 Danh hiệu: Guest
Nhóm: Gia nhập: 24-06-2009(UTC) Bài viết: 25.549
Được cảm ơn: 35 lần trong 21 bài viết
|
Phía sau sự đam mê của một giáo dục viên đồng đẳng
Thứ Bảy, 04/05/2013 08:33
(PL&XH) - Về hưu đã gần cả chục năm thế mà xóm giềng lúc nào cũng thấy chị tất bật với công việc của một người giáo dục viên đồng đẳng. Tuần 4 buổi, khi màn đêm buông xuống, chị lại cùng mọi người có
mặt ở những nơi các gái “bán hoa” chờ khách.
Gặp người mới vào “nghề” thì chị chủ động làm quen, lựa lời khuyên nhủ, còn với những cô đã quen thì chị hỏi han, tâm sự để tư vấn cách phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả. “Tôi đến đây mang theo trái tim đồng cảm của một người phụ nữ, tôi muốn các em có một cuộc sống tốt hơn, mong các em đừng ngại”, những lời nói chân thành xuất phát từ trái tim đã đưa chị xích lại gần và trở thành một người chị, người bạn thân thiết của những cô gái “bán hoa” trên đường phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Con người có tấm lòng nhân hậu ấy là chị Nguyễn Thị Phố - Giám sát viên của Chương trình Tiếp cận
cộng đồng, phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Chung tay vì cộng đồng
Tranh thủ giờ nghỉ ngơi giữa buổi hội thảo tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, chúng tôi đã có buổi nói chuyện với người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu ấy. Để gọn tờ báo xuống mặt bàn, chị vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Dù lần đầu tiếp xúc với chị nhưng hầu như những ai có mặt tại buổi hôm đó đều có chung một cảm nhận. Đó là, sự thân thiện qua từng ánh mắt, lời nói đến cử chỉ khiến người đối diện thấy tin cậy và luôn muốn chia sẻ. Chị kể: Thời trẻ, chị là một trong những thanh niên luôn hăng hái tham gia nhiệt tình các phong trào cách mạng tại địa phương. Sau ngày thống nhất, chị về làm Bí thư đoàn phường Hàm Tiến, đến năm 1984, chị chuyển về công tác ở Hội phụ nữ thị xã Phan Thiết (nay là TP Phan Thiết). Sau đó, chị đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội phụ nữ cho đến ngày về hưu năm 2005. Mấy chục năm công tác, chị đã gặp không biết bao nhiêu hoàn cảnh trớ trêu, kém may mắn trong cuộc đời, đặc biệt là những cô gái bán dâm và những người nghiện ma túy. Thế nên, song song với các công tác Hội, từ năm 1996 chị đã tham gia thêm với công việc của một giáo dục viên đồng đẳng, tuyên truyền và hướng dẫn phòng, chống HIV/AIDS cho những đối tượng này. Sau khi về hưu, tưởng rằng chị sẽ dành thời gian nghỉ ngơi nhưng chị vẫn tiếp tục theo đuổi công việc bấy lâu nay gắn bó. Chị nhớ lại: “Ngày ấy, tôi được Hội phụ nữ thị xã Phan Thiết cử đi gặp gỡ những cô gái đã hoàn lương ở trường dạy nghề của tỉnh, để vận động họ làm cộng tác viên cho chương trình. Lo lắng lắm chứ vì đó là những người ngại tiếp xúc, mở lòng với người khác chứ nói gì đến việc đi tuyên truyền thế này, thế nọ. Ban đầu, thuyết phục mãi chỉ có được 2
người tham gia, sau tăng lên 6 người và nay đã là 12 người”.
Kết quả ấy được đánh đổi bằng bao mồ hôi, công sức và lòng kiên trì của các chị suốt một thời gian dài. Có nghe chị chia sẻ mới hiểu hết được những nỗi vất vả của các giáo dục viên đồng đẳng. Tiếp xúc với gái mại dâm đã khó, đằng này còn thuyết phục họ hoàn lương hay sử dụng các biện pháp an toàn khi đi khách để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng càng khó khăn hơn bội phần. Mới đầu cứ nhìn thấy bóng dáng chị là họ bỏ đi nên chị phải kiên trì mỗi ngày tìm đến những địa điểm quen thuộc họ bắt khách để tìm gặp. Mưa dầm thấm lâu, cảm được tấm lòng và sự chân thành của chị, những cô gái bán dâm bắt đầu mở lòng. Chị hiểu mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau xô đẩy nên người nào có thể hoàn lương được, chị khuyên nhủ hết lòng, ai vẫn buộc phải theo nghề thì được chị hướng dẫn kỹ càng các biện pháp phòng tránh HIV/AIDS cũng như các bệnh lây qua đường tình dục. Thậm chí, ngay cả khách mua dâm chị cũng sẵn sàng tư
vấn, nếu có yêu cầu.
