Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline DeltaForce  
#1 Đã gửi : 13/12/2007 lúc 06:30:04(UTC)
DeltaForce

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 24-11-2004(UTC)
Bài viết: 1.110

Cảm ơn: 7 lần
Được cảm ơn: 39 lần trong 21 bài viết


Trẻ em trong vòng xoáy của đại dịch AIDS

11:20:00, 11/12/2007


Các Y tá khoa Nhiễm (bệnh viện Nhi Đồng 1) chuẩn bị hồ sơ cho buổi tái khám - Ảnh: Đ.T

Kỳ 1: Một ngày ở bệnh viện

(TNO) “Cứ đến 10h sáng  thứ tư và thứ sáu hàng tuần, họ - đa phần là  ông bà của trẻ bị nhiễm HIV/AIDS - lại đưa cháu đến Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM tái khám theo lời hẹn của bác sĩ. Các bé với đôi mắt trong vắt, ngây thơ lại mang trong người một bản án tử hình nghiệt ngã. Mỗi trẻ em ở đây  là một hoàn cảnh, một câu chuyện đầy thương tâm” - bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, tâm sự.

 

Ngây thơ con trẻ

Buổi sáng, trước hàng rào vào cổng Khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 lúc nào cũng có hàng trăm người chờ đợi, dù là chưa đến giờ khám bệnh. Có không ít trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS nằm trong đám đông này. Và chúng ta cũng không khó khăn lắm khi nhận ra họ, với ánh mắt vô hồn, tâm trạng u uất... được thể hiện rất rõ qua gương mặt.

Bà Th. (quê ở Tây Ninh), đang lọ mọ sắp xếp lại túi đồ mang theo nhưng thấy có người đến bắt chuyện là vội lùi ra xa, giống như phản xạ của một người cô thế tự phòng thủ trước mọi hoàn cảnh. Ánh mắt bà lúc nào cũng nhìn về một phía xa xăm với nỗi lo sợ khôn nguôn: "Chỉ sợ nếu lỡ tôi có bề nào thì tội nghiệp thằng nhỏ”.




Khi Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 mở cửa. Ảnh: Đ.T

Đứa bé mà bà nhắc đến là cháu H, chưa đầy 3 tuổi, cháu nội bà. Gần 3 năm nay, bàn tay chai sần, rám nắng của bà đã thay tã, bón thức ăn, chăm bẵm cháu như một người mẹ, nhưng đã đến lúc bà  không còn đủ sức. Trong tiếng nấc, bà cho biết: “Có lần, vừa ngủ dậy, H. ôm tôi và hỏi: “Bà ơi, bộ con không có cha mẹ hả bà?”. Câu hỏi bất ngờ như một mũi dao đâm thẳng vào trái tim vốn yếu đuối của bà (bà hiện đang phải điều trị bệnh tim). Và bà cũng không biết trả lời như thế nào trước câu hỏi của con trẻ.

Ngồi tách biệt so với đám đông trước cổng Khoa Nhiễm là bé trai Ph. (nhà ở Bà Điểm, huyện Hóc Môn) và bà ngoại. Cha Ph. chết khi cháu chưa ra đời vì bị nhiễm HIV/AIDS. Còn mẹ thì rời xa Ph. vĩnh viễn, cũng vì HIV, khi cháu chưa kịp đầy tháng.

Bà ngoại cháu Ph., nói ngắt quãng trong tiếng nấc: "Không biết có phải do ông trời trêu ngươi hay không mà thằng bé thông minh hết biết. Dù mới hơn 4 tuổi nhưng hình như nó biết được hoàn cảnh mồ côi của nó nên rất ngoan. Tôi kêu nó làm cái gì là nó nhanh nhẹn thực hiện. Nó rất ham học, nhưng đâu có được đi học vì nhà tôi quá nghèo... Không ai chơi với nó cả... Dạo này nó ăn yếu lắm...".

