Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline toanhuynh  
#1 Đã gửi : 26/05/2004 lúc 01:11:41(UTC)
toanhuynh

Danh hiệu: Thành viên mới

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 10-05-2004(UTC)
Bài viết: 24

Được cảm ơn: 7 lần trong 1 bài viết

Câu hỏi 9. Bệnh AIDS được phát hiện khi nào? ở đâu? Trên thế giới hiện có bao nhiêu người mắc căn bệnh này?

Trả lời:

Mẫu máu có HIV dương tính được phát hiện đầu tiên vào năm 1959 tại Zaise - châu Phi. Mãi đến năm 1981, bệnh AIDS trên lâm sàng được phát hiện đầu tiên tại Mỹ. Ðó là 5 trường hợp đồng tính luyến ái nam bị viêm phổi nặng ở Los Angeles (Callfonia, Mỹ) do P. Carini phát hiện. Tháng 3 năm 1981 nhiều trường hợp ung thư da Kaposi được báo cáo ở New York. Một điều đáng lưu ý là tất cả các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch trầm trọng này đều là những người trẻ, đồng tính luyến ái, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Nguyên nhân của tình trạng này lúc đó chưa được biết song dựa trên các yếu tố địa lý người ta cho rằng đây là một bệnh truyền nhiễm hoặc có liên quan đến môi trường.

Năm 1982, người ta thấy căn bệnh tương tự như trên ở những người mắc bệnh ưa chảy máu, nghiện chích ma túy, những người Haiti có quan hệ tình dục khác giới và những đứa con sinh ra từ những người mẹ trong nhóm người bị bệnh. Các bệnh án này chứng minh giả thuyết căn nguyên là một bệnh truyền nhiễm do một loại virus (tương tự virus viêm gan) lan truyền qua đường máu, đường sinh dục và từ mẹ sang thai nhi.

Tháng 6/1983, khi sinh thiết hạch cho bệnh nhân AIDS, Luc Montagnien và Barré Sinousi đã phân lập được virus gây bệnh và đặt tên là LAV (virus liên quan đến bệnh hạch). Sau đó 1 năm, Robert Gallot ở Trung tâm ung thư của Mỹ đã khẳng định công trình của L. Montagnien. Năm 1986, nhóm của L. Montngnien lại phân lập thêm một virus tương tự ở Trung Phi. Cuối năm 1986, tại Hội nghị quốc tế tại Giơnevơ các nhà khoa học đã thống nhất tên gọi của hai loại virus này là HIV.

Dịch HIV/AIDS tuy mới xuất hiện từ đầu năm 1980 nhưng đã nhanh chóng lan ra toàn cầu. HIV tấn công mọi đối tượng nhưng chủ yếu là thanh niên, phụ nữ, trẻ em.

Tính đến ngày 30/10/2002, toàn cầu có khoảng 42 triệu người nhiễm HIV/AIDS, tăng 15% so với năm 2001, trong đó có 38,6 triệu người lớn (từ 15 - 49 tuổi), phụ nữ 19,2 triệu, 3,2 triệu trẻ em (dưới 15 tuổi).

Câu hỏi 10. ở nước ta dịch nhiễm HIV/AIDS được phát hiện vào năm nào? Diễn biến phát triển của đại dịch này ở nước ta như thế nào?

Trả lời.

Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên ở nước ta được phát hiện vào tháng 12 năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh.  Nhưng thực sự dịch HIV/AIDS đã bắt đầu bùng nổ từ năm 1993 trong nhóm những người nghiện chích ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó dịch bắt đầu lan ra các tỉnh. Ðến cuối tháng 12/1998, toàn bộ 61 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) trong cả nước đều đã phát hiện có người bị nhiễm HIV. Tính đến tháng 13/12/2002, theo số liệu báo cáo của các tỉnh thành, cả nước đã phát hiện 58.490 trường hợp nhiễm HIV, 8.718 trường hợp biến chuyển thành bệnh AIDS và 4.834 trường hợp đã tử vong.

