<table height="100%" cellspacing="0" cellpadding="0" width="100%" border="0"> <tbody> <tr> <td class="vnrHotLink"><font color="#ff0000" size="5">Xin đừng ruồng bỏ...</font></td></tr> <tr> <td><span class="SDateFull"></span></td></tr> <tr> <td height="2"></td></tr> <tr> <td style="TEXT-ALIGN: justify"> <p class="newsLead"> <table style="BORDER-COLLAPSE: separate" cellspacing="0" cellpadding="0" width="40" align="right" border="0"> <tbody> <tr> <td><img class="newsImageClick" onclick="return TuoiTreImage('/ne/52021/46475/TuoiTre_7811.JPG')" height="150" hspace="0" src="http://www.hiv.com.vn/ne/52021/46475/TuoiTre_7811.JPG" width="200" border="1" hyperlink="" /></td></tr></tbody></table>TT (Đà Nẵng) - Bà Năm đã ngót nghét 70 tuổi. Lần đầu tiên bà rời vùng quê Duy Xuyên ra tận Đà Nẵng để bước vào một tòa nhà cao tới bảy tầng. Theo thói quen, bà cúi đầu thật thấp, cố không để những người ở gần rõ mặt. Chỉ đến khi nghe gọi tên, bà mới ngẩng lên và nói được đúng một câu ngắn ngủi: “Tôi cầu mong Nhà nước, cầu xin mọi người hãy làm gì giúp cháu tôi được đến trường’’. Nghẹn ngào, bà chỉ xuống hội trường, nơi đứa cháu gái 9 tuổi đang vô tư đứng bên cửa sổ nhìn xuống sông Hàn...</p> <p class="newsSubTitle">Bỏ cả đường đi lối về</p> <p class="newsNormal">“Đứa cháu ngoại tui đây năm nay đã lên 9 mà chưa biết chữ” - bà Năm kể câu chuyện đời cuối cùng bà đang đối mặt. Con gái bà khi lấy chồng đã không ngờ đó là thứ hạnh phúc bị tử thần dòm ngó. Người chồng trẻ là bộ đội đã nhiễm HIV và chết cách đây bảy năm. Bốn năm sau, con gái bà cũng chết vì AIDS, để lại hai đứa trẻ mồ côi. </p> <p class="newsNormal">Bà Năm đón cháu ngoại về nuôi. Mảnh vườn nghèo của bà cụ 70 nuôi một đứa cháu côi nhiễm HIV quá nhiều buồn thảm. Cái tin vợ chồng con gái bà nhiễm “ét” mà chết đã bùng lên trong xã, trong thôn, trùm xung quanh nhà bà ngoại một nỗi sợ hãi. </p> <p class="newsNormal">Nhưng chỉ đến lúc cháu gái đủ tuổi đi học, bà Năm mới thấm thía. Cô giáo dẫn cháu bà vào lớp nào thì ngày hôm sau phụ huynh lớp đó rùng rùng kéo đến dẫn con họ về. Cả tuần như thế, ngôi trường quê ồn ào ầm ĩ chuyện đã để cho con bé nhiễm HIV học chung với bọn trẻ. Làm sao mà tránh được chuyện lây lan nếu chúng va chạm khi chơi đùa. Bà Năm đứng trong phòng ban giám hiệu, nước mắt chan hòa, tự nuốt những lời lẽ hùng hổ, những hốt hoảng của người đời vào lòng. </p> <p class="newsNormal"> <table style="WIDTH: 240px; BORDER-COLLAPSE: collapse; HEIGHT: 354px" bordercolor="#4792d9" cellspacing="5" bordercolordark="#4792d9" cellpadding="3" width="240" align="right" bordercolorlight="#4792d9" border="2"> <tbody> <tr> <td> <table style="BORDER-COLLAPSE: collapse" bordercolor="#4792d9" height="100%" bordercolordark="#4792d9" cellpadding="4" width="100%" align="right" bordercolorlight="#4792d9" border="0"> <tbody> <tr> <td valign="top" bgcolor="#9bc8fa" height="100%"> <p class="newsNormal">Tại một hội thảo mới được cơ quan đại diện Liên Hiệp Quốc tại VN và Ban Tư tưởng văn hóa trung ương tổ chức tại Đà Nẵng bàn về tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV, các cơ quan chức năng đã thừa nhận ngày đầu tiên việc tuyên truyền về HIV đã bị gắn với hình ảnh của tệ nạn xã hội là rất sai lầm. </p> <p class="newsNormal">Đến giờ đã 20 năm trôi qua kể từ khi người ta phát hiện virus HIV, cộng đồng vẫn cứ định kiến HIV ở đâu đó trong