Kỳ 3: SỐ MÁ GIANG HỒ CỦA ĐẠI CATHAY
Từ bỏ lôi đài, Hương tập hợp đệ tử bắt đầu quá trình bảo kê,
tranh giành lãnh địa làm ăn với các thế lực xã hội đen. Nhờ tiếng tăm
của mình, Hương đã kéo về dưới trướng hàng chục tay giang hồ để tạo vây
cánh bảo kê một loạt các nhà hàng, vũ trường, quán bar, tụ điểm ăn
chơi... từ TPHCM ra đến Biên Hòa - Đồng Nai.

Vua của các đại ca giang hồ là Trần Đại - Đại Cathay
Trong số các đệ tử máu mặt của Chà Và Hương (tự Phi Hoàng) có Phi Long
(Tạ Văn Hường), Phi Hổ (Lê Văn Hậu), Phi Hải (Lê Văn Phước), Phi Hùng
(Lâm Văn Phi) và nữ võ sĩ Cẩm Huê, Cẩm Hồng... được giới giang hồ gọi
“ngũ hổ tướng” đánh đấm quậy phá khắp nơi. Thời điểm bấy giờ, giang hồ
đất Sài Gòn có bốn cao thủ “tứ đại thiên vương” gồm Đại - Tỳ - Cái - Thế
(Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế). Trong đó, Đại Cathay
được xếp đầu bảng và mệnh danh và “vua của các đại ca giới giang hồ”.
Bên cạnh đó, các tổ chức băng nhóm giang hồ người Hoa hoạt động tại khu
vực Chợ Lớn có băng “Hắc đạo” do Tín Mã Nàm (con ngựa điên) cầm đầu.
Dưới tay của Mã Nàm có những cao thủ như Lục Chỉ, Sám Sò, bên cạnh đó
còn có một tay giang hồ khét tiếng trong giới cờ bạc Hoa kiều đó là Hải
Phùng Kin. Xét về tổng quan, tập đoàn tội phạm của Trần Đại (Đại Cathay)
là có uy thế nhất. Năm 1959, trong lần tổng động viên thu gom các đối
tượng giang hồ của chính quyền chế độ cũ với mục đích “bài trừ du đãng,
chấn hưng đạo đức, thượng tôn pháp luật”, Chà Và Hương đã gặp Trần Đại
trong “trại tế bần” ở cầu Chữ Y, Q8. Gọi là trại tế bần nhưng thực chất
là điểm tập trung nuôi cơm báo cô đối với những thành phần “du thủ du
thực, cô hồn cát đảng” đang thịnh hành trong xã hội rối ren, mục ruỗng
lúc bấy giờ. Lúc đó Đại chưa nổi tiếng như sau này, hắn nhỏ con, ít nói,
nhìn có vẻ hiền lành nhưng thực ra rất lì lợm và liều mạng đến mức ghê
sợ. Nếu giải quyết mâu thuẫn mà đối phương mang dao ra hù dọa thì Đại
nhất quyết chưa thấy máu sẽ không bao giờ về. Trong trại tế bần ngày đó
hình thành hai phe nhóm, đó là nhóm du côn người Hoa và du côn người
Việt. Những trận đụng độ nảy lửa của hai phe khiến đội quản lý không thể
khống chế được. Bọn chóp bu cai trại nghĩ ra mọi cách để hợp lý hóa
những trận đánh nhau loạn xạ trong trung tâm giáo dưỡng này. Và phương
pháp cho một chọi một là tối ưu hơn cả vì không gây ồn ào, náo loạn toàn
khu vực. Vì Đại nhỏ con lại lì lợm nên đám tiểu yêu người Hoa rất ghét,
cứ đến lượt Đại lên đấu thì chúng đưa ra những tên đầu lớn tay to để
mục đích dần cho Đại những trận ra hồn, dằn mặt được Đại là sẽ khống chế
được đám du đãng người Việt. Và cứ mỗi lần Đại bị đánh lăn kềnh ra đất,
Chà Và Hương lại nhảy lên sới đài để cứu giúp. Sau nhiều lần như thế
Hương và Đại đã kết nghĩa giang hồ, sau này cùng ngụ tại đường hẻm ve
chai sau rạp hát Cathay. Theo lời Chà Và Hương, nếu còn sống bây giờ
chắc Đại cũng khoảng hơn 70 tuổi, quê gốc ở miền Trung, nói giọng lơ lớ
vùng Nghĩa Bình (Quảng Ngãi - Bình Định), cha tên là Lê Văn Cự chết sớm,
mẹ lấy chồng ở Q4, dượng ghẻ là kẻ thô lỗ lại nghiện hút nên từ nhỏ Đại
sống với bà nội và chứng kiến không biết bao nhiêu mặt đen tối của cuộc
đời. Hương về sống với Đại ngày đi đánh lộn, đêm ngủ lề đường và được
một chủ quán cơm tên Ba Chó cho ăn hằng ngày. Có thể nói rằng, trước năm
1970, Đại Cathay là kẻ duy nhất có thể đứng ra thống lĩnh giới giang hồ
du đãng. Không những tập trung các tay anh chị đầu trâu mặt ngựa mà Đại
còn thu phục về dưới trướng mình rất nhiều các đối tượng có học hành,
nghệ sĩ... để “xã hội hóa” tập đoàn tội phạm của mình. Trong đó phải nói
đến những kẻ con nhà giàu học ở trường Tây như: Hùng “đầu bò”, Hoàng
sayonara (người móc classic bản này rất hay). Giới giang hồ thời điểm
này, do du nhập lối sống phương Tây nên rất mê nhảy đầm, cặp bồ với các
văn nghệ sĩ, tài tử... Không những đại ca giang hồ mà giới tướng lĩnh
của chế độ cũ cũng chạy theo trào lưu thời thượng này. Một trong những
người mê nhảy đầm là tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ. Trong một lần gặp nhau
trên sàn nhảy, Đại Cathay thể hiện sự ngông nghênh của mình nên bị
Nguyễn Cao Kỳ (lúc đó còn mang hàm trung tá không quân) nhắc nhở. Không
ngờ sự thể hiện uy quyền này đã bị thoi một quả đấm trời giáng vào bụng.