Phân tích các trường hợp nhiễm HIV cho thấy: Ðộ tuổi bị nhiễm HIV cao nhất là ở nhóm tuổi 20 -29. Nam giới chiếm 53%. Ðối tượng bị nhiễm chủ yếu hiện nay là những người nghiện chích ma túy (60%) song tỷ lệ lây nhiễm qua đường tình dục đang gia tăng. Kết quả giám sát trọng điểm tại 21 tỉnh, cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV đang tiếp tục gia tăng trong nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm, người mắc STD (các bệnh lây truyền qua đường tình dục) và bắt đầu gia tăng trong nhóm tân binh, phụ nữ có thai. Ðiều đó chứng tỏ HIV có xu hướng đang lan dần vào cộng đồng.

Câu hỏi 11. HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm đã và đang phát triển mạnh ở Việt Nam, vậy Ðảng ta đã có văn bản nào để chỉ đạo việc phòng chống HIV/AIDS?

Trả lời:

Nhận thấy nguy cơ của đại dịch HIV/AIDS, Ðảng và Nhà nước ta sớm coi phòng chống AIDS là một nhiệm vụ ưu tiên, điều này được thể hiện rõ nét qua các văn bản như Nghị quyết Trung ương Ðảng lần thứ tư - khoá VII, Nghị quyết Ðại hội Ðảng khóa VIII đặc biệt là Chỉ thị số 52 - CT/TW ngày 11/03/1995 của Ban chấp hành Trung ương Ðảng cộng sản Việt Nam về tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống AIDS. Các văn bản trên đã đề ra đường lối, chính sách, các định hướng cơ bản về phòng chống nhiễm HIV/AIDS, làm cơ sở cho việc xây dựng pháp luật, cũng như trực tiếp chỉ đạo các cấp ủy Ðảng cùng với chính quyền và các đoàn thể quần chúng chú trọng công tác này.

Câu hỏi 12. Vậy nhiệm vụ cụ thể của các cấp ủy Ðảng là gì?

Trả lời:

Ban chấp hành Trung ương Ðảng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy Ðảng như sau:

1. Ðể ngăn chặn sự lan truyền HIV, biện pháp cơ bản nhất và có hiệu quả nhất là mọi người giữ gìn lối sống trong sạch, lành mạnh, thủy chung, tự giác phòng bệnh tránh các tệ nạn ma túy, mại dâm. Vì vậy, phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, đặc biệt là thanh niên và thiếu niên về đạo đức lối sống, về nguy cơ lây nhiễm HIV/ AIDS đối với từng người, từng gia đình, từng phố phường, thôn xã làm cho mọi người, mọi cơ quan, đoàn thể thấy rõ trách nhiệm của mình, tự giác và chủ động tham gia phòng chống HIV/AIDS.

Các cấp ủy Ðảng có trách nhiệm lãnh đạo các đoàn thể nhân dân, các cơ quan chính quyền, các phương tiện thông tin đại chúng làm tết công tác tuyên truyền giáo dục, kết hợp các hoạt động truyền thông rộng rãi với việc tuyên truyền giáo dục sâu của chi bộ Ðảng, của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Cần chú trọng đề cao, phát huy vai trò khả năng to lớn của gia đình, gắn việc phòng chống HIV/AIDS với việc xây dựng gia đình và văn hóa Việt Nam.

2. Cùng với tuyên truyền, giáo dục, phải lãnh đạo các cơ quan chính quyền, cơ quan y tế khẩn trương giải quyết các yêu cầu về bảo đảm an toàn, vô khuẩn trong các dịch vụ y tế đặc biệt là các dịch vụ có liên quan đến máu. Từng bước tăng cường trang bị kỹ thuật cho Ngành y tế, cho các cơ sở khám bệnh và chữa bệnh, đồng thời bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm và trình độ chuyên môn kỹ thuật của cán bộ y tế trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc và phục vụ người bệnh.

Cần kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS và phòng chống các tệ nạn xã hội: nghiện hút, tiêm chích ma túy và mại dâm. Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các biện pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết 05, 06 của Chính phủ và các kế hoạch của Ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội của Chính phủ. Các ngành Tòa án, Công an, Kiểm sát phối hợp với các đoàn thể và dựa vào nhân dân để phát hiện kịp thời và trừng trị nghiêm minh theo pháp luật những kẻ buôn bán thuốc phiện và chất ma túy, chủ lò thuốc phiện và tiêm chích ma túy, chủ chứa và dẫn dắt mại dâm. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm.