cái góc khuất của mại dâm và ma túy. </p> <p class="newsNormal">Trên các sân khấu thông tin cổ động bây giờ, HIV vẫn còn được nhìn bằng hình ảnh áo choàng đen tử thần với cái lưỡi hái đi cùng với mại dâm và ống kim chích. </p> <p class="newsNormal">Những gia đình tự cho là có lối sống lành mạnh, quan hệ với những người lành mạnh đã không làm một hành động tự bảo vệ cần thiết. Và khi bản thân hoặc người thân nhiễm HIV, vì tự cho là kết quả của liên quan đến tệ nạn, vi phạm đạo đức nên không bao giờ công khai sự thật nhiễm bệnh được. </p></td></tr></tbody></table></td></tr></tbody></table></p> <p class="newsNormal">Bà bắt đầu cúi xuống thật thấp như không muốn ai nhận ra mình và dắt cháu về lại căn nhà tồi tàn. Một phụ nữ nông thôn như bà làm sao có thể tự thay đổi số phận đứa cháu mồ côi phải gánh bản án quá nặng này! </p> <p class="newsNormal">Hôm chúng tôi về xã Hòa Châu tìm anh Diên, nơi chỉ cách trung tâm Đà Nẵng 10km, thấy làng anh thật đẹp. Làng được các công ty du lịch lữ hành chọn làm điểm du lịch đồng quê. Bờ tre ruộng lúa và nhà cổ hấp dẫn du khách. </p> <p class="newsNormal">Nhà anh Diên cũng ở trên một con đường đẹp. Người quê hiếu khách vậy mà không ai dẫn chúng tôi vào tận nhà anh. Họ sợ. Còn vợ chồng anh Diên thì cứ ngồi cúi đầu nơi bàn nước. </p> <p class="newsNormal">Anh phẫn uất: “Sự kỳ thị thật là khủng khiếp và đau lòng. Nó làm tôi đau đớn y như lúc vớt xác đứa em trai dưới sông lên. Lúc ấy nó cưới vợ được hai tháng thì xét nghiệm HIV cho kết quả dương tính. Chúng tôi chưa kịp làm được việc gì để động viên thì nó đã phẫn chí mà chết, bỏ lại vợ trẻ đã mang thai. Rồi em dâu tôi sinh con mới được hai tháng cũng chết. Làng xóm bỏ luôn con đường trước mặt nhà tôi đi vòng lối khác”.</p> <p class="newsNormal">Hoàn cảnh của anh Diên thật sự bế tắc khi anh dang tay đón đứa cháu hai tháng tuổi mồ côi cả cha mẹ về nhà mình. Hàng bánh mì của vợ anh chỉ nhận được những câu nói của bà con xung quanh như: “Thôi để cho chị 2.000 đồng chứ thật tình không dám ăn bánh của chị”. </p> <p class="newsNormal">Cả nhà anh trông vào đồng lương trợ cấp người mất sức lao động 330.000 đồng/tháng, nuôi một em gái bị tâm thần, hai đứa con và đứa cháu nhỏ đã 18 tháng tuổi. Muốn đi làm thuê, làm mướn cũng không ai nhận. Ở trường, không đứa học trò nào dám chơi với con anh, lúc nào bên tai chúng cũng văng vẳng câu chuyện “nhà chúng đang chứa một thằng cu nhiễm HIV”.</p> <p class="newsNormal">Hằng ngày anh Diên phải rời nhà thật sớm để đi Đà Nẵng bốc gạch thuê công nhật 30.000 đồng. Nơi này không ai biết chuyện nhà anh đang chứa “ét” và anh được yên thân với công việc. </p> <p class="newsNormal">Bác sĩ Trần Văn Nhật, giám đốc Trung tâm Y học dự phòng, kể thêm Trung tâm Tư vấn phòng chống HIV/AIDS của thành phố đã về Hòa Châu, nơi gia đình anh Diên đang sống, tổ chức hai đêm nói chuyện về sự lây truyền của HIV và cách phòng tránh. Bác sĩ nói cả về chuyện nhà anh Diên đang nuôi thằng cháu mà bố mẹ nó đã chết vì AIDS, nhưng đến nay đã qua nhiều lần xét nghiệm và vẫn tiếp tục theo dõi chặt nhưng chưa có kết luận cháu bé 24 tháng tuổi này cũng nhiễm HIV. </p> <p class="newsNormal">Chuyện HIV lây nhiễm theo ba đường nào bây giờ dân xã Hòa Châu ai cũng biết, nhưng người ta vẫn ơn ớn và vẫn cứ tránh không tiếp xúc với bất cứ ai trong gia đình này. Sự cô lập đã đẩy gia đình anh Diên vào tình trạng kiệt quệ kinh tế, bế tắc về tinh thần. Anh Diên buồn bã: “Đám giỗ trong tộc họ bây giờ tôi cũng không dám đi. Không ai chờ sự có mặt của mình cả”.