 

Nước mắt ông bà

Tại BV Nhi đồng 1, trong ngày hẹn tái khám, hôm ấy, cháu L. (3 tuổi), cứ nép sát vào bà ngoại, lặng thinh nhìn mọi người. Theo anh xe ôm chở bà cháu L. từ Củ Chi lên, nhà của 2 bà cháu chỉ rộng có 30m2  nhưng có đến 6 nhân khẩu, trong đó có 2 người bị nhiễm HIV/AIDS. Lao động chính trong nhà là ông bà ngoại cháu L. đã sắp bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hi.

Thấy người lạ, L. vội vã nép sau lưng bà. Ở cái tuổi ham chạy nhảy, vui chơi nhưng L. ít khi đến gần những đứa trẻ cùng trang lứa. Bà M., bà ngoại  L., nghẹn giọng nói: “Trong xóm chẳng ai cho con cháu chơi với nó... ”.

Bà chỉ còn biết than thân trách phận chứ chẳng  trách mắng con cháu. Bởi lẽ, những tiếng xì xầm, những cái nhìn kỳ thị của một số người xung quanh đã quá đủ  so với sức chịu đựng của con cháu bà.




Bé Tr. đang được điều trị tại Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 -  Ảnh: Đ.T

Còn bà K. (nhà ở quận 8)  luôn dặn dò cháu nội  trong lúc đi chơi phải tránh để lây bệnh cho bạn. Thế nhưng, Tr. (5 tuổi) vẫn không tránh khỏi sự ghê sợ của nhiều người. Trước đây, bà K. có xin cho Tr. đi học mẫu giáo  gần nhà. Khi phát hiện Tr. bị nhiễm HIV (bà K. mới phát hiện Tr. bị nhiễm HIV cách đây 6 tháng, khi em bị tiêu chảy, đau bụng kéo dài), phụ huynh của các học sinh khác đã cho con nghỉ học.

Bà K. ngậm ngùi: “Tr. thông minh, ham học lắm! Nhưng nó học thì con người ta nghỉ nên người ta không cho nó vào lớp nữa. Có lần nó lén vào trường xem trộm cô giáo dạy học, bị cô giáo phát hiện đuổi ra. Vậy mà nó cũng không tỏ ra phiền trách gì". Khi được hỏi có ước mơ gì thì Tr. chẳng cần giây nào để



Bác sĩ Trương Hữu Khanh: "Ở tuổi lên 4 lên  5, đã có rất nhiều trẻ đoán được sự kỳ thị xa lánh của người xung quanh. Rồi đây, khi lớn lên  nếu hàng xóm tiếp tục như vậy thì các cháu sẽ ra sao?! Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho cả xã hội".

suy nghĩ:

“Con ước được đi học lại để được chơi với các bạn; con ước được gặp cha, gặp mẹ (mẹ Tr. đã mất, còn cha em hiện đang cai nghiện)”.

Điều ước của Tr. thật bình thường đối với hầu hết trẻ em khác, nhưng đối với Tr. thì điều này mãi mãi chỉ là mơ ước.

 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cho biết: "Hiện Khoa Nhiễm có 2 phòng khám ngoại trú, điều trị cho hơn 200 trẻ  bị nhiễm HIV/AIDS từ 0 đến 11 tuổi. Trong số đó, các cháu có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM chiếm 40 – 50%, số còn lại thuộc các tỉnh lân cận, như Long An, Tây Ninh,… Đa số các cháu đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, được ông bà nuôi dưỡng. Các cháu rất cần được sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng".

Đỗ Thông

Kỳ 2: Đôi tay che chở của cộng đồng có đủ ấm?


Nguồn : Báo Thanh niên

Sửa bởi quản trị viên 19/08/2009 lúc 12:26:34(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Tránh bệnh - Không lánh người.
Quảng cáo
Offline DeltaForce  
#2 Đã gửi : 14/12/2007 lúc 02:59:56(UTC)
DeltaForce

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 24-11-2004(UTC)
Bài viết: 1.110

Cảm ơn: 7 lần
Được cảm ơn: 39 lần trong 21 bài viết
Các khẩu hiệu như thế này thường thấy ở các Trung tâm, Bệnh viện điều trị HIV/AIDS - Ảnh: Đ.T

Kỳ 2: Đôi tay che chở của cộng đồng có đủ ấm?

