Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline If_I_Was_Born_Again  
#1 Đã gửi : 12/08/2004 lúc 05:57:59(UTC)
If_I_Was_Born_Again

Danh hiệu: Member

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 09-06-2004(UTC)
Bài viết: 494

Được cảm ơn: 5 lần trong 4 bài viết
Sinh năm 1989, giờ mới 15 tuổi, cô bé H. thảng thốt kể lại từ hàng năm nay đã phải gồng mình phục vụ cho những cơn dâm dục của gã đàn ông được coi là ''bố'' của em.


Ông Ổn. (Ảnh đã được làm mờ mặt).

Hai tháng nay, chuyện vỡ lở... Bé H. sống trong làng lúc nào mặt cũng cúi gằm, đỏ lựng. Mặc dù tất cả các nhân vật đều ở cùng thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, Chương Mĩ, Hà Tây song lúc này chuyện đã không chỉ ầm ĩ ''sau lũy tre làng'' mà râm ran khắp chốn...

Chuyện rằng...

Mười lăm năm trước, sự ra đời của H. ở cái làng quê nhỏ bé này đã một lần làm xôn xao khắp ngõ cùng thôn bởi mẹ em - chị Nguyễn Thị H., một phụ nữ quá lứa lỡ thì, sau thời gian phiêu bạt làm ăn xa, về làng sinh ra em mà không biết bố là ai, lặng thinh trước dư luận. Khi ấy, mẹ H. 29 tuổi, lứa tuổi ở quê đã bị coi là ''hỏng hẳn'', thôi đành đánh liều có một mụn con để làm niềm vui, chỗ dựa lúc xế chiều. Nhưng chiều chưa xế bóng, mẹ H. đã qua đời ở tuổi 41, sau những năm tháng cùng kiệt chống trọi lại cái nghèo, miệng tiếng và bệnh tật. Đó là năm 2001, H. 12 tuổi...

Mất mẹ, nhưng H. vẫn còn rất nhiều cô, chú, bác họ nhà mẹ ở quanh trong làng với em. H. về ở nhà người bác ruột tên Minh. Tưởng đã trải qua một tuổi thơ không cha, một nỗi đau mất mẹ, sóng gió sẽ thôi không nổi lên trong cuộc đời em nữa... vậy mà...

Theo lời kể của anh Gừng - cậu bé H. thì từ ngày mẹ H. nằm xuống, có hai vợ chồng ông Lê Văn Ổn cùng làng bỗng dưng nằng nặc đến xin H. về nuôi. Ông Ổn nói riêng với những người trong gia đình mẹ H. rằng H. chính là giọt máu của ông, ngày ấy, trong quán nước kia, ông gặp mẹ H, và mọi cái đã xảy ra... Cả đại gia đình không ai tin bởi lẽ sinh thời, cùng ở quanh quẩn trong làng mà mẹ H. chẳng bao giờ có ý hay nhắc gì tới ông Ổn. Đôi ba lần tâm sự chuyện riêng với một người chị em trong họ, hoặc khi bị H. hỏi dồn, mẹ H. chỉ nói vỏn vẹn: bố H. họ Phạm, là công nhân xây dựng ở Hòa Bình, nhưng trong chứng minh thư ghi quê Thường Tín (Hà Tây). Thậm chí, đận cảm thấy sức khoẻ đã quá sút, linh cảm chẳng lành, mẹ H. từng có lần nhờ người chở đi Bình Đà tìm gặp bằng được bố H., nhưng bố H. xin mẹ H. thông cảm cho ông, ông còn gia đình, ông không thể...

Suốt gần một năm trời (từ khoảng cuối năm 2001 đến tháng 8/2002), hai vợ chồng nhà Ổn vẫn kiên trì xin được nhận nuôi bé H. Cậu Gừng của H. kể, giỗ đầu mẹ H., ông Ổn lăn xả vào tiếp khách, cúng lễ như người con rể trong gia đình thật, khiến ai cũng cảm kích. Thế là một cuộc họp cả họ diễn ra. Cho dù không ai chứng minh được ông Lê Văn Ổn là bố đẻ của bé Phạm Thị H., cho dù cả họ hùng hồn tuyên bố: không đến mức không nuôi nổi H., cuộc họp này không hiểu tại sao vẫn đi đến một kết luận là: đồng ý cho bé H. đến ở nhà ông Ổn và vợ chồng nhà Ổn có trách nhiệm nuôi H. ăn học! Đùng một cái, bé H. phải chia tay với tổ ấm cô dì chú bác ruột thịt và được những người này ''tiễn'' đến nhà bố mẹ mới, bắt đầu cuộc sống mới.

