"Sóng HIV ngầm" trong làng đồng tính
Sau 12 năm triển khai công tác, Ủy ban Quốc gia Phòng chống AIDS Việt Nam vẫn chưa đề cập đến những người đồng tính trong hoạt động của mình, mặc dù đây là nhóm nguy cơ cao. Do không nằm trong danh mục điều tra, tỷ lệ và số lây nhiễm cụ thể của nhóm này vẫn nằm trong màn bí ẩn.
"Tôi là một người Mỹ thích gặp gỡ đàn ông Việt Nam. Bề ngoài, tôi là người da trắng nhưng có trái tim và tâm hồn Việt Nam cần được cứu giúp. Tôi sẵn sàng gặp bất cứ ai tin vào bản thân và cuộc sống. Có thể bạn là sinh viên, một giáo viên, một nhiếp ảnh gia, một nhạc sĩ... Tôi muốn nói chuyện với bạn. Xin hãy liên hệ với tôi. Thông tin cá nhân: 35 tuổi, 70 kg, cao 1,83 m, tóc và mắt nâu. Dáng thể thao. Nói một ít tiếng Việt. E-mail: [email protected]".
Lá thư này nằm trong một club trên Internet mang tên Vietgay connection, do những người đồng tính Việt Nam lập ra để trao đổi và tìm bạn. Trong nhiều thư trả lời, có một e-mail đề: "Các bạn nên đọc nó, nó sẽ cứu các bạn" (viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt) nội dung như sau:
"Trước đây, tôi hẹn hò với một người đàn ông hơn tôi 10 tuổi. Bây giờ, biết ông ấy về Việt Nam, tôi muốn giúp các bạn thoát khỏi cám dỗ của tên này. Hắn dùng thủ đoạn để ngủ với càng nhiều người càng tốt, thậm chí 7 người đàn ông một tuần. Tôi là một nạn nhân. Tôi đang sống dở chết dở với căn bệnh đang mang trong người dù mới bước sang tuổi 21. Tôi muốn chết quách đi cho rồi, nhưng các bạn thì nên sống. Các bạn hãy cẩn thận trong quan hệ tình dục không an toàn. Với Stephen, tôi khóc rất nhiều khi biết anh giết tôi mỗi ngày. Anh không nên làm thế với người Việt Nam, đặc biệt với thanh niên. Họ còn quá trẻ. Cuộc đời quá ngắn ngủi mà anh dùng cả đời mình để làm điều đó. Anh biết anh giết họ nhưng anh vẫn làm. Cuộc đời tôi thuộc về anh với căn bệnh này. Không muốn đưa địa chỉ e-mail của anh, nhưng tôi muốn những chàng trai trẻ tránh anh. Stephen C...: yesa... @yahoo.com".
Lá thư trên cho thấy tình trạng lây nhiễm HIV đang gia tăng trong nhóm đồng tính ở Việt Nam. Hiện không có bất cứ thông tin nào về những người đồng tính ở Việt Nam trong số liệu chính thức của các tổ chức y tế Việt Nam và quốc tế. Việc thiếu thông tin và sự giáo dục tuyên truyền hướng vào nhóm đồng tính nam khiến nhiều người trong số họ tin rằng mình không hoặc ít có nguy cơ nhiễm HIV.
Có lẽ công trình nghiên cứu đầy đủ nhất từ trước đến nay về nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm đồng tính nam ở Việt Nam là một luận văn thạc sĩ của Donn J.Colby (Đại học Washington, Mỹ) thực hiện năm ngoái. Trong số 219 người đàn ông được khảo sát:
- 77% có quan hệ tình dục với đàn ông trong 12 tháng trước đó.
- 22% quan hệ với cả đàn ông và đàn bà.
- Khoảng 26% không bao giờ dùng bao cao su với bạn trai.
- Hơn 50% dùng bao cao su với bạn trai không thường xuyên.
Điều đáng chú ý là bao cao su được những người đồng tính nam sử dụng với bạn gái nhiều hơn với bạn trai. Họ cho rằng việc quan hệ với phụ nữ đem lại nhiều nguy cơ hơn, do các chương trình giáo dục tuyên truyền chỉ tập trung vào quan hệ tình dục khác giới.
Nguyen Friendship Society, một tổ chức phi chính phủ ở TP HCM, cho rằng: "AIDS vẫn là vấn đề nhỏ trong giới đồng tính ở Việt Nam và có thể ngăn chặn được. Nhưng du lịch tình dục nước ngoài đang gia tăng. Nhiều khách du lịch bỏ lại đằng sau tất cả những gì họ biết về tình dục an toàn khi đến Việt Nam. Chúng tôi biết rằng khi quan hệ với người nước ngoài, 1/3 đàn ông Việt Nam không sử dụng bao cao su".
"Tôi đoán con số người đồng tính chỉ có mấy trăm nên đây không phải là vấn đề cấp bách" - ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS - nói. Ông giải thích: " Hiện chúng tôi có nhiều vấn đề nóng bỏng hơn. Có ít nhất 8.000 gái mại dâm ở biên giới Campuchia, còn số lượng người nghiện thì tăng vùn vụt". Vì vậy mà hiện nay, hoạt động phòng chống AIDS chỉ tập trung vào hai nhóm mại dâm và sử dụng ma túy.
Tuy nhiên, ông Chung Á, Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, cũng phát biểu rằng: "Số người đồng tính luyến ái hiện đã gia tăng nhiều và việc phòng chống AIDS trong giới này là cần thiết. Chúng ta không thể lảng tránh được nữa".
Lao Động