3. Tổ chức sự chỉ đạo tập trung thống nhất, ăn khớp của Uỷ ban nhân dân các cấp; huy động rộng rãi và phối hợp chặt chẽ hoạt động của các cơ quan, đoàn thể theo một chương trình chung do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân trực tiếp phụ trách.

Công tác phòng chống HIV/ALDS và phòng chống tệ nạn xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề lớn đòi hỏi phải được chỉ đạo giải quyết ở từng địa phương, từng cơ sở. Các đồng chí bí thư cấp ủy Ðảng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể phải thường xuyên theo dõi đôn đốc, kiểm tra, nghe báo cáo và có ý kiến chỉ đạo công tác phòng chống HIV/AIDS kiên quyết không để cho đại dịch HIV/AIDS phát triển lan tràn.

Câu hỏi 13. Tại sao Nhà nước ta lại ban hành Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)?

Trả lời:

ở Việt Nam ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 và nhanh chóng gia tăng trong những năm tiếp theo.

Nhiễm HIV/AIDS ngày càng gia tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Ðể phòng chống nhiễm HIV/AIDS, ngoài các biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông, nâng cao năng lực giám sát phát hiện, quản lý và điều trị người bị nhiễm HIV/AIDS thì pháp luật đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm qui định rõ quyền và trách nhiệm của những người bị nhiễm HIV/AIDS;  trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội trong cuộc đấu tranh phòng chống HIV/AIDS ở nước ta. Trong đó, phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan y tế có liên quan trực tiếp đến việc ngăn chặn đại dịch và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, các cơ quan Lao động - thương binh và xã hội, Công an trong việc đấu tranh với các tệ nạn mại dâm, tiêm chích ma túy.

Trước những yêu cầu cấp bách đó, ngày 31/5/1995, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Pháp lệnh ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS ở nước ta.

Câu hỏi 14. Ngoài Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) còn có văn bản qui phạm pháp luật nào liên quan đến phòng chống nhiễm HIV/AIDS?

Trả lời:

Pháp lệnh phòng chống virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được ban hành đã đặt cơ sở nền tảng cho việc hình thành hệ thống pháp luật về phòng chống nhiễm HIV/AIDS. Ðến nay, ngoài Pháp lệnh nói trên đã có trên 40 văn bản qui phạm pháp luật về phòng chống nhiễm HIV/AIDS bao gồm các nhóm văn bản qui phạm pháp luật qui định trực tiếp về phòng chống nhiễm HIV/AIDS; qui định về bộ máy tổ chức và hoạt động của công tác phòng chống AIDS và các văn bản khác có liên quan.

Trong số các văn bản trên, phải kể đến Nghị định số 34/CP ngày 01/06/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh phòng chống virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Quyết định số 2557/BYT - QÐ của Bộ trưởng Bộ y tế ban hành qui định chuyên môn về xử lý nhiễm HIV/AIDS; Quyết định 1418/2000/QÐ - BYT ngày 04/5/2000 của Bộ trưởng Bộ y tế về việc ban hành thường quy giám sát HIV/AIDS ở Việt Nam; Quyết định số 1451/2000/QÐ - BYT ngày

08/5/2000 của Bộ trưởng Bộ y tế về việc ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nhiễm HIV/AIDS"; Thông tư liên tịch số 14/TTLT - BLÐTBXH - BYT ngày 16/6/2000 hướng dẫn quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS tại cơ sở chữa bệnh thuộc Ngành lao động - thương binh và xã hội...

Câu hỏi 15. Mục tiêu tổng quát của chương trình trung hạn phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 1994 - 2000 là gì?

Trả lời:

Chương trình trung hạn phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 1994-1995 và 1996-2000 đã được Bộ trưởng Bộ y tế thông qua ngày 01/04/1994.

Mục tiêu tổng quát của chương trình trung hạn này là:

1. Ðề phòng và hạn chế sự lan truyền của HIV trong cộng đồng dân cư.