(TNO) Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, trăn trở: “Đa số các cháu nhiễm HIV đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, được ông bà nuôi dưỡng. Các cháu rất cần được sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng".  Ở tuổi lên 4 lên  5, các em đã phải nhận lấy sự kỳ thị xa lánh của người xung quanh. Mỗi ngày trôi qua, các em càng cảm nhận rõ hơn những ánh mắt xa lánh đó...

Vòng tay đã mở…

Cứ mỗi lần có ai hỏi thăm về đứa cháu nhỏ tên Tr., bà K lại không kìm được nước mắt. Dù mới phát hiện nhiễm HIV/AIDS được 6 tháng, nhưng sức khỏe có Tr. đã xuống dốc thấy rõ. Tr. đang điều trị nội trú tại khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Bà K., tâm sự: “Cái ngày phát hiện cháu Tr. bị nhiễm HIV, tôi thấy mặt đất như sụp đổ dưới chân. Nhưng rất may được sự động viên kịp thời của các y bác sĩ ở đây, với sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu về điều trị, chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS và được UBPC AIDS cho miễn phí điều trị, cung cấp sữa, tả lót, thuốc đặc trị,… nên tôi cũng phần nào yên tâm và hy vọng cháu tôi được sống lâu hơn. Đến lúc đó, biết đâu thế giới tìm ra thuốc chữa bệnh AISD…”.

Em Th. (trẻ nhiễm HIV/AIDS ở Trung tâm Tam Bình) trong vòng tay thương yêu của khách tham quan - Ảnh: Đ.T

May mắn hơn một số trẻ bị nhiễm HIV/AIDS khác, cháu Ng., 8 tuổi (ở Hóc Môn) được nhiều người hết lòng giúp đỡ để đến trường.  Căn bệnh AIDS đã cướp đi của em cả cha lẫn mẹ, đến gần 1 năm tuổi, ông bà nội Ng. mới phát hiện cháu mình bị nhiễm HIV/AIDS. Nhà khó khăn lại không có hộ khẩu, vì là dân ngụ cư (quê gốc Kiên Giang), nên việc đến trường của Ng. không hề dễ dàng. Nhưng nhờ cán bộ ở xã  và huyện giúp đỡ hết mình cùng với sự hỗ trợ của  những người hàng xóm tốt bụng, người cho sách, người cho quần áo,… nên hiện tại Ng. đã được đến lớp.

Còn tại Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi Tam Bình (TP.HCM) - nơi tập trung những trẻ em mang trong người căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS- các em được vui chơi, được học tập. Những  em nhỏ ở đây đều chịu khó học hành, hăng say phát biểu…'

Cô bé M., 10 tuổi (tên do Trung tâm đặt, vì em là trẻ mồ côi) đã khoe với chúng tôi là vở của em toàn điểm 10. M. kể: “Em đi học với các bạn vừa vui vừa thấy đỡ mệt”.

Các bệnh cơ hội lúc nào cũng sẵn sàng tấn công cơ thể ốm yếu của các em nhiễm bệnh, nên các thầy cô giáo nơi đây phải chịu nhiều vất vả. Và những giáo viên ở đây thực sự đỡ trở thành những người mẹ, để ý, chăm lo cho đàn con nhỏ từng tí một.

Anh Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi Tam Bình, cho biết: “Các cháu vào đây đều được chúng tôi chăm  sóc, dạy dỗ với tất cả tình yêu thương và lòng cảm thông. Khi xác định vào làm việc ở đây, mỗi chúng tôi từ các bác sĩ, y sĩ, bảo mẫu,... đều mong muốn dành cho các em một chút tình thương của người cha, người mẹ. Chúng tôi hy vọng sẽ đem lại sức khỏe và nụ cười hồn nhiên cho các em...”.

