Trong quá trình đi thực tế, thực hiện loạt bài phóng sự này, chúng tôi đã gặp nhiều trẻ em bị nhiễm HIV. Trò chuyện với các em, chúng tôi nhận thấy các em là những đứa trẻ bình thường như bao trẻ khác. Thế nhưng, dưới ánh mắt không mấy thiện cảm và sự kỳ thị của nhiều người đã tạo áp lực tâm lý nặng nề cho các trẻ. Trong khi đó, nhiễm HIV không phải lỗi của các em.
 |
Trẻ em nhiễm HIV rất cần sự thông cảm, sẻ chia từ xã hội. Trong ảnh: Em Lê Văn H. (thứ 2, từ phải qua) được các bảo mẫu ở Trung tâm bảo trợ trẻ em Vũng Tàu chăm sóc cẩn thận. |
Kỳ thị - nỗi đau vô hình
“Hồi mới vào lớp 1, em bị cô giáo sắp xếp ngồi ở cuối lớp và một mình em ngồi một bàn. Em thấy lạ, vì các bạn trong lớp đều ngồi 2 người một bàn. Khi đó, em còn nhỏ nên chưa hiểu vì sao cô giáo cho em ngồi như thế. Sau này em biết mình bị nhiễm HIV nên mới hiểu vì sao cô giáo lại phân biệt đối xử với mình. Em đã phải ngồi một mình ở lớp học suốt 4 năm nay. Em tủi thân lắm”. H. đã nói như vậy với giọng thật buồn, có cái gì đó u tối, ám ảnh trong mắt em, đè nặng lên tâm hồn còn quá ngây thơ, trong trắng của cậu học trò nhỏ. 12 tuổi, H. đang theo học lớp 4 tại một trường tiểu học ở TP.Vũng Tàu. Dáng người nhỏ nhắn nhưng trông H. rất nhanh nhẹn, gương mặt khôi ngô. Thế nhưng, em lại rất ngại nói chuyện với người lạ. Mặt cúi xuống đất, ánh mắt đượm buồn, H. thẹn thùng, thỏ thẻ kể, em bị nhiễm HIV từ lúc còn nhỏ, bố mẹ em cũng đã mất do căn bệnh này nên H. được Trung tâm bảo trợ trẻ em Vũng Tàu nhận nuôi dưỡng đến nay đã hơn 6 năm. Ở đây, em được các cô và bạn bè thương yêu, quan tâm và chia sẻ hoàn cảnh nên H. cảm thấy được an ủi phần nào. Thế nhưng trong suy nghĩ, H. luôn ám ảnh bởi sự kỳ thị, phân biệt từ cô giáo và phần nào đó đã ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe và kết quả học tập của em. H. tâm sự tiếp, hiện các bạn trong lớp chưa ai phát hiện ra em bị nhiễm HIV nên vẫn chơi đùa bình thường với em. Nhưng H. luôn có cảm giác sợ hãi khi bị phát hiện ra căn bệnh đang mang trong người, các bạn sẽ chê cười, trêu chọc, xa lánh, không còn ai chơi với em. “Nếu một ngày nào đó, các bạn trong lớp phát hiện ra em bị nhiễm HIV thì bố mẹ các bạn sẽ không cho chơi với em, xa lánh em, có bạn sẽ chuyển lớp, khi đó em sẽ đơn độc. Em rất sợ chuyện này xảy ra, nếu xảy ra, em sẽ không đi học nữa”, H. lo lắng nói.
Ngoài việc bị người khác kỳ thị, phân biệt đối xử thì ngay cả gia đình và chính bản thân các trẻ nhiễm HIV cũng tạo sự kỳ thị cho mình. Bố mẹ không cho các em tiếp xúc với thế giới bên ngoài, còn các em lại mặc cảm, xấu hổ với bệnh tật nên cũng không tự tin giao tiếp với mọi người, sống tách biệt, kín đáo trong nhà.
Em Đặng Thị Th., 7 tuổi, (ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) cũng bị nhiễm HIV từ mẹ. Vì thế, cuộc sống của em gặp nhiều khó khăn. Dường như sau thời gian đi học ở trường, Th. không nói chuyện, tiếp xúc với ai ngoài mẹ mình. Th. giải thích, do mẹ của em thường xuyên căn dặn không được trò chuyện với ai. Ngay cả khi đi học, mẹ của Th. cũng cấm không cho em chơi thân với bất kỳ ai trong lớp. Điều này khiến em rất khó chịu và thắc mắc nhưng mẹ của em vẫn chưa trả lời cho em biết vì sao. Th. cứ sống thui thủi một mình như thế mấy năm nay. Em mếu máo kể tiếp, cứ mỗi lần em nói chuyện với bạn bè hay ai đó, mẹ bắt gặp là mẹ la mắng, khiến em không có bạn bè, các bạn cũng không muốn chơi với em. Có lần, em bị mẹ đánh sưng vù mông chỉ vì đòi đi chơi với các bạn trong xóm. Thương con không có bạn nhưng chị H., mẹ Th. không muốn để em tiếp xúc với nhiều người. Chị rất sợ, con mình bị mọi người dòm ngó, kỳ thị sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của em. “Tôi biết, nếu mọi người biết mẹ con tôi nhiễm HIV thì họ sẽ có thái độ xa lánh, coi thường chúng tôi, đây là chuyện bình thường. Vì vậy, Th. đang nhỏ nên tôi không muốn ai biết cháu bị bệnh, chẳng thà chúng tôi tự kỳ thị bản thân mình, sống kép kín với bên ngoài còn hơn để người khác nhòm ngó, thương cảm hay khinh ghét, cuộc sống chúng tôi sẽ bị xáo trộn, áp lực tâm lý nặng nề hơn”, chị H. nói với tâm trạng khó diễn tả, đầy nỗi buồn tủi.