Thương thay...

Nhà ''bố'' Ổn (sinh năm 1963) và ''mẹ'' Mai (sinh năm 1964) cũng cùng làng, chỉ cách mấy con đường đất quanh co, dốc lên dốc xuống. Bé H. biết thân biết phận nên ngoài nửa buổi đi học, thời gian còn lại quanh quẩn trong nhà làm lụng chăm chỉ. Một năm rưỡi trôi qua... gần đây một số tòa soạn báo ở Hà Nội nhận được Đơn kêu cứu do cậu Gừng của H. viết, nội dung có đoạn:

''... Không ngờ sự việc xảy ra rất đau lòng cho gia đình chúng tôi và đặc biệt là cho cháu H. Tối 8/2/2004, cháu H. bỏ nhà ông Ổn về nhà chúng tôi. Thấy cháu khóc, gặng hỏi thì cháu kể lại là bố cháu, ông Lê Văn Ổn đã hãm hiếp cháu nhiều lần. Lần đầu tiên cháu nhớ nhất là khi mới về ở bên đó 2 tháng, buổi tối vừa ăn cơm xong, bố cháu rủ cháu ra ngõ chơi. Đến bờ ao, bố cháu bảo hai bố con mình ngồi đây nói chuyện. Nói được vài câu thì bố cháu quật hai tay cháu ra đằng sau và đè ngửa cháu ra. Cháu hỏi bố làm gì vậy thì bố cháu bịt tay vào mồm cháu và nói: im không em giết chết, rồi hiếp cháu... Chính vì những lời đe dọa đó mà cháu sợ nên sự việc cứ thế tiếp diễn, bố cháu đã hiếp cháu hơn một chục lần cho đến ngày cháu bỏ trốn về nhà chúng tôi, sau khi định uống thuốc sâu tự tử nhưng lại uống nhầm phải thuốc diệt kiến của nhà ông Ổn nên không chết...''.

Tìm về thôn Phượng Nghĩa, phóng viên VietNamNet đã gặp các nhân vật thật của câu chuyện này: những người bà con họ hàng đầy bức xúc của bé H., quây quần bên nhau và nhao nhao phát biểu ý kiến; ''bố'' Lê Văn Ổn dáng dấp mảnh khảnh, gầy sọp, già trước cái tuổi 41 rất nhiều và bé H. bẽn lẽn, xinh xắn với những đường cong cơ thể phát triển đầy đủ hơn mức cho phép của tuổi 15. Những người bà con của H. cho biết: chuyện xảy ra, đầu tiên họ cũng chẳng muốn làm toáng lên vì còn tương lai, hạnh phúc của H. nhưng vì chính vợ chồng nhà Ổn ''không biết điều'' nên mới vỡ chuyện. Họ đã đưa H. đi khám tại Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, mặt khác đã có trong tay 2 bản kiểm điểm của Ổn. Bé H. nay đã về ở nhà cậu Gừng, cô bác bảo sao H. làm vậy và chắc vì bị phỏng vấn nhiều quá rồi nên bé kể lại chuyện đau lòng của mình trôi chảy, không xúc cảm, như một cái máy: ''Vâng ạ! Lúc thì ở ngoài ngõ, lúc thì ở trên giường ạ!'' - ''Thế có ai biết không?'' - ''Không ạ!'' - ''Sau này khi mẹ Mai biết rồi, thái độ mẹ Mai thế nào?'' - ''Mẹ Mai bảo bố là: Anh khốn nạn lắm!''...

''Bố'' Lê Văn Ổn thì vẫn điệp khúc: ''Tôi không hề xin cháu về nuôi. Tôi cũng chẳng phải là bố đẻ của cháu. Tôi không làm gì cháu cả...''. Cả lá thư tay với chữ viết rõ ràng của Ổn: ''H. con thương yêu của bố, bố không biết tại sao con lại nói những chuyện mà không thể nói được mà trước đây con từng nói với bố là con sẽ không bao giờ nói ra. Vậy là con đã phụ bạc bố rồi, con cố tình cắt đứt tình cảm bố con một cách mù quáng nhưng bố vẫn suốt đời thương yêu con như một đứa con gái yêu của bố. Cũng chỉ vì bố chiều con quá nên bố con mới phải xa nhau nhưng dù xa nhau mấy bố vẫn thương con nên con phải cố gắng học hành cho đến nơi đến chốn để bố có thể xin việc làm cho con. Vậy mọi chuyện con phải nói với bác Minh là tại con chứ không phải tại bố. Bố sẽ đón con về, bố sẽ lo cho con đầy đủ, hết tiền học bố sẽ cho con đóng học. Giấy này đọc xong con đốt đi'', ông Ổn cũng chối rằng đó là bị người nhà bé H. nhốt vào buồng dọa đánh ép phải viết vào ngày 9/2 (chứ không phải do Ổn viết rồi nhờ người đưa cho bé H.).