2. Phấn đấu hạn chế, làm giảm tỷ lệ mắc và chết do nhiễm HIV/AIDS, giảm tác hại về kinh tế xã hội của nhiễm HIV/AIDS.

3. Huy động toàn xã hội triển khai các đường lối, biện pháp tổng hợp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhằm thực hiện hai mục tiêu trên.

Câu hỏi 16. Theo bạn, mục tiêu chung của công tác phòng chống HIV/AIDS trong 5 năm (giai đoạn 2001 - 2005) nên đặt ra như thế nào cho phù hợp?

Trả lời:

Mục tiêu chung của công tác phòng chống AIDS giai đoạn 2001 - 2005 bao gồm:

1. Ngăn chặn tốc độ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư;

2. Làm chậm quá trình tiến triển của HIV thành AIDS;

3. Làm giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Câu hỏi 17. Tôi biết HIV lây nhiễm sang người khác qua đường tình dục, đường máu và truyền từ mẹ sang con. Vậy, pháp luật có qui định gì về phòng chống sự lây truyền đó?

Trả lời:

Ðể góp phần tích cực vào việc phòng chống nhiễm HIV/AIDS, Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người (HIV/AIDS) đã qui định rất rõ trách nhiệm của người bị nhiễm HIV, của mọi người cũng như trách nhiệm của các cơ sở y tế, cơ sở làm dịch vụ thẩm mỹ.

Ðiều 4 của Pháp lệnh qui định rõ: " Người bị nhiễm HIV/AIDS không bị phân biệt đối xử nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng chống lây truyền bệnh..."

Ðiều 12 qui định : "Mọi người phải chủ động phòng ngừa lây truyền HIV/.AIDS qua dường tình dục, tiêm chích. Nghiêm cấm các hành vi mua dâm, bán dâm, tiêm chích ma túy và các hành vi làm truyền HIV/AIDS khác".

Ðiều 13, 14 qui định trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế: Phải thực hiện các qui định về chuyên môn y tế đúng kỹ thuật, xét nghiệm đối với các trường hợp cho máu, cho tinh dịch, cho mô hoặc các bộ phận cơ thể của con người và nghiêm cấm việc truyền máu, các sản phẩm của máu, tinh dịch hoặc ghép mô, ghép cơ quan hoặc một bộ phận cơ thể của người bị nhiễm HIV cho người khác.

Người làm dịch vụ thẩm mỹ hoặc các dịch vụ khác cũng phải tuân theo các qui định của pháp luật về phòng chống nhiễm HIV/AIDS.

Câu hỏi 18. Tôi nghe nói khi sử dụng các dụng cụ y tế cũng có thể làm lây truyền HIV. Ðiều đó có đúng không và pháp luật của ta có qui định nào để ngăn ngừa việc lây truyền đó?

Trả lời:

- Ðúng, khi sử dụng các dụng cụ y tế trong quá trình khám chữa bệnh như các dụng cụ để giải phẫu, chữa răng đỡ đẻ không được vô khuẩn cũng có thể làm lây truyền HIV/AIDS vì những dụng cụ này ở các cơ sở y tế được dùng chung cho nhiều người, tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của nhiều người. Do vậy, dễ dẫn đến lây truyền HIV nếu trong số những người khám chữa bệnh có người bị nhiễm HIV và các dụng cụ y tế này không được xử lý vô khuẩn theo đúng qui định... Chính vì lẽ đó, việc xử lý đúng kỹ thuật các dụng cụ này sau khi dùng xong cho mỗi người khám, chữa bệnh là hết sức cần thiết và đòi hỏi các thầy thuốc và nhân viên y tế phải có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản qui định về vấn đề này nhằm hạn chế sự lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng. Ngày 31/05/1995 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), trong  đó đã qui định rõ: " thầy thuốc và nhân viên y tế tạt các cơ sở y tế có tránh nhiệm thực hiện các qui định chuyên môn về xử lý nhiễm HIV/AIDS trong công tác phòng bệnh, khám bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế..." (Ðiều 13). Qui định này cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc xử lý các dụng cụ y tế trong việc hạn chế sự lây truyền HIV/AIDS và điều đó chứng tỏ rằng Ngành y tế có trách nhiệm rất quan trọng và không thể thiếu được trong cuộc đấu tranh nhằm hạn chế sự phát triển của đại dịch này.

