Bạn đã từng tha thứ những sai lầm, từng chấp nhận những tật xấu của anh ấy, dẫu chẳng dễ dàng gì. Nhưng còn sự phản bội? Thật khó bỏ qua.
Bạn cảm thấy bị lừa dối, bị xúc phạm. Bạn những muốn đổ mọi bực bội vào anh ấy, còn với người đàn bà kia, bạn sẽ... Nhưng sự việc không đơn giản như vậy. Bởi bạn vẫn yêu anh ấy. Và còn những đứa con. Có thể làm gì để tình hình không xấu? Dưới đây là 8 lời khuyên bạn cần ghi nhớ.
Ðừng nổ lực tiếp xúc với "tình địch" bằng bất cứ con đường nào. "Nổi cơn tam bành" nơi công cộng càng không nên. Chồng bạn rất có thể ra mặt bảo vệ phía bên kia, và tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tốt nhất bạn nên tự thuyết phục mình rằng lỗi là ở cả ba người, trong đó có cả bạn nữa.
Ðừng sử dụng các con bạn như một thứ vũ khí để uy hiếp chồng. Những câu đe dọa kiểu "Nếu các con biết chuyện chúng sẽ nghĩ về anh như thế nào..." chỉ làm tình hình xấu đi. Các con bạn rất có thể sẽ biết chuyện thật và chắc chắn chúng sẽ rất đau lòng.
Ðừng ném quần áo của anh ấy ra ngoài cửa cũng như không nên đùng đùng xách vali về nhà mẹ đẻ. Bạn có nhớ câu "tức nước thì vỡ bờ" không? Bạn có thể sẽ dồn anh ấy vào bước đường cùng, anh ấysẽ làm liều đấy. Nếu thực lòng muốn cứu vãn gia đình, bạn phải hết sức bình tĩnh tìm cách nói chuyện thẳng thắn với chồng. Bạn nên chủ động đi bước đầu tiên. Anh ấy sẽ thấy nể trọng bạn hơn và thế là bạn đã ghi được một điểm rồi đấy.
Ðừng đưa ra cho anh ấy những câu điều kiện. Kiểu như: "Anh hãy chọn đi. Hoặc là tôi hoặc là cô ấy... "Bởi lẽ trên lý thuyết lúc nào cũng tồn tại một khả năng người được chọn... không phải là bạn. Nếu thực chất bạn muốn hai người cùng vượt qua cuộc khủng hoảng này, trước tiên bạn phả tự tin vào bản thân và vượt qua tức giận. Ðiều này rất khó nhưng nhất định bạn phải thử sức.
Ðừng dằn vặt chồng. Khi anh ấy đã chấp nhận "đối thoại" nghĩa là anh ấy đã bắt đầu thấy hối hận. Vì vậy bạn đừng suốt ngày làm anh ấy dằn vặt bằng những câu hỏi xem đối tượng là người như thế nào, hai người quen nhau ở đâu, thường gặp nhau khi nào... Hãy cố đừng nghĩ đến điều đó và coi đó là quá khứ. Tốt hơn là hãy hướng về tương lai, về vấn đề là làm sao cùng anh ấy vượt qua tình huống éo le.
Ðừng cố bắt chước "đối thủ". Trong bất cứ trường hợp nào cũng đừng ép mình phải giống "người ấy". Hãy duy trì cách sống, cách ăn mặc của mình. Ðã có thời gian anh ấy yêu chính con người bạn như bây giờ phải không nào? Bạn sợ mình không còn trẻ trung? Thì bản thân anh ấy cũng già không kém gì bạn mà...
Cũng đừng quá hiền lành, nhẫn nhục. Không nên đóng vai một người cao thượng, có thể tha thứ tất cả. Ðiều đó không giúp được gì mà có khi lại làm anh ấy "càng lấn tới". Hãy làm cho anh ấy hiểu rằng chỉ có thể có được sự tha thứ sau khi đã đối thoại và giải thích rõ ràng mọi chuyện.
Xem xét lại mình. Hãy nhớ rằng, sở dĩ có sự phản bội là vì trong cuộc hôn nhân của hai người, hoặc là trong bạn, từ lâu đã có cái gì đó không ổn. Bạn nên xem xét lại một các thẳng thắn, khách quan và thử làm cái gì đó để thay đổi. Tất nhiên, trong phần nhiều các trường hợp sẽ không bao giờ còn được như thời "hoàng kim", nhưng cũng có trường hợp lại trở nên tốt đẹp hơn.Tất cả bí quyết đều ở chỗ "Cái gì tha thứ được thì hãy tha thứ, cái gì quên được thì hãy quên nó đi"
(Theo Tư vấn tiêu dùng)