Chúng tôi hỏi Ổn: ''Hôm đó ông đã bị đánh chưa?'' - ''Chưa'' - ''Thế tại sao ông viết?'' - ''Toản thì đứng canh cửa, tay cầm gậy, Gừng thì đọc cho tôi viết, bảo không viết sẽ giết chết'' - ''Bữa ấy là hôm nào, mấy giờ?'' - ''9h sáng ngày 9/2/2004'' - ''Ông viết những gì?'' - ''Tôi sợ quá nên không nhớ!'' - ''Ông có biết mục đích họ ép ông viết để làm gì không?'' - ''Không'' - ''Họ tống tiền ông?'' - ''Không'' - ''Viết xong, được thả về, ông có kể với ai hay báo công an?'' - ''Không'' - ''Tại sao nhớ ngày giờ chính xác mà lại không nhớ viết gì?'' - Ổn ngập ngừng...

Và Ổn cũng không biết rằng, cũng trong buổi chiều tiếp xúc với chúng tôi ấy, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tây đã hoàn tất hồ sơ, chính thức ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ổn.

Cùng ngẫm...

Tội lỗi của Ổn đến đâu, Ổn sẽ phải chịu đến đó khi ra trước vành móng ngựa. Vẫn nhem nhẻm chối đến cùng, trong ánh mắt và cái thần sắc bạc nhược của Ổn, chúng tôi đã cố tìm mà không thấy dù chỉ một thoáng ân hận cỏn con. Đến lúc này thì Ổn cũng xổ toẹt luôn: Ổn và bé H.chẳng phải bố con gì sất! Vậy thì tại sao hai vợ chồng nhà Ổn lại thiết tha xin bé về nuôi, trong khi gia đình Ổn con cái đầy đủ, mẹ già vẫn trường thọ, không hề thiếu lao động và gia đình họ mạc của bé H. cũng không phải không nuôi nổi bé? Có uẩn khúc gì đây, nếu không muốn nói là một mưu đồ?

Giả sử có một mưu đồ, thì cái mưu đồ ấy của Ổn cũng không khi nào thực hiện được nếu không có sự đồng tình của người vợ, suốt nhiều ngày tháng đã cùng chồng năn nỉ xin được nuôi H. với mục đích không rõ ràng. Sau này, khi biết chồng mình nhiều lần hiếp H., chồng mình đã từng viết bản kiểm điểm việc đó trước mặt mình, người vợ ấy vẫn không ngừng che giấu, lấp liếm cho chồng. Và, trách nhiệm của cô dì chú bác bé H. ở đâu, khi giao bé vào tay những người chưa từng là ruột thịt đơn giản như người ta cho nhau con chó con mèo, phải chăng vì trút được 1 gánh nặng, đỡ lo 1 miệng ăn?

Kẻ ác rồi sẽ vô tù. Cô dì chú bác thì bõ tức. Người vợ sau một thời gian đau đớn nhất định rồi cũng nguôi ngoai. Chỉ có bé H. thực sự là nạn nhân của tất cả. Lúc này, phơi phới tuổi trăng tròn, thừa hưởng bản lĩnh, sức chịu đựng của người mẹ quá cố, sau những phút ngượng nghịu, bé vẫn vô tư phóng xe khắp làng... Không biết cái gì đang chờ đợi bé trong cuộc sống? Cái gì đang xôn xao quanh bé trong cái làng quê chật hẹp ấy? Dù mai này, bé có sống trong xóm thôn ấy hay phiêu bạt nơi đâu, cầu mong cho bé sẽ hạnh phúc hơn cuộc đời mẹ bé...


Sửa bởi quản trị viên 05/08/2009 lúc 03:55:39(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Công dụng vĩ đại của cuộc đời là dùng nó vào những việc sống lâu hơn nó
Quảng cáo
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.