Giữa trưa nắng oi ả của mùa hè phương nam, chúng tôi len
lỏi đi vào con hẻm của phường 11 (quận 12) để tìm quán cơm tên gọi "Quán
Hoa" -đó cũng là tên của nhóm tự lực gồm 15 phụ nữ có hoàn cảnh khác
nhau nhưng cùng chung số phận không may mắn - bị nhiễm HIV. Tiếp chuyện
chúng tôi là chị Nguyễn Thanh Hoài, một phụ nữ có gương mặt phúc hậu,
giọng nói nhẹ nhàng và là trưởng nhóm tự lực. Chị kể: Nhóm có 15 người,
mỗi người có cuộc đời khác nhau và đều mang trong mình căn bệnh thế kỷ.
Quán Hoa là quán cơm mưu sinh của cả nhóm. Mang bệnh trong người, vất vả
với cuộc sống mưu sinh hằng ngày, nhưng chúng tôi vẫn lạc quan, tin yêu
cuộc sống, cho nên mới quyết định đặt tên nhóm là Quán Hoa. Giọng chậm
rãi, chị kể về cuộc đời mình. Là một giáo viên cấp 2, sinh ra và lớn lên
tại tỉnh Kiên Giang. Sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi Trường
đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, chị chỉ có một ước muốn được dạy học,
được đem kiến thức truyền dạy đến những học sinh thân yêu của mình trên
mảnh đất quê hương. Tình yêu sét đánh đến với chị khi chị đứng trên bục
giảng được một năm. Anh là một người đàn ông có công việc ổn định và
sống trách nhiệm. Khi đến với chị, anh đã kể về cái thời nông nổi, từng
theo chúng bạn nghiện hút, nhưng bằng nghị lực anh đã cai được. Chị tin
và đến với anh với niềm tin có chị, anh sẽ không quay lại con đường đó.
Cuộc sống giản dị, hạnh phúc êm đềm trôi qua, hai năm sau chị có bầu.
Anh hạnh phúc như đứa trẻ, quanh quẩn bên chị suốt ngày, chăm chút từng
bữa cơm, sức khỏe cho chị. Hạnh phúc tưởng chừng như nhân đôi. Khi chị
có bầu được bảy tháng, bệnh viện nơi chị khám yêu cầu chị thử máu trước
khi sinh. Sau khi nhận kết quả, biết mình bị nhiễm HIV, chị ngất luôn
tại bệnh viện. Và, sau đó là chuỗi ngày địa ngục đối với chị. Chị không
trách gì anh, bởi đến với nhau chị coi là số phận. Chị trách mình
không thử máu trước khi muốn có thai, để bây giờ đứa con chị mang trong
bụng cũng bị nhiễm HIV. Hai năm sau cả anh và con cùng ra đi, để chị
lại một mình cô đơn. Hai tháng trời, đêm cũng như ngày, chị chỉ khóc.
Một năm trời chị loanh quanh trong nhà. Ðến một hôm chị thấy trong
người mệt mỏi, chị mới đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ đã tư vấn và
động viên chị rất nhiều. Chị nghĩ, người thân yêu của chị đã ra đi, chị
không thể sống vô ích, chị phải sống thật tốt, thật khỏe để những người
thân yêu mỉm cười nơi chín suối. Nghĩ là làm, chị bắt xe lên Sài Gòn,
thuê nhà và mở quán cơm bình dân, tối chị tham gia nhóm tự lực tại quận
1. Sinh hoạt nhóm được một thời gian, với những kiến thức được học, chị
đã tuyên truyền cho chị em trong phường. Với những chị em mắc căn bệnh
thế kỷ như mình, chị nhẹ nhàng khuyên nhủ để họ sống có ích hơn. Năm
2002, chị mạnh dạn thành lập nhóm tự lực với năm thành viên là những
phụ nữ bị nhiễm HIV tại địa bàn. Ðến nay đã lên đến 15 người, độ tuổi từ
30 đến 50, bị lây nhiễm HIV từ chồng. Mỗi thành viên được kết nạp vào
nhóm đều được những chị em đi trước tư vấn, chăm sóc, đưa đón khám chữa
bệnh... Chị nói vui, 15 chị em chúng tôi là những bông hoa xương rồng
với sức sống mãnh liệt. Mang trong mình căn bệnh nan y nhưng các chị
không nản, không sống vô trách nhiệm. Mỗi một ngày, một giờ sống, họ sẽ
cố gắng sống có ích và sống tốt hơn. Ðể có cuộc sống hôm nay, đó là điều
kỳ diệu đối với họ. Họ đã vượt qua chính mình để đi từ bóng đêm về
phía mặt trời.
Chị Nguyễn Phương Thanh, sinh năm 1970, có
gương mặt xương xương, đôi mắt sâu thăm thẳm. Nhìn chị vẫn còn phảng
phất nét đẹp của thời con gái. Chị chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại mảnh
đất Sài Gòn, 20 tuổi lấy chồng, 30 tuổi chồng chết, mấy tháng sau con
chị cũng đi theo ba nó. 10 năm trời sống bên người chồng nghiện ngập là
những ngày khổ cực của chị. Hai năm đầu lấy nhau, được bố mẹ hai bên
cho chút vốn làm ăn, còn có của ăn, của để... Những năm tháng về sau ăn
đong từng bữa. Bao nhiêu tiền bị chồng nướng hết vào hút, chích. Năm
tháng cuối đời, khi mang căn bệnh thế kỷ, anh đã ra đi trong ân hận.
Mặc dù khi còn sống bên nhau là gánh nặng, nhưng khi chồng và con ra đi,
chị hụt hẫng và chán nản. Chị được sống lần thứ hai chính là nhờ có
chị Hoài. Trước đây chị không dám công khai danh tính, nhưng trong những
lần gặp chị Hoài, được chị tư vấn, khuyên nhủ, bây giờ chị hiểu đây
là căn bệnh thế kỷ không việc gì phải giấu giếm. Công khai danh tính
như vậy, mọi người sẽ hiểu, tôn trọng và hiệu quả truyền thông sẽ tốt
hơn.
Gặp các chị em trong nhóm Quán Hoa, qua câu chuyện các
chị kể, chúng tôi hiểu phần nào cuộc sống cay đắng khi các chị chưa
tham gia nhóm tự lực. Và hôm nay khi gặp, nói chuyện, nhìn trên gương
mặt, giọng nói các chị đầy sự phấn khởi, hân hoan, chúng tôi không thấy
có biểu hiện nào của sự chán nản khi mà họ đang mang trong mình căn bệnh
thế kỷ.