Ông Kato, 45 tuổi, là một trong hai công nhân Uganda kiện CCCC ra tòa để đòi bồi thường hồi tháng 6. Người đàn ông được viên quản lý gọi vào văn phòng, sau đó bắt đi xét nghiệm và cuối cùng mất việc do kết quả dương tính với HIV. Lúc ông Kato mất việc là vào tháng 3-2016. Viên quản lý đề nghị ông ký vào đơn xin nghỉ việc.
Cha của 3 đứa con này từ chối tiết lộ tên đầy đủ vì sợ bị kỳ thị. Ông Kato nhớ lại thời điểm một nhóm 6 công nhân làm việc cùng mình được đưa tới một phòng khám ở thủ đô Kampala: "Nếu tôi không đi xét nghiệm, tôi sẽ bị đuổi việc. Chúng tôi phải đi cùng nhau bởi chúng tôi sợ mất việc".
Tòa án tối cao Uganda đã tiếp nhận đơn kiện của ông Kato và sẽ mở phiên xử đầu tiên vào ngày 16-8. Người đàn ông 45 tuổi và một nguyên đơn khác yêu cầu CCCC bồi thường 400 triệu shilling (khoảng 110.000 USD). Trước đó, nỗ lực dàn xếp với công ty của ông Kato đã thất bại.
Công nhân Uganda làm việc tại một dự án do CCCC làm nhà thầu. Ảnh: REUTERS
CCCC – một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới với trọng tâm là các dự án cơ sở hạ tầng – đã bác bỏ cáo buộc nói trên. Đại điện của tập đoàn khẳng định họ không bắt nhân viên đi kiểm tra sức khỏe: "Các cuộc kiểm tra y tế do nguyên đơn thực hiện, không liên quan đến công việc mà chỉ nhằm đảm bảo lợi ích sức khỏe của họ".
Quản lý hành chính của CCCC ở Uganda - Hao Yunfeng - cho biết công ty để nhân viên làm xét nghiệm HIV miễn phí và tự nguyện.
Ngoài ông Kato, nguyên đơn thứ hai – cô Alen, 27 tuổi – nói rằng mình bị sa thải sau 8 tháng làm công nhân vệ sinh tại CCCC với mức lương 300.000 shilling (83 USD)/tháng. Kể từ khi mất việc, người phụ nữ không thể tìm được một công việc toàn thời gian khác để lo cho đứa con 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, CCCC cho hay cô Alen bị sa thải sau khi nhận được cảnh báo về thành tích làm việc.
Cả hai nguyên đơn cũng khởi kiện do bị vi phạm quyền riêng tư bởi phòng khám sau khi xét nghiệm đã gửi kết quả cho CCCC chứ không phải họ.
Khoảng 1,5 triệu trong số 40 triệu người dân Uganda dương tính với HIV và sự kỳ thị đang lan rộng trên khắp cả nước.