Chị kể, ban đầu có cô còn ngang bướng lắm, nói thì lánh mặt không chịu nghe, phát bao cao su cũng không nhận, nhưng sau đó thì biết, mình làm thế là sai và đã biết bảo vệ mình trước các hành vi lây bệnh. Những cô gái làm nghề bán thân nuôi miệng như họ có vô vàn lý do xô đẩy đến với “nghề”. Phần nhiều trong số họ là học vấn thấp, không kiếm được một nghề nghiệp ổn định, tình yêu thường trắc trở, ăn tiêu không tính toán hoặc nhiều cô lại sa vào bài bạc, nghiện ngập rồi trượt dài trên con đường nhơ nhớp này. Họ có thể mang cái vẻ bề ngoài tỏ ra bất cần đời, tính tình ngang bướng, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ cũng như bao người phụ nữ bình thường khác: đa cảm, khát khao một tình yêu chung thủy, một mái ấm gia đình và những đứa trẻ bi bô gọi mẹ. Bằng cả sự cương quyết và mềm dẻo “rất phụ nữ” của mình, chị đến với họ không chỉ với tư cách của một người làm nhiệm vụ giáo dục viên đồng đẳng mà còn là người mẹ, người chị đầy yêu thương và cảm thông. Chị vẫn thường nói với họ rằng: “Tôi và các giáo dục viên đồng đẳng ra đây rất mong các em hoàn lương, nhưng nếu vì một lí do nào đó chưa hoàn lương được, thì giúp các em biết bảo vệ mình khỏi nhiễm HIV. Tôi sẽ chỉ cho các em đến những nơi mà người ta sẵn sàng tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí hoàn toàn cho các em và đón tiếp, đối xử một cách rất tử tế, văn
hóa”.
Hướng tới tương lai
Có nhiều cô sau khi nghe chị tâm tình, tư vấn, hôm sau đã điện thoại, nhờ chị đưa đến Trung tâm phòng, chống HIV để khám phụ khoa, xét nghiệm máu. Dù đã chai sạn với cuộc đời này nhưng họ đều bật khóc khi một người phụ nữ xa lạ lại có thể đồng cảm và quan tâm mình đến thế. Có người không may mắn, lây nhiễm HIV, đã có chị ở bên động viên tinh thần lấy lại sự lạc quan và tin tưởng để yên tâm chữa bệnh. Hiện nay công việc phụ trách 12 giáo dục viên đồng đẳng trong nhóm khá bận rộn nhưng chị vẫn dành ít nhất 4 lần/tuần để đi thực tế cùng các chị. Ngoài nơi họ bắt khách, chị còn tìm đến tận nhà trọ của họ để tuyên truyền. Nhiều cô xấu hổ, e ngại sự dè bỉu của hàng xóm xung quanh đã hẹn chị ở những quán cà phê rất xa TP. Với mỗi người, chị luôn có những cách hành xử riêng khiến họ biết mình luôn được tôn trọng và có thể tin tưởng chị. Với những trường hợp quá khó khăn như quê xa, có bầu, chị chẳng ngại ngần giúp đỡ họ tiền bạc để có thể yên tâm trở về quê nhà sinh con và làm lại cuộc đời. Chị không nhớ hết những người mình đã giúp đỡ như thế nhưng nghĩ đến họ, chị
biết mình đang làm một công việc rất đúng đắn và thiết thực.
Cũng với tấm lòng nhân hậu đó, chị tìm đến với cả người nghiện ma túy trên địa bàn. Trước tiên là tạo lòng tin cho họ, rồi đến người thân trong gia đình để họ chịu cho chị gặp mặt và sau đó mới đến công tác tuyên truyền. Nhiều người tự ti, mặc cảm nên năm lần bảy lượt đi đi lại lại, họ mới đồng ý tiếp chuyện người luôn lo chuyện “bao đồng” nhà hàng xóm như chị. Chị giải thích cặn kẽ về nguy cơ lây lan căn bệnh thế kỉ khi dùng chung kim tiêm, quan hệ không an toàn với gái mại dâm rồi cung cấp địa chỉ phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí… để họ có thể tìm tới và chung tay cùng chị góp phần giảm tình trạng lây lan HIV trong cộng đồng. Suy nghĩ và nhận thức của những người hành nghề bán dâm và đối tượng nghiện hút đã có những sự chuyển biến tích cực trong suốt thời gian qua là một thành quả khiến chị hết sức tự hào và vui mừng. Hoạt động hiệu quả của nhóm được Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Bình Thuận đánh giá rất cao và trở thành mô hình điển hình để học tập và nhân rộng. Bản thân chị đã vinh dự được tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp giải
phóng phụ nữ và nhiều bằng khen về tham gia phòng, chống HIV/AIDS.
Mỗi tháng 2 lần, các thành viên của nhóm lại tề tựu đông đủ để sinh hoạt, kiểm tra đánh giá tình hình và đề ra kế hoạch hoạt đông cho tháng tới. Những vướng mắc, bất cập trong quá trình làm việc cũng được mổ xẻ kỹ càng và tìm cách tháo gỡ để tăng thêm hiệu quả tuyên truyền trong cộng đồng. Trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục mở rộng thêm thành viên để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV ở cộng đồng. Trách nhiệm sẽ nặng nề hơn, hỏi chị có lo vất vả hơn không, chị chỉ nhỏ nhẹ bảo rằng công việc chị đang làm sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho họ và mọi người xung quanh nên dù mệt, dù vất vả thế nào chị sẽ không bao giờ từ bỏ. Chị may mắn có được một hậu phương vững chắc là người chồng hết mực yêu thương ủng hộ chị yên tâm tham gia công tác. Cậu con trai đang là sinh viên năm thứ nhất của trường ĐH Sư phạm TP HCM chính là nguồn hạnh phúc vô bờ bến của chị. Được yêu thương và bình yên trong tổ ấm của mình nên chị càng hiểu và đồng cảm với những người phụ nữ kém may mắn hơn mình trong xã hội. Và từ một người xa lạ, chị đã trở thành người thân của họ và sưởi ấm trái tim băng giá, chai sạn, giúp họ có thể tìm lại ánh sáng cho cuộc đời, cho
tương lai dài đang chờ đợi phía trước.
An Linh – Ngọc Linh
http://phapluatxahoi.vn/...o-duc-vien-dong-dang.htm
|