</p> <p class="newsSubTitle">Đối mặt với kỳ thị</p> <p class="newsNormal">Bác sĩ - thạc sĩ Chu Quốc Ân, trưởng ban tuyên truyền của Ủy ban Phòng chống AIDS quốc gia, đưa ra một lý thuyết quản lý mà ông gọi là mang tính nhân văn. Đó là chăm sóc về thể chất và tinh thần cho người nhiễm HIV để từ đó quản lý ngăn chặn sự lây lan tiếp theo. Thế nhưng tính nhân văn này chưa đủ sức thuyết phục trong cộng đồng.</p> <p class="newsNormal">Ở Đà Nẵng có cặp vợ chồng trẻ mới qua tuổi 20 chưa lâu, sống theo kiểu “bốn không”. Họ bị gia đình đuổi ra khỏi nhà khi phát hiện nhiễm HIV và bây giờ không nhà, không nghề nghiệp, không hộ khẩu và đương nhiên đứa con 18 tháng tuổi cũng sẽ không có giấy khai sinh. </p> <p class="newsNormal">Tuy nhiên cặp này may mắn hơn là họ đã thường xuyên liên lạc với Trung tâm Tư vấn phòng chống AIDS của Đà Nẵng và đã được hỗ trợ rất nhiều. Trung tâm cho họ tiền thuê nhà một tháng 200.000 đồng, tư vấn cặn kẽ để giữ sức khỏe và tránh lây nhiễm cho đứa con 18 tháng. Tuấn và Hồng cũng là nhân chứng của sự kỳ thị và sợ hãi trong cộng đồng. </p> <p class="newsNormal">Khi Hồng có thai chín tháng, Trung tâm Tư vấn phòng chống AIDS đã đến trạm y tế phường gần nơi Hồng ở để tư vấn cho êkip hộ sinh, tuy nhiên do suy nghĩ nơi này chẳng hoan nghênh gì mình nên Hồng đã lẳng lặng đến một bệnh viện quận, nơi không ai biết cô là sản phụ HIV. Một ca sinh bình thường. Tuy nhiên sau đó hai ngày, khi người của trung tâm tư vấn biết, đến thông tin cho bệnh viện thì êkip hộ sinh đã “tá hỏa” đổ xô đi xét nghiệm trong nỗi khủng khiếp. </p> <p class="newsNormal">Tuấn nói: “Vợ chồng tôi bây giờ đặt hết hi vọng vào đứa con có thể sẽ không nhiễm HIV. Chúng tôi đã cố giữ sức khỏe, có chí hướng sống những ngày còn lại thật ý nghĩa. Thế nhưng cuộc sống khó khăn lắm. Ở một thành phố đông đúc bận rộn thế này mà chỉ chuyện đi thuê nhà đã mất hết thời gian làm ăn kiếm sống, chỉ ở vài tháng là họ đã biết và đuổi ngay. Đối đầu với sự kỳ thị nhưng chúng tôi không nản, chỉ mong xã hội nhanh chóng hiểu hơn về căn bệnh này, giúp người nhiễm HIV sống đúng đắn, đề phòng lây lan cho người khác. Chúng tôi được sự chăm sóc của trung tâm tư vấn, nhưng còn bao nhiêu người vẫn trốn tránh sự thật và đã làm lây bệnh cho người thân của họ”. </p> <p class="newsNormal">Tuấn nói nghẹn ngào: “Xin xã hội đừng trừng phạt người nhiễm HIV vì cho rằng họ đã có hành vi sai lầm”.</p> <p class="newsNormal">“Sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã đẩy cộng đồng lâm vào cuộc chiến với kẻ thù giấu mặt - thạc sĩ Chu Quốc Ân kết luận - Việc bây giờ phải làm là tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng về đại dịch HIV chứ đừng kỳ thị và chạy trốn”. <p class="newsNormal">Ông đưa ra một dự đoán của Ủy ban Phòng chống AIDS quốc gia, năm 2005 tại VN sẽ có trên 200.000 người nhiễm HIV, trong lúc đó hệ thống y tế cả nước chỉ có 143.000 giường bệnh. Cứ cái cách tuyên truyền phòng chống HIV ì ạch và sai lầm như từ trước đến nay, chúng ta sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng trong tương lai đã quá gần. <p class="newsAuthor">H.BÍCH - <span class="SDateFull">Tuổi Trẻ Online - 14:17' 01/04/2004 (GMT+7)</span></p></td></tr></tbody></table>