Ngày 26/12/1996, Bộ trưởng Bộ y tế đã ban hành "Qui định chuyên môn về xử lý nhiễm HIV/AIDS" kèm theo Quyết định số 2557/BYT - QÐ trong đó qui định những biện pháp xử lý kỹ thuật các dụng cụ y tế trong khám, chữa bệnh.

Câu hỏi 19. Mại dâm và tiêm chích ma tuý dễ dẫn đến lây nhiễm HIV/AIDS. Vậy pháp luật qui định việc xử lý những tệ nạn này như thế nào?

Trả lời:

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia y tế các nước từ những năm 1980 đến nay đã chứng minh rằng ở tất cả các nước trên thế giới việc lây nhiễm HIV/AIDS trước tiên xảy ra trong số những người có hành vi nguy cơ cao như mại dâm, tiêm chích ma túy và sau đó mới lan rộng ra cộng đồng.

Do vậy, việc xử lý đối với các đối tượng mại dâm, tiêm chích ma túy là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động phòng chống nhiễm HIV/AIDS.

Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật qui định các hình thức xử lý đối với các tệ nạn mại dâm và tiêm chích ma túy, trong đó có sự phân biệt rõ chính sách xử lý đối với từng loại đối tượng. Những người mại dâm, được chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề tại các cơ sở chữabệnh thành lập theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; người nghiện ma túy được cai nghiện, giáo dục tại xã, phường và cộng đồng, nếu tái nghiện thì chuyển đến cơ sở chữa bệnh như đã nêu trên. Ðặc biệt xử lý nghiêm đối với các đối tượng chứa mại dâm; môi giới mại dâm; tổ chức buôn bán, vận chuyển, tiêm chích các chất ma túy; đối tượng là cán bộ viên chức Nhà nước; chủ khách sạn, nhà hàng do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra mại dâm, tiêm chích ma túy ở cơ sở của mình. Pháp luật cũng nhấn mạnh thủ trưởng cơ quan mà dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không nghiêm đối các cán bộ có hành vi sử dụng, tiêm chích ma túy, mại dâm... thuộc quyền phụ trách của mình cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Câu hỏi 20. Tôi được biết Pháp lệnh phòng chống virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) qui định mọi người phải chủ động phòng ngừa lây truyền HIV/AIDS qua đường tình dục, tiêm chích. Ðiều đó được hiểu như thế nào?

Trả lời:

Việc lây nhiễm HIV/AIDS từ người này sang người khác phổ biến qua đường tình dục và tiêm chích ma túy. Ngoài những người mại dâm, nghiện chích ma túy thì những người có quan hệ tình dục với nhiều người cũng có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS nếu không có biện pháp phòng tránh cho bản thân mình.

Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng HIV/AIDS có thể dễ dàng lây sang mọi đối tượng trong xã hội mà không loại trừ bất cứ ai, nếu những người nằm trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao. Muốn cho bản thân mình và những người xung quanh không bị lây nhiễm HIV/AIDS thì tất cả mọi người đều phải chủ động phòng tránh bằng cách sống chung thủy một vợ một chồng, không tiêm chích ma túy. Trong trường hợp không biết rõ bạn tình của mình có bị nhiễm HIV/AIDS hay không thì khi quan hệ tình dục phải dùng bao cao su. Luôn luôn sử dụng kim bơm tiêm riêng hoặc chỉ sử dụng chung khi bơm kim tiêm đã được xử lý theo đúng qui trình do Bộ y tế qui định.

Câu hỏi 21. Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người có nói đến người có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS, vậy đó là những người nào? và pháp luật có qui định gì riêng đối với họ không?

