Không chỉ tạo công ăn việc làm, giúp những người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, hoạt động cho vay vốn tạo sinh kế cho người nhiễm HIV của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS được triển khai tại Vĩnh Phúc còn mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao.
Từ hỗ trợ nguồn vốn quy mô nhỏ...
Trong những năm qua, với sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực điều trị và chăm sóc y tế đối với người bị nhiễm HIV đã và đang giúp những người nhiễm HIV kéo dài tuổi thọ, cải thiện sức khỏe và được trở về hòa nhập với cuộc sống. Cũng theo đó, nhu cầu việc làm của họ ngày càng lên cao.
Tuy nhiên, sự kỳ thị, phân biệt đối xử cũng như tình trạng sức khỏe khiến những người nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc ổn định, lâu dài. Vì vậy, để tạo sinh kế cho những người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, năm 2011, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam được triển khai tại Vĩnh Phúc với nhiều nội dung như thiết lập và mở rộng gói dịch vụ dự phòng HIV, mở rộng tăng cường các dịch vụ điều trị, chăm sóc và hỗ trợ HIV; tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, tăng cường xây dựng năng lực xã hội dân sự và năng lực thể chế…
Dự án tập trung hướng tới phát triển các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs) trên địa bàn để vươn tới cộng đồng, dựa vào CBOs để tập huấn về kỹ năng hỗ trợ tâm lý cho người nhiễm và tổ chức các hoạt động khuyến khích lối sống lành mạnh, sống tích cực cho người nhiễm HIV. Đồng thời, tiến tới lồng ghép phát triển mô hình sinh kế cá nhân và sinh kế nhóm, hỗ trợ phát triển sinh kế, mở rộng cơ hội việc làm cho người nhiễm HIV, nhằm cải thiện thu nhập và vị thế của họ trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ.
Sau 3 năm triển khai, đến nay, nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển sinh kế cho người nhiễm HIV của Vĩnh Phúc đã lên tới 662 triệu đồng. Thông qua số vốn này, các cá nhân đã tự phát triển các mô hình sinh kế chủ yếu như chăn nuôi, may, xay xát, làm chậu cảnh…
Theo báo cáo kết quả thực hiện dự án trong năm 2013, không có sự thay đổi mô hình sinh kế cá nhân so bản đề suất vay vốn ban đầu. Các mô hình sinh kế cá nhân năm 2011, 2012 vẫn tiếp tục phát triển, mang lại nhiều nguồn lợi cho các hộ gia đình. Một số hộ gia đình đã tăng gia sản xuất, mở rộng mô hình kinh doanh. Những hộ vay vốn năm 2011 đã bắt đầu có khả năng hoàn trả vốn ban đầu.
Cá nhân là thành viên của các nhóm CBO được vay tối đa 10 triệu đồng trong 3 năm, không phải trả lãi, và cho vay dựa trên đánh giá nhu cầu, của các thành viên khó khăn trong nhóm. Anh Nguyễn Trung Tùng, trưởng nhóm Vì ngày mai Vĩnh Yên cho biết: “Hiện nay, trong nhóm đã có 20 hộ được vay vốn. Số tiền tuy nhỏ, song chỉ cần thêm thắt chút vốn, các cá nhân có thể mua lợn, bò, gà phát triển chăn nuôi, làm nghề may, hay có vốn buôn bán. Nhìn chung, ngoài các hộ nuôi gà, vịt năm ngoái gặp khó khăn, các hộ còn lại đều có hiệu quả kinh tế tốt”.
Được biết, số vốn được hoàn trả sau 3 năm sẽ được nhóm luân chuyển cho các thành viên khác trong nhóm vay, tiếp tục phát triển kinh tế. Tham gia vay vốn, các cá nhân được đảm bảo giữ bí mật thông tin, đồng thời thông qua các trưởng nhóm CBO giám sát liên tục các hoạt động sinh kế cá nhân của các thành viên vay vốn.
Không chỉ hỗ trợ phát triển mô hình sinh kế cá nhân, dự án cũng quan tâm tới việc cho vay, phát triển các mô hình sinh kế nhóm. Hiện có 2 nhóm đã có mô hình sinh kế nhóm là nhóm Vì ngày mai Sông Lô và nhóm Vì ngày mai Vĩnh Yên. Với 70 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ phát triển sinh kế nhóm, các tiếp cận viên của nhóm Vì ngày mai Vĩnh Yên đã mua được máy móc, đá cảnh, vật liệu sản xuất. Đến nay, nhóm đã xây dựng được mô hình đá cảnh, chậu cảnh, tiểu cảnh…
Nhiều lợi ích lớn
10 triệu đồng tối đa cho một cá nhân vay, không phải là con số lớn, song những lợi ích mà nó mang lại lại không hề nhỏ. Lợi ích trước mắt có thể thấy đó là tạo công ăn việc làm, giúp những người nhiễm HIV độc lập về kinh tế, giảm gánh nặng cho gia đình.
Anh Tùng cho biết: “Đa phần các bạn trong nhóm đều có tay nghề, đều đã từng làm qua những công việc khác nhau, song không có đủ khả năng để tìm kiếm việc làm, ngoài bị kỳ thị, phân biệt đối xử, còn do bị bệnh nên sức khỏe yếu, có thể bị nhiễm trùng cơ hội. Nguồn vốn vay dù không nhiều, song là cơ hội để các bạn có thể tự mình đứng lên, phát triển kinh tế, đến nay, nhiều hộ đã có lợi nhuận, cải thiện đời sống kinh tế của của bản thân, gia đình”.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, nguồn vốn vay cho phát triển sinh kế đối với người nhiễm HIV, hoạt động cho vay vốn tạo sinh kế cho người nhiễm HIV còn mang ý nghĩ xã hội và nhân văn. Với những người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, họ thường bị kỳ thị, thậm chí bị coi là gánh nặng của xã hội.
Anh Tùng tâm sự: “Trong nhóm có nhiều bạn trước đây, dù chỉ 50 nghìn đồng cũng không vay nổi, nhờ có dự án này, các bạn được vay 10 triệu đồng, với những người bình thường có thể đó là một con số nhỏ, nhưng với những người nhiễm H, đó là cả một số tiền lớn. Nhờ số tiền đó, tinh thần các bạn lên cao, chăm chỉ làm ăn, sống tích cực hơn, và có ích hơn. Cũng từ đó dần thay đổi nhìn nhận, đánh giá của những người xung quanh đối với mình và giảm dần sự kì thị trong cộng đồng”.
Nguyễn Hường