 |
Trẻ em nhiễm HIV cần được hướng dẫn để mạnh dạn hòa nhập với môi trường bên ngoài. Trong ảnh: Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS phường 6 (TP.Vũng Tàu) tham gia hoạt động vui chơi trong dịp hè. |
Chuyện nhỏ nhưng hậu quả lớn
Trong quá trình thực hiện bài phóng sự này, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một số bậc phụ huynh về vấn đề liên quan đến trẻ em nhiễm HIV. Qua thăm dò, tâm lý của đa số phụ huynh cho rằng, trẻ nhiễm HIV thì không nên đến trường và họ cũng không muốn cho con em của mình học chung lớp với trẻ nhiễm HIV, vì sợ lây nhiễm, đây là điều dễ hiểu. Bởi cha mẹ nào cũng muốn con mình được an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, HIV không phải là căn bệnh dễ lây, nhất là khi cả người nhiễm và cộng đồng biết cách phòng, chống. Kỳ thị, xa lánh với người nhiễm HIV lại có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Một bảo mẫu tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu tiết lộ, không chỉ có trẻ bị nhiễm HIV bị kỳ thị mà ngay những người trực tiếp chăm sóc các em cũng bị người đời soi mói, có sự nhìn nhận không mấy tốt đẹp về công việc này. Trước sự kỳ thị đó, các cô càng thương trẻ và tận tụy chăm sóc các em hơn.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Từ chối tuyển dụng vì lý do người lao động nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV, trừ một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng theo quy định của pháp luật; Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vào học trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vì lý do nhiễm HIV hoặc thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV; Từ chối tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào cơ sở bảo trợ xã hội vì lý do nhiễm HIV; Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được giám hộ nhiễm HIV; Tách biệt, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia hoạt động, dịch vụ của cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vì lý do nhiễm HIV hoặc thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV; Phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV.
  Theo Nghị định 176 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, phân biệt đối xử, kỳ thị người bị nhiễm HIV)
|
Thực tế cho thấy, không riêng gì người lớn mà trẻ em bị nhiễm HIV luôn mặc cảm và họ cũng tự kỷ với chính tình trạng của bản thân. Vì vậy, các em rất ngại tiếp xúc với mọi người nên tâm lý chung của người nhiễm HIV là luôn dấu diếm, che đậy, thiếu hòa nhập với cộng đồng. Các em luôn tìm cách che giấu bản thân nên hạn chế tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị để tự bảo vệ bản thân và những người khác. Hành động đó có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Những trường hợp khác nguy cơ lây nhiễm cao như, trẻ có bố hoặc mẹ nhiễm HIV, hoặc sống chung với người nhiễm nhưng vì sự kỳ thị người thân không giám đưa các em đi xét nghiệm để điều trị. Mặt khác, đa số trẻ bị nhiễm HIV có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không ít trường hợp mồ côi cả cha lẫn mẹ. Vì thế, các em không được đi học nên bị hạn chế nhận thức dễ bị người xấu rủ rê, lôi kéo, dễ rơi vào tệ nạn xã hội.
Bài, ảnh: HOÀNG HƯỜNG
Kỳ thị làm tổn thương trẻ
Khi phát hiện mình bị nhiễm HIV, các trẻ đều có tâm lý bình thường, không suy sụp như người lớn. Bởi lẽ, các em còn quá bé, chưa hiểu hết được mức độ nghiêm trọng và hậu quả của căn bệnh này gây ra nên dễ chấp nhận thực tế. Nhưng khi bị kỳ thị, xa lánh hay trêu chọc thì các em dần có tâm lý phản kháng, bất mãn, dễ nóng giận và đánh lộn từ đó dễ gây hậu quả nghiêm trọng và nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Một số em khác thì co mình lại, không muốn tiếp xúc với ai, dễ trầm cảm và không có cơ hội phát triển như những trẻ bình thường khác. Vì vậy, mọi người nên cư xử với các em như những trẻ khác.
(Chuyên viên tâm lý Lê Khanh, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tư vấn tâm lý - đào tạo kỹ năng Rồng Việt Vũng Tàu)
|
Bài 3: Cần sự quan tâm, chăm sóc của toàn xã hội