Trả lời:

Ðiều 16, 17 của Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có nói đến người có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS; đó là những người dễ bị nhiễm HIV/AIDS do hành vi có nguy cơ cao của họ, đồng thời họ cũng rất dễ làm lây truyền HIV/AIDS sang người khác. Người có hành vi nguy cơ cao bao gồm:

- Người mại dâm;

- Người có quan hệ tình dục với nhiều người;

- Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai,...;

- Người dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da không được vô khuẩn như kim xăm, kim xâu tai, dụng cụ phẫu thuật...;

- Người dùng chung bơm kim tiêm như người nghiện chích ma túy...;

- Người chăm sóc các bệnh nhân HIV/AIDS bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp;

- Những người tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người bị nhiễm HIV/AIDS qua vết thương hở;

- Người được truyền máu có virus HIV;

Ðể bảo đảm công tác giám sát, tư vấn cho người mại dâm, tiêm chích ma túy và cũng nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, Pháp lệnh Phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã qui định: "khi có yêu cầu cơ sở y tế của Nhà nước có trách nhiệm xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV/AIDS đối với những người có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS", "Khi tổ chức khám sức khỏe định kỳ, người có trách nhiệm của cơ sở y tế có quyền quyết định xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV/AIDS".

Khoản 2, Ðiều 12 của Pháp lệnh cũng đã qui định rõ: "Nghiêm cấm các hành vi mua dâm, bán dâm, tiêm chích ma túy và các hành vi làm lây truyền HIV/AIDS khác".

Câu hỏi 22. Ðể hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị lây nhiễm HIV/ALDS, tôi nên hành động như thế nào?

Trả lời:

Ðiều 12 của Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã qui định: "Mọi người phải chủ động phòng ngừa lây truyền HIV/AIDS". Như vậy, có nghĩa là khả năng bạn bị lây nhiễm HIV/AIDS phụ thuộc rất nhiều vào hành động của bạn.

Do vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị lây nhiễm HIV/AIDS bạn nên thực hiện tốt các biện pháp đã được trình bầy tại các câu 4, 5 và 6 nêu trên.

Nếu thực hiện được đầy đủ các biện pháp trên đây, bạn có thể tin rằng HIV/AIDS sẽ không có gì đáng sợ cả.

Câu hỏi 23. Xin cho biết trách nhiệm của công dân trong hoạt động phòng chống nhiễm HIV/AIDS?

Trả lời:

"Mọi người đều có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm HIV/AIDS để bảo vệ cho mình, cho gia đình và xã hội; tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng", đó là nội dung Ðiều 10 Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Cụ thể, công dân có thể tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng như sau:

- Tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về HIV/AIDS cho những người trong gia đình bạn, những người xung quanh mình hiểu biết về HIV/AIDS để chủ động phòng tránh.

- Vận động giáo dục những người có nguy cơ lây truyền HIV/AIDS như các đối tượng mua dâm, bán dâm, tiêm chích ma túy... đi xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm HIV/AIDS.

- Vận động mọi người trong gia đình, cơ quan, cộng đồng chăm sóc sức khỏe cho những người bị nhiễm HIV/AIDS.

Muốn vậy, mọi người phải tìm hiểu thế nào là HIV/AIDS, việc lây truyền của nó ra sao, các tác động của nó đến kinh tế, văn hóa xã hội như thế nào... cách phòng tránh các nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, các qui định pháp luật về phòng chống nhiễm HIV/AIDS... để có cơ sở tham gia vào hoạt động phòng chống nhiễm HIV/AIDS.

Câu hỏi 24. Tại sao pháp luật lại qui định thông tin, giáo dục, truyền thông là biện pháp chủ yếu để phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS?

Trả lời:

Ðại dịch HIV/AIDS đã nhanh chóng lan ra toàn cầu, tấn công vào mọi đối tượng không phân biệt già, trẻ, phụ nữ, nam giới, thành phần xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, địa lý. Nhiễm HIV ở mỗi người rất khó phát hiện vì thời gian mắc bệnh không biểu lộ triệu chứng thường kéo dài từ 5 năm đến 10 năm.

Cho đến nay nhiều nhà khoa học của nhiều nước trên thế giới đã tốn rất nhiều công sức để nghiên cứu tìm vắc xin phòng chống nhiễm HIV và thuốc chữa AIDS nhưng vẫn chưa có kết quả.