Giữa tiếng nhạc và từng động tác uốn éo của các vũ nữ, bạn bè đồng
liêu, Kỳ “râu kẽm” tái mặt tức tối nhưng không nói câu nào. Dồn nén
nhiều hiềm khích với các tướng lĩnh ngụy quyền khác, diễn biến sau này
của Đại Cathay không thoát khỏi bản án tử được tuyên ngày hôm đó.

Sài Gòn trước 1975
Thời gian sau khi giải nghệ võ đài, Hương bắt đầu tập hợp đàn em tham
gia giới giang hồ bảo kê kiếm tiền. “Ngũ hổ tướng” cùng với hàng trăm đệ
tử bảo kê hầu hết các quán bar nằm nhan nhản trên đường Tự Do và Hai Bà
Trưng như Karina Bar, Fuji Bar, Ok Bar, Thanh Thanh Restaurant (của gia
đình Tướng Mai Hữu Xuân), Jackaline Bar... Còn Đại Cathay thì bảo kê
các sòng bài của Hải Phong Kin, Da Heo, Đại Thế Giới... Nói tóm lại,
ngoài nhóm Hắc Đạo của Tín Mã Nàm còn một số sòng bạc tại khu vực Q5,
Chợ Lớn thì hầu như toàn bộ lãnh địa hái ra tiền đều đã rơi vào tay của
Đại Cathay. Sự uy quyền của Đại trong thời điểm này là không đối thủ.
Tại nhà hàng Đại Nam và Melody tại Chợ Lớn có ba “đại gia” được dành 18
cái ghế sắp thành ba hàng. Hàng ngày nếu những người này không đến thì
phải để ghế trống không ai được ngồi. Hàng sáu cái ghế thứ nhất là của
cậu Ba Huy (Công tử Bạc Liêu); hàng sáu cái ghế thứ hai là của Đại
Cathay và hàng sáu cái ghế thứ ba là của trung tá Lê Hằng Minh - tiểu
đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Trâu Điên khét tiếng. Khi Đại và đàn em đến bất
cứ quán bar, sàn nhảy nào đều được giảm giá hoặc không tính tiền, có
nhiều ông bà chủ còn coi sự hiện diện của Đại là niềm vinh dự cho cơ sở
kinh doanh của mình. Có nhiều ông chủ kinh doanh giàu có cũng đã âm thầm
tài trợ hàng tháng cho đám côn đồ du đãng này để được hậu thuẫn trong
nhiều phi vụ làm ăn.
Còn về Chà Và Hương, khi thấy mảnh đất màu mỡ nội thành đã dần bị thôn
tính, anh tiến về phía đông mà trọng điểm là địa bàn Biên Hòa. Tại đây,
Hương đã sớm gặp phải sự kháng cự quyết liệt của đại ca Út Lai (vua
giang hồ vùng Biên Hòa - Long Khánh). Nhiều trận chiến kinh hoàng nổ ra
và cuối cùng, được sự dàn xếp của nhiều trùm băng nhóm khác, Hương và
Út Lai đã hòa giải và Lai chấp nhận phân chia thị phần bảo kê các tụ
điểm vui chơi tại Biên Hòa cho Hương. Thời điểm đó một số lính Mỹ khi đổ
bộ đồn trú tại đây cũng bắt đầu xưng hùng xưng bá. Các trận thư hùng
của giang hồ người Việt với “giang hồ mũi lõ” xảy ra thường xuyên. Trong
một trận đâm chém tại dốc Sỏi - Biên Hòa, hai trong số bốn tên lính Mỹ
đã bị giang hồ chém chết. Người Mỹ phản ứng dữ dội, buộc ban chỉ huy
vùng ba chiến thuật của ngụy quân phải ráo riết tiến hành tìm cho ra thủ
phạm để khỏi ảnh hưởng mối quan hệ “bang giao”. Tướng Đỗ Cao Trí chỉ
huy vùng ba chiến thuật lúc bấy giờ đã triệu tập các trùm băng nhóm trên
địa bàn phát lệnh: nếu không tìm ra thủ phạm thì tất cả quán bar sẽ bị
dẹp hết. Qua gần ba tháng trời tìm kiếm vẫn không bắt được hung thủ nên
quân đội ngụy đã dẹp phần lớn các quán bar liên quan đến những cơ sở
kinh tài của các băng nhóm giang hồ. Chà Và Hương dẫn quân quay về Sài
Gòn nhưng lúc này, đám lính nhái của hải quân khu vực Bạch Đằng gồm Trâu
Nhị, Trọng Tấn, Minh Móm, Bình Nhái hầu như làm chủ lãnh địa cũ của
Hương.
(Còn tiếp)
LÊ BÌNH - HỒNG CƯỜNG