  Danh hiệu: Thành viên mớiNhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 20-06-2004(UTC) Bài viết: 673
Được cảm ơn: 4 lần trong 3 bài viết
|
(VietnamNet)
Cứ mỗi phút lại có một trẻ em chết vì AIDS, cứ 14 giây lại có một người cha (mẹ) chết vì AIDS.
Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm đại dịch HIV/AIDS chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn. Tuy nhiên, sự thật là nạn dịch này đang cướp đi tuổi thơ của trẻ em. Theo tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) hiện hoạt động trên hơn 40 nước, trên thế giới có hơn 15 triệu trẻ em đã mồ côi cha (mẹ) hoặc cả cha và mẹ do AIDS.
Để hoạt động phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả, khống chế được sự lây lan của đại dịch và giảm tác động của nó, ngày 17/3/2004, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Theo ước tính, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong năm 2003 ở Việt Nam là 0,23% dân số. Mục tiêu của Việt Nam là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau 2010.
Tính đến ngày 30/9/2004, Việt Nam đã phát hiện 85.629 người nhiễm HIV, trong đó 13.545 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 7.791 người đã tử vong. Tuy nhiên, theo ước tính số người nhiễm HIV/AIDS trên thực tế có thể cao gấp 3 lần. Đáng lưu ý, số người nhiễm HIV/AIDS có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục cũng đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và vùng biên giới Tây Nam, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở phụ nữ và trẻ em cao hơn nam giới từ 2 đến 4 lần.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã tham gia ký kết các văn bản, điều ước quốc tế quan trọng về HIV/AIDS như tuyên bố thiên niên kỷ được 189 nguyên thủ quốc gia ký kết vào tháng 9/2000; Việt Nam đã tích cực tham gia tuyên bố cam kết về HIV/AIDS tại khoá họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS tháng 6/2001. Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và khu vực trong việc phòng, chống HIV/AIDS
Trong khi đó, vào ngày 23/6/2003, Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào chương trình tài trợ chống HIV/AIDS toàn cầu trị giá 15 tỷ USD. Mới đây, vào ngày 25/10/2004, đại diện UBND TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) đã ký kết dự án hợp tác phòng chống AIDS. Theo đó, trong 5 năm, CDC sẽ hỗ trợ cho thành phố 25 triệu USD và trước mắt năm 2004 là 400.000USD để tăng cường công tác phòng chống AIDS. Số tiền này nhằm giúp các bệnh viện, trung tâm y tế và nhiều địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa HIV/AIDS, tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí cho đối tượng có nguy cơ cao. Đặc biệt, những bà mẹ nhiễm HIV sẽ được phát thuốc miễn phí nhằm ngăn chặn khả năng lây truyền sang con.
|
|
Trẻ em châu Phi đang là nạn nhân chủ yếu của đại dịch HIV/AIDS.
|
Hai mươi năm trước, rất ít người biết đến đại dịch HIV/AIDS. Khi hội chứng AIDS mới được phát hiện (1981), không ai nghĩ rằng trẻ em sẽ bị mắc bệnh. Thoạt tiên, AIDS hầu như chỉ xuất hiện ở nam giới đồng tính luyến ái và người tiêm chích ma túy. Những trẻ em đầu tiên mắc bệnh đều do truyền máu, hoặc dùng những sản phẩm máu, kim tiêm và dụng cụ mổ xẻ bị nhiễm HIV. Chính vì vậy, việc phòng chống HIV cho trẻ em lúc đầu chủ yếu được đề cập đến theo hướng này. Nhưng vài năm sau, người ta đã phát hiện được những trẻ em còn rất nhỏ đã bị nhiễm HIV từ mẹ. Người mẹ nhiễm virus đã truyền bệnh cho con từ trước ngày sinh, trong lúc sinh và ít ngày sau khi sinh (thời kỳ chu sinh).
Theo Save the Children (SC), tổ chức bảo vệ những trẻ em bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, bệnh tật, bất công và bạo lực, năm 2003 có hơn 500.000 trẻ em dưới 15 tuổi chết vì AIDS và 700.000 nghìn em bị lây nhiễm AIDS. Hàng triệu trẻ em phải chăm sóc bố mẹ, người thân bị nhiễm AIDS. Ngoài ra, ước tính có khoảng 15 triệu trẻ em bị mất cha (mẹ) hoặc cả cha mẹ do AIDS, và con số này có thể sẽ tăng đến khoảng 25 triệu trẻ em vào cuối thập kỷ này. Do số lượng em gái và phụ nữ phải chung sống với HIV/AIDS gia tăng, nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ sang con (trong quá trình thai nghén, sinh con hay cho bú) cũng gia tăng. Những biện pháp chăm sóc đơn giản, ít tốn kém dành cho phụ nữ lúc sinh nở và trong vòng 72 giờ đầu sau khi sinh con có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đến hơn 50%.