Ðể hạn chế sự lan truyền  HIV/AIDS trong cộng đồng và cũng nhằm hạn chế bớt hậu quả nghiêm trọng về kinh tế xã hội của đại dịch HIV/AIDS gây ra trong khi chưa có vắc xin và thuốc chữa bệnh đặc hiệu thì thông tin, giáo dục truyền thông là biện pháp chủ yếu để phòng tránh nhiễm HIV/AIDS. Chỉ khi nào mọi người trong xã hội hiểu biết về HIV/AIDS, tính nguy hiểm của đại dịch, các biện pháp phòng tránh và các qui định pháp luật về phòng chống nhiễm HIV/AIDS để có thể chủ động phòng tránh cho mình, cho gia đình cho xã hội thì khi đó cuộc đấu tranh ngăn chặn đại dịch này mới có kết quả.

Câu hỏi 25. Xin cho biết nội dung phối hợp trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng chống AIDS với công tác văn hóa thông tin?

Trả lời:

Nghị quyết Liên tịch số 112/NQLT ngày 22/7/1999 giữa Bộ văn hóa - thông tin và Uỷ ban quốc gia phòng chống AIDS về phối hợp đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông phòng chống AIDS trong cả nước đã qui định nội dung cụ thể như sau:

1. Lồng ghép nội dung phòng chống AIDS vào nội dung cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh gia đình văn hóa mới; xác định mô hình "gia đình văn hóa" thực sự là "pháo đài" phòng chống tệ nạn xã hội và phòng chống

2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác thông tin - giáo dục - truyền thông phòng chống AIDS để vừa có kiến thức, kỹ năng về phòng, chống HIV/AIDS vừa có năng lực tổ chức tốt đời sống văn hóa ở cơ sở.

3. Ðưa nội dung truyền thông phòng chống AIDS vào chương trình hoạt động của các loại hình văn hóa thông tin, trước hết là vào chương trình hoạt động của các nhà hát, các đoàn nghệ thuật, thư viện, nhà văn hóa, nhà thông tin triển lãm, trung tâm văn hóa thông tin và các đội thông tin, các đội chiếu bóng lưu động.

4. Tổ chức các chiến dịch truyền thông phòng chống AIDS và lồng ghép nội dung phòng chống AIDS vào các hoạt động kỷ niệm nhân các ngày lễ có liên quan hàng năm.

5. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ về đề tài phòng chống AIDS như: Hội thảo, diễn đàn, liên hoan, hội diễn, hội thi, giao lưu...

6. Sản xuất các sản phẩm văn hoá thông tin, xuất bản về đề tài phòng chống AIDS như ra các số báo, tạp chí, chuyên đề, số báo đặc biệt, sách, phim, ảnh, tranh cổ động...

Câu hỏi 26. Tại sao Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) lại qui định đưa nội dung giáo dục phòng chống nhiễm HIV/AIDS vào trường học?

Trả lời:

Chúng ta đã biết rằng số lượng người trẻ tuổi từ 25 tuổi trở xuống trong xã hội ta chiếm 50% dân số và số người trẻ từ 20 đến 49 tuổi bị lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng là rất lớn. Người còn trẻ tuổi bị lây nhiễm HIV/AIDS thì khả năng lây lan trong cộng đồng sẽ rất lớn vì vòng đời của người trẻ tuổi còn dài; họ là những người chủ gia đình, là nguồn lực lao động chính trong xã hội. Do vậy việc đưa nội dung giáo dục phòng chống nhiễm HIV/AIDS vào các đối tượng trẻ tuổi là rất cần thiết, trong đó trường học có vai trò rất quan trọng vì đây là nơi tập trung các đối tượng trẻ tuổi.

Việc giáo dục phòng chống nhiễm HIV/AIDS trong trường học nhằm giúp cho thanh, thiếu niên có những kiến thức cần thiết, có thái độ đúng đắn, có lòng tin vững vàng và thực hiện các biện pháp phòng tránh. Ðồng thời học sinh sinh viên cũng là những tuyên truyền viên tích cực giúp cho những người trong gia đình, cộng đồng hiểu biết về HIV/AIDS để hạn chế sự lan truyền của căn bệnh này và tăng hiệu quả của công tác giáo dục phòng chống HIV/AIDS.

Chính vì vậy, Ðiều 8 của Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã qui định: "Giáo dục phòng chống nhiễm HIV/AIDS phải được đưa vào trường học với nội dung phù hợp từng loại hình trường học, phù hợp trình độ, lứa tuổi, giới tính và phong tục tập quán của các dân tộc".

