  Danh hiệu: Thành viên gắn bóNhóm: Thành viên chính thức, Người điều hành chung, Tham vấn viên Diễn đàn
Gia nhập: 27-04-2012(UTC) Bài viết: 1.990  Đến từ: Nơi không mang tên Thanks: 1182 times Được cảm ơn: 1329 lần trong 849 bài viết
|
Công tác chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS: Những điều chưa kể
16/12/2013 - 02:34:15
Nhắc đến HIV/AIDS, hầu như ai cũng có suy nghĩ là cần đề phòng hoặc tránh xa. Thế nhưng, với cán bộ y tế của Bệnh viện Chăm sóc và Điều trị bệnh nhân HIV/AIDS Hà Nội - Bệnh viện 09 (tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) thì tiếp xúc và chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là công việc hàng ngày. Từng ngày, từng giờ, họ vẫn sát cánh cùng bệnh nhân, thầm lặng chiến đấu với căn bệnh thế kỷ, điều mà không phải ai cũng có thể làm được.
Những số phận cay đắng
Phía ngoài cánh cổng sắt của Bệnh viện 09, dòng người, xe cộ vẫn tấp nập qua lại, thế nhưng bước qua cánh cổng ấy là một cuộc sống khác: lặng lẽ, trầm buồn, thậm chí có phần hiu hắt.
Dạo một vòng quanh bệnh viện, chúng tôi được chứng kiến sự chăm sóc tận tình của cán bộ y tế với bệnh nhân HIV/AIDS. Và khi trò chuyện với họ, chúng tôi càng cảm phục hơn tấm lòng của y - bác sỹ nơi đây. Thay vì than khổ, than khó, họ dành nhiều thời gian để chia sẻ, cảm thông với những đau đớn mà bệnh nhân HIV/AIDS phải gánh chịu.
Điều dưỡng Bùi Thị Y. tâm sự: “Tôi vào làm việc tại đây được 3 năm, quãng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để hiểu công việc của mình. Ban đầu, cũng giống như tâm lý của nhiều người, tôi sợ và ái ngại khi tiếp xúc với bệnh nhân HIV. Nhưng qua một thời gian, hiểu họ hơn, tôi cũng yêu nghề hơn và biết cảm thông với nỗi đau của họ. Bệnh nhân ở đây đến từ nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều chung một nỗi buồn: bị gia đình và xã hội xa lánh. Trước khi chết không một người thân bên cạnh; khi đó, cái chết mới trở nên khủng khiếp đối với họ đến nhường nào”.
Chị P. là y tá có thâm niên, gắn bó với bệnh viện 6 năm, tâm sự: Đa phần bệnh nhân ở đây có hoàn cảnh rất éo le, cuộc sống có nhiều nỗi buồn, nhưng buồn nhất là khi mất, nhiều người không có ai thân thích. Khi mắc bệnh, do mặc cảm, tự ti và bị người thân xa lánh, họ sống vất vưởng ngoài đường, khi được công an đưa vào bệnh viện thì bệnh đã nặng, không còn cảm giác. Lúc đó chúng tôi rất mong bệnh nhân tỉnh lại để hỏi về thông tin gia đình nhưng nhiều người không bao giờ tỉnh lại. Không người thân bên cạnh, chiếc xe tang đưa thi hài về Văn Điển chỉ có những bệnh nhân của bệnh viện, họ là những người đi sau.
“Bệnh nhân HIV khi đến giai đoạn cuối thường rơi vào trạng thái tâm thần, họ không kiểm soát được hành vi, họ chửi bới tất cả mọi người, từ chối điều trị. Có bệnh nhân sau khi bệnh quá nặng đã được người nhà cho về gia đình, mấy ngày sau, mẹ của bệnh nhân lên tìm tôi và muốn gửi lời xin lỗi vì đã hết lòng chăm sóc, sau đó bà có đưa cho tôi 50.000 đồng và nói: “Gia đình tôi nghèo không có gì để cảm ơn cô, chúng tôi chỉ biết cảm ơn cô bằng này thôi”. Dù tôi đã cố giải thích và từ chối nhưng họ nói rằng: “Đó là di nguyện cuối cùng của con trai tôi trước khi mất, mong chị đừng từ chối”. Tôi biết, trong đó chứa đựng nhiều điều không thể nói”, chị P. nghẹn ngào kể.