Nhưng chưa rộng

Ai cũng biết, mấy năm gần đây, theo pháp lệnh phòng chống HIV/AIDS, nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể đã có nhiều chính sách, hoạt động, dự án hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, nhất là trẻ em nhưng các em vẫn đang chịu nhiều quá thiệt thòi.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, người đã có thâm niên trong công tác điều trị  trẻ em nhiễm HIV/AIDS, cho biết: “Người có con em bị  nhiễm HIV/AIDS rất sợ kỳ thị nên không mạnh dạn đến cơ sở y tế để điều trị. Số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện chỉ là con số bề nổi. Rất nhiều trẻ em sinh ra đã nhiễm HIV. Đây là vấn đề nhức nhối và đau xót vô cùng”.


Một trẻ đang được chăm sóc, điều trị HIV/AIDS nội trú ở khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Đ.T

Bà Lương Thị Thuận,  Chủ tịch Hội bảo trợ trẻ em TP.HCM, đã từng tâm sự: “Tôi đã gặp nhiều trẻ em nhiễm HIV/AIDS. Điều làm tôi thấy đau xót là các cháu còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức mình đang đối mặt với căn bệnh nguy hiểm…”. Qua đây, tôi muốn nhắn nhủ đến mọi người:  “Trẻ em nhiễm HIV/AIDS không hề có tội, chúng ta không nên kỳ thị mà hãy luôn có tấm lòng bao dung,  thương yêu, đùm bọc các cháu như là những đứa trẻ bình thường”. 

Quay lại chuyện em Ng., như thấy được nỗi vất vả của ông bà nội nên Ng. rất ngoan, chăm học, chăm làm. Đi học về là Ng. phụ bà làm những công việc nhỏ trong nhà. Sợ làm việc nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu nên bà  T.  không cho Ng. làm việc năng nhọc. Thấy cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo, dù cực khổ, vất vả bà T. vẫn thấy vui lòng. Tuy nhiên, bà vẫn nơm nớp một nỗi lo: “Bây giờ, hàng xóm chưa ai biết cháu tôi mắc bệnh AIDS. Không biết khi biết rồi người ta sẽ ra sao?”.

Theo Luật Giáo dục và Luật Phòng chống HIV/AIDS, mọi trẻ em Việt Nam, hễ đủ tuổi đi học là phải được đến trường, kể cả những em nhiễm HIV. Tuy nhiên, việc đi học với các em không hề đơn giản mà rào cản lớn nhất chính là sự kỳ thị của mọi người xung quanh. Cụ thể, mới đây là trường hợp của cháu Nguyễn Hà Quế L. mà các phương tiện truyền thông đại chúng không ngừng lên tiếng.

L. nhiễm virus HIV từ mẹ. 2 năm trước, em được đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh, với tấm thân đầy thương tích do gia đình nhà nội hắt hủi và đánh đập. Sau khi mẹ mất, L. mặc cảm và hoàn toàn, thu mình với những người xung quanh. Tháng 9. 2006, em được Trung tâm tạo điều kiện đưa đi học tại một trường tiểu học của Quảng Ninh. Nhưng đến trường chưa được 2 tuần, L. dứt khoát không đi học nữa. Hỏi ra mới biết, L. bị cô giáo cấm không cho con chơi với các bạn. Trong lớp L. phải ngồi học 1 mình một bàn, giờ ra chơi cô lại không cho ra chơi với bạn bè…

Bên cạnh sự hỗ trợ sẵn có của Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, thì trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS rất cần được mỗi gia đình, cá nhân đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ. Từ đó, các em sẽ được chăm sóc, giáo dục như những người bình thường. Song song đó, gia đình có trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS cũng cần phải tích cực, hợp tác với cán bộ y tế để có thể kéo dần khoảng cách với xã hội. Điều này góp phần thiết thực để ngăn chặn, làm giảm tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Đỗ Thông

Tránh bệnh - Không lánh người.
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.