Trong khi đó, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ trẻ em mồ côi cha mẹ vì AIDS được sống trong cô nhi viện do không đủ cô nhi viện cho số lượng trẻ mồ côi đang ngày một gia tăng. Hệ thống bảo trợ xã hội ở những nước phát triển cũng quá tải do số trẻ em mồ côi vì AIDS gia tăng. Mặc dù phần lớn trẻ em mồ côi cha mẹ vì AIDS ở châu Phi vẫn sống cùng với gia đình và bạn bè trong làng, các em bị phân biệt đối xử và phải tự bảo vệ mình. Do bố mẹ ốm và chết vì AIDS, gánh nặng gia đình đè lên vai bọn trẻ. Trẻ em, đặc biệt là các em gái, thường phải nghỉ học để kiếm tiền, kiếm thức ăn và chăm sóc các em nhỏ.
Một điều đáng nói nữa là ảnh hưởng của đại dịch HIV/AIDS đối với trẻ em không chỉ xảy ra ở châu Phi. Tất nhiên, phần lớn trẻ em mồ côi và chịu ảnh hưởng của AIDS sống ở châu Phi (13 triệu em) song đại dịch này cũng đe doạ nhiều gia đình châu Á và Caribbe - trẻ em ở khu vực này không được chăm sóc, hỗ trợ, và phải tự mình kiếm sống.
Trong khi đó, các nước phát triển cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ: chi phí y tế tăng do lượng bệnh nhân AIDS tăng, đầu tư cho giáo dục bị ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là ở những nơi trẻ em phải nghỉ học để kiếm sống hoặc chăm sóc người thân bị AIDS, nguồn cung lương thực bị ảnh hưởng do số người chết và tàn tật vì nhiễm AIDS, sản lượng vụ mùa và thu nhập giảm.Tất cả điều này cũng làm ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia.
SC khuyến cáo, ngay từ bây giờ, phải quan tâm hơn đến trẻ em chịu ảnh hưởng của nạn dịch thế kỷ ở châu Phi, châu Á và Caribbe.
Đại diện SC nhấn mạnh, trong khi số lượng trẻ em nạn nhân của AIDS đang tăng mạnh, có thể áp dụng những biện pháp đơn giản, ít tốn kém nhằm cải thiện cuộc sống của những đối tượng này. Thông qua hợp tác với cộng đồng, Chính phủ các nước và các tổ chức phi Chính phủ có thể hỗ trợ các em được học hành và tìm cách kiếm sống, đảm bảo cho các em được bảo vệ đầy đủ, ăn uống và chăm sóc sức khoẻ tốt, có khả năng chống đỡ với những đau khổ, tổn thương vì mồ côi cha mẹ do AIDS.
Trong năm tài khoá 2004, quốc hội Hoa Kỳ đã chi khoảng 2,4 tỷ USD để chống nạn dịch HIV/AIDS ở các nước đang phát triển, trong đó khoảng 10% được dùng để trợ giúp trẻ mồ côi hoặc bị ảnh hưởng vì HIV/AIDS. Các em đã được hưởng những nguồn hỗ trợ này. Ví dụ, ở Mozambique, SC đã dùng một phần tiền nói trên để xây dựng trung tâm chăm sóc trẻ em 3-5 tuổi bị mồ côi hoặc ảnh hưởng vì AIDS. Tại đó, trẻ em nạn nhân của AIDS được giáo dục cơ bản, ăn uống dinh dưỡng và chơi cùng với những em khác. Tuy nhiên, những khoản hỗ trợ này không đủ đáp ứng nhu cầu của số lượng trẻ em nạn nhân của HIV/AIDS đang tăng nhanh.
Sửa bởi quản trị viên 10/01/2012 lúc 09:48:36(UTC)
| Lý do: Chưa rõ |
Chúng ta nói dối khi chúng ta nói rằng chúng ta sợ… sợ cái điều mà chúng ta không hề biết, sợ những người chúng ta nghĩ đến, sợ những gì sẽ khám phá ra chính chúng ta.
|