“Đó cũng là một trong những lý do vì sao chúng tôi gắn bó với nghề, chúng tôi yêu nghề, thông cảm với bệnh nhân, coi họ là thành viên trong gia đình. Thời gian chúng tôi ở bên cạnh bệnh nhân bằng thời gian chúng tôi về với gia đình. Khi xã hội và ngay cả gia đình bệnh nhân cũng từ chối mà chúng tôi cũng thờ ơ với họ thì họ biết nương tựa vào đâu”, chị Y. xúc động nói
Cuộc chiến thầm lặng
Bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối sức đề kháng kém nên rất nhiều bệnh đổ về một lúc và có những biến chứng bất thường. Bác sĩ thường xuyên phải theo dõi tình hình bệnh nhân để kịp thời điều chỉnh phương thức điều trị; khi bệnh nặng không thể ăn uống, cán bộ y tế và các bệnh nhân khỏe trong phòng phải giúp và an ủi, động viên họ ăn và uống thuốc đầy đủ.
Bác sĩ Trần Đình L. cho biết: “Nhiều bệnh nhân bất cần nên từ chối điều trị, nhưng khi chúng tôi tư vấn, phân tích, khuyên nhủ họ mới đồng ý ở lại. Ngoài công tác chữa trị, công tác tư vấn, động viên, điều trị tâm lý quyết định rất nhiều đến vấn đề hồi phục sức khỏe của bệnh nhân”.
Đối với y - bác sỹ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, khả năng phơi nhiễm HIV và lao là rất lớn dù đã có các biện pháp bảo vệ. Y tá P. kể: “Khi mới vào nghề, trong ca trực có một bệnh nhân qua đời, một mình tôi phải tự xử lý thi hài; bệnh nhân không có người nhà, dù không có đồng nghiệp hỗ trợ nhưng khi đó tôi chỉ thấy thương cảm và tự dặn lòng phải làm thật chu đáo và nhờ những người bệnh khác theo xe tang đưa xuống Văn Điển”.
“Dù khó khăn thế nào chúng tôi cũng chịu được, chỉ thương bệnh nhân ở đây, mỗi ngày họ chỉ được Nhà nước hỗ trợ 15.000 đồng tiền ăn, khi nào có các nhà từ thiện hoặc doanh nghiệp hỗ trợ, bữa ăn của bệnh nhân mới được cải thiện. Những ngày như thế không nhiều, còn lại bữa ăn của họ rất đạm bạc, ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị”, Bác sĩ Trần Đình L. nói.
Chị Y. tâm sự: “Nhiều khi bệnh nhân ốm, sốt cao không ăn nổi cháo, chúng tôi lại bỏ tiền ra mua cho họ hộp sữa, tô phở”.
Chiều mùa đông, khi ánh nắng cuối ngày sắp tắt, chúng tôi rời Bệnh viện 09, trong lòng có nhiều cảm xúc đan xen. Thầm cảm phục sự hy sinh của y - bác sỹ nơi đây, mong cuộc sống này có nhiều hơn những tấm lòng như thế...
Bệnh viện 09 có quy mô 100 giường bệnh, 4 phòng chức năng và 10 khoa chuyên môn. Ngoài nhiệm vụ chính là khám, chữa bệnh cho người lây nhiễm HIV và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối đang cư trú hợp pháp trên địa bàn TP. Hà Nội, bệnh viện còn có chức năng nghiên cứu khoa học, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực phòng chống, khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS...
Từ khi thành lập bệnh viện (2005) đến nay, đã có 4 cán bộ bị nhiễm lao và 4 cán bộ bị phơi nhiễm HIV khi chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do phát hiện kịp thời nên 4 cán bộ bị phơi nhiễm HIV đã được uống thuốc phòng chống phơi nhiễm HIV, đến nay cả 4 người đều không bị nhiễm bệnh.
Năm 2011, bệnh viện có 757 bệnh nhân thì có tới 71 trường hợp tử vong do AIDS; năm 2012 có 766 bệnh nhân thì có 91 trường hợp tử vong do AIDS.
|
Nguồn : https://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=2&cad=rja&uact=8&ved=0CC0QFjAB&url=http%3A%2F%2Fwww.kinhtenongthon.com.vn%2FStory%2Fxahoi%2F2013%2F12%2F45134.html&ei=OscnU-3aBpGfiAf5sYCAAQ&usg=AFQjCNHlW-XfICrYulU7lBxR6X8MbV5dQw
|
thông tin thuốc Phơi nhiễm pep và arv bậc 1 , thuốc điều trị viêm gan C và B , tư vấn methadone: 0931 577 808( Mèo )
|