Câu hỏi 27. Tư vấn về HIV/AIDS là gì?

Trả lời:

Tư vấn là một quá trình đối thoại và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa người tư vấn và đối tượng tư vấn nhằm tạo điều kiện giúp cho đối tượng được tư vấn nâng cao hiểu biết và động viên họ thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV cho gia đình và cộng đồng.

Người tư vấn phải nhận biết các vấn đề liên quan đến các nhu cầu cá nhân, kinh tế xã hội và y tế mà các nhu cầu này thay đổi tuỳ vào hoàn cảnh của đối tượng, sự hỗ trợ của cộng đồng và gia đình, các dịch vụ xã hội và y tế, các mối quan hệ và các yếu tố khác ảnh hưởng đến tâm lý người nhiễm HIV để có được nội dung tư vấn cho phù hợp.

Câu hỏi 28. Xin cho biết nhiệm vụ của người làm công tác tư vấn về HIV/AIDS được qui định như thế nào?

Trả lời:

Người tư vấn có các nhiệm vụ sau:

- Giúp đối tượng xác định mức độ nguy cơ để xác định xem họ có nên đi làm xét nghiệm hay không và ảnh hưởng của kết quả xét nghiệm;

- Khuyên những người có kết quả âm tính duy trì lối sống lành mạnh, an toàn, giúp họ có những hiểu biết để phòng bệnh;

- Giúp đỡ những người đã biết mình bị nhiễm HIV/AIDS về mặt tâm lý để họ có được bản lĩnh trong đấu tranh với bệnh tật;

- Hỗ trợ đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS về tình cảm, đưa ra những lời khuyên cụ thể về cách ứng xử, đối phó với nhiễm HIV/AIDS để họ có thể duy trì một cuộc sống tự chủ;

- Khuyến khích các đối tượng được tư vấn bộc lộ các suy nghĩ kể cả những suy nghĩ tiêu cực để hướng dẫn giúp họ hướng khắc phục tích cực.

- Huy động gia đình và cộng đồng giúp đỡ người bị nhiễm HIV/AIDS, không được phân biệt đối xử.

Câu hỏi 29. Các đặc tính của tư vấn về HIV/AIDS là gì?

Trả lời:

Người tư vấn về HIV/AIDS phải chú ý đến 3 đặc tính sau:

- Tính sẵn sàng: Người tư vấn và các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng phục vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời gian nào, hình thức nào (thăm hỏi tại nhà, thảo luận qua điện thoại...) bởi lẽ sự sợ hãi hoặc khủng hoảng luôn do ảnh hưởng to lớn của nhiễm HIV/AIDS đối với cá nhân và xã hội.

- Tính dễ tiếp cận: Cơ sở tư vấn phải ở vị trí thuận tiện để người cần tư vấn có thể đi đến dễ dàng bằng mọi phương tiện và phải có sự chuẩn bị về mọi mặt để có thể thăm hỏi tại nhà khi có nhu cầu.

- Tính năng động: Người tư vấn phải đáp ứng rất linh hoạt đối với nhiều vấn đề thực tế và tình cảnh mới nảy sinh bằng mọi biện pháp thông tin, chỉ dẫn, gợi ý, tiếp xúc với những người hỗ trợ chính thức và không chính thức.

Câu hỏi 30. Các hình thức tư vấn đối với người nhiễm HIV/AIDS như thế nào?

Trả lời:

Có nhiều hình thức tư vấn khác nhau tùy theo hình thức nội dung hay thời điểm tư vấn:

- Dựa theo thời điểm tư vấn, ta có thể tư vấn trước và sau xét nghiệm.

- Dựa vào hình thức tư vấn, ta có các loại: Tư vấn qua điện thoại, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua trao đổi thư từ.

- Dựa vào nội dung tư vấn, ta có tư vấn chống khủng hoảng tâm lý, tư vấn giải quyết vấn đề, tư vấn thay đổi hành vi, tư vấn phòng bệnh và tư vấn trị liệu.

Sửa bởi quản trị viên 13/08/2009 lúc 05:09:06(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Quảng cáo
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.