ không thể hoặc không có cơ hội học hành; là những phụ nữ gặp khó khăn trong việc kết hôn hoặc có trình độ văn hóa thấp.</p> <p class="pAnswer">Tuy nhiên ở VN, việc buôn bán thường lẻ tẻ, không có tổ chức và mức độ không tinh vi. Hiện nay đã xuất hiện khuynh hướng đưa những phụ nữ trẻ đẹp sang Hong Kong, Đài Loan, Macau được tổ chức tinh vi hơn và có liên hệ với các băng nhóm ở những nước đó.</p> <p class="pQuestion">* Theo ông, nguyên nhân sâu xa của hành vi này là gì?</p> <p class="pAnswer">- Về phía tội phạm hay nạn nhân, nguyên nhân đều là từ tiền. Bọn tội phạm buôn bán để kiếm lợi nhuận, nạn nhân thì thường bị mắc kẹt trong nghèo đói, nợ nần và dễ bị dụ dỗ. </p> <p class="pAnswer">Ngoài ra, khi điều tra 1.082 trường hợp phụ nữ và trẻ em bị đưa sang Trung Quốc (tính đến tháng 1-2003), chúng tôi thấy 5,5% số đó mù chữ, và 46,6% chỉ có trình độ tiểu học. Điều đó cho thấy những người có trình độ học vấn thấp thường là nạn nhân.</p> <p class="pQuestion">* Trong quá trình đấu tranh chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, IOM thường gặp những khó khăn gì?</p> <p class="pAnswer"> <table class="pBody" style="BORDER-COLLAPSE: separate" bordercolor="#ecf2fe" cellspacing="5" bordercolordark="#456ae1" cellpadding="4" width="200" align="right" bordercolorlight="#4792d9"> <tbody> <tr> <td valign="center" bgcolor="#cfe6f9">Cuộc điều tra của Bộ Công an về 1.082 trường hợp phụ nữ và trẻ em (tính đến tháng 1-2003) bị đưa sang Trung Quốc cho thấy nghề nghiệp của những nạn nhân này tại Trung Quốc thường là mại dâm (12,3%), nông dân (10,9%), bán hàng (10%), giúp việc nhà (10,2%), vợ của đàn ông Trung Quốc (3,9%), số người chưa xác định được nghề nghiệp chiếm 47,8%.</td></tr></tbody></table></p> <p class="pAnswer">- Khó khăn lớn nhất vẫn là ở thái độ của xã hội đối với những nạn nhân của hành vi buôn bán này. Ở VN họ thường bị coi là kẻ có tội chứ không phải là nạn nhân. </p> <p class="pAnswer">Tôi tin rằng họ nên được đối xử một cách nhân đạo sau khi sống sót từ những bạo hành, lạm dụng, bóc lột ở nước ngoài chứ không phải là đưa họ vào các trại giam để đẩy họ vào địa ngục lần nữa. Vấn đề là làm sao đưa họ hòa nhập vào cuộc sống, có công ăn việc làm ổn định và duy trì liên hệ với gia đình.</p> <p class="pAnswer">Một khó khăn khác là hiện nay VN chưa có một ủy ban phối hợp các hoạt động chống buôn bán phụ nữ. Ở Thái Lan, rất may mắn là họ có một người có tiếng nói trong chính phủ tích cực thúc đẩy sự quan tâm của các chính khách đến vấn đề này và có một ủy ban phối hợp. </p> <p class="pAnswer">Hiện nay, trong cộng đồng các tổ chức phi chính phủ của Liên Hiệp Quốc có sự chồng lấn về vai trò chống buôn bán này. Vì thế, sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu có một ủy ban phối hợp cả hoạt động của các tổ chức đó lẫn các cơ quan trong nước. </p> <p class="pQuestion">* Vậy cần phải làm gì để ngăn chặn và khắc phục hậu quả của việc buôn bán này, thưa ông?</p> <p class="pAnswer">- Tình hình này không chỉ gây bất an cho an ninh chính trị, trật tự xã hội mà còn làm tổn thương đến những phụ nữ, trẻ em bị buôn bán và gia đình họ. Ở Philippines, mỗi phụ nữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài đều phải trải qua một chương trình bắt buộc giúp họ tìm hiểu nước họ sắp đến cũng như quyền lợi, trách nhiệm của họ: quốc tịch của đứa trẻ nếu có con, quyền lợi nếu ly dị... Việc này ít nhất cũng giúp đỡ họ trong giai đoạn đầu. Nhiều phụ nữ đã từ bỏ ý định sang làm việc ở một nước khác sau khi tham dự khóa học này.</p> <p class="pAnswer">IOM cũng có dự án hỗ trợ tái định cư những trẻ em từng bị buôn bán ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và phụ nữ bị đưa sang Trung Quốc, đồng thời tổ chức chiến dịch thông tin để tăng nhận thức của công chúng ở Lạng Sơn… Hiện nay chúng tôi đang xem xét vấn đề di cư lao động. Đây cũng là một hình thức của buôn bán người trái phép khi lao động bị lừa dối về điều kiện lao động, bị ngược đãi, bỏ rơi ở nước ngoài. </p> <p class="pQuestion">.</p>