|
Các khẩu hiệu như thế này thường thấy ở các Trung tâm, Bệnh viện điều trị HIV/AIDS - Ảnh: Đ.T |
Kỳ 2: Đôi tay che chở của cộng đồng có đủ ấm?
(TNO) Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, trăn trở: “Đa số các cháu nhiễm HIV đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, được ông bà nuôi dưỡng. Các cháu rất cần được sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng". Ở tuổi lên 4 lên 5, các em đã phải nhận lấy sự kỳ thị xa lánh của người xung quanh. Mỗi ngày trôi qua, các em càng cảm nhận rõ hơn những ánh mắt xa lánh đó...
Vòng tay đã mở…
Cứ mỗi lần có ai hỏi thăm về đứa cháu nhỏ tên Tr., bà K lại không kìm được nước mắt. Dù mới phát hiện nhiễm HIV/AIDS được 6 tháng, nhưng sức khỏe có Tr. đã xuống dốc thấy rõ. Tr. đang điều trị nội trú tại khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Bà K., tâm sự: “Cái ngày phát hiện cháu Tr. bị nhiễm HIV, tôi thấy mặt đất như sụp đổ dưới chân. Nhưng rất may được sự động viên kịp thời của các y bác sĩ ở đây, với sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu về điều trị, chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS và được UBPC AIDS cho miễn phí điều trị, cung cấp sữa, tả lót, thuốc đặc trị,… nên tôi cũng phần nào yên tâm và hy vọng cháu tôi được sống lâu hơn. Đến lúc đó, biết đâu thế giới tìm ra thuốc chữa bệnh AISD…”.
 |
Em Th. (trẻ nhiễm HIV/AIDS ở Trung tâm Tam Bình) trong vòng tay thương yêu của khách tham quan - Ảnh: Đ.T |
May mắn hơn một số trẻ bị nhiễm HIV/AIDS khác, cháu Ng., 8 tuổi (ở Hóc Môn) được nhiều người hết lòng giúp đỡ để đến trường. Căn bệnh AIDS đã cướp đi của em cả cha lẫn mẹ, đến gần 1 năm tuổi, ông bà nội Ng. mới phát hiện cháu mình bị nhiễm HIV/AIDS. Nhà khó khăn lại không có hộ khẩu, vì là dân ngụ cư (quê gốc Kiên Giang), nên việc đến trường của Ng. không hề dễ dàng. Nhưng nhờ cán bộ ở xã và huyện giúp đỡ hết mình cùng với sự hỗ trợ của những người hàng xóm tốt bụng, người cho sách, người cho quần áo,… nên hiện tại Ng. đã được đến lớp.
Còn tại Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi Tam Bình (TP.HCM) - nơi tập trung những trẻ em mang trong người căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS- các em được vui chơi, được học tập. Những em nhỏ ở đây đều chịu khó học hành, hăng say phát biểu…'
Cô bé M., 10 tuổi (tên do Trung tâm đặt, vì em là trẻ mồ côi) đã khoe với chúng tôi là vở của em toàn điểm 10. M. kể: “Em đi học với các bạn vừa vui vừa thấy đỡ mệt”.
Các bệnh cơ hội lúc nào cũng sẵn sàng tấn công cơ thể ốm yếu của các em nhiễm bệnh, nên các thầy cô giáo nơi đây phải chịu nhiều vất vả. Và những giáo viên ở đây thực sự đỡ trở thành những người mẹ, để ý, chăm lo cho đàn con nhỏ từng tí một.
Anh Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi Tam Bình, cho biết: “Các cháu vào đây đều được chúng tôi chăm sóc, dạy dỗ với tất cả tình yêu thương và lòng cảm thông. Khi xác định vào làm việc ở đây, mỗi chúng tôi từ các bác sĩ, y sĩ, bảo mẫu,... đều mong muốn dành cho các em một chút tình thương của người cha, người mẹ. Chúng tôi hy vọng sẽ đem lại sức khỏe và nụ cười hồn nhiên cho các em...”.
Nhưng chưa rộng
Ai cũng biết, mấy năm gần đây, theo pháp lệnh phòng chống HIV/AIDS, nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể đã có nhiều chính sách, hoạt động, dự án hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, nhất là trẻ em nhưng các em vẫn đang chịu nhiều quá thiệt thòi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, người đã có thâm niên trong công tác điều trị trẻ em nhiễm HIV/AIDS, cho biết: “Người có con em bị nhiễm HIV/AIDS rất sợ kỳ thị nên không mạnh dạn đến cơ sở y tế để điều trị. Số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện chỉ là con số bề nổi. Rất nhiều trẻ em sinh ra đã nhiễm HIV. Đây là vấn đề nhức nhối và đau xót vô cùng”.
 Một trẻ đang được chăm sóc, điều trị HIV/AIDS nội trú ở khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Đ.T
|
Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội bảo trợ trẻ em TP.HCM, đã từng tâm sự: “Tôi đã gặp nhiều trẻ em nhiễm HIV/AIDS. Điều làm tôi thấy đau xót là các cháu còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức mình đang đối mặt với căn bệnh nguy hiểm…”. Qua đây, tôi muốn nhắn nhủ đến mọi người: “Trẻ em nhiễm HIV/AIDS không hề có tội, chúng ta không nên kỳ thị mà hãy luôn có tấm lòng bao dung, thương yêu, đùm bọc các cháu như là những đứa trẻ bình thường”.
Quay lại chuyện em Ng., như thấy được nỗi vất vả của ông bà nội nên Ng. rất ngoan, chăm học, chăm làm. Đi học về là Ng. phụ bà làm những công việc nhỏ trong nhà. Sợ làm việc nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu nên bà T. không cho Ng. làm việc năng nhọc. Thấy cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo, dù cực khổ, vất vả bà T. vẫn thấy vui lòng. Tuy nhiên, bà vẫn nơm nớp một nỗi lo: “Bây giờ, hàng xóm chưa ai biết cháu tôi mắc bệnh AIDS. Không biết khi biết rồi người ta sẽ ra sao?”.
Theo Luật Giáo dục và Luật Phòng chống HIV/AIDS, mọi trẻ em Việt Nam, hễ đủ tuổi đi học là phải được đến trường, kể cả những em nhiễm HIV. Tuy nhiên, việc đi học với các em không hề đơn giản mà rào cản lớn nhất chính là sự kỳ thị của mọi người xung quanh. Cụ thể, mới đây là trường hợp của cháu Nguyễn Hà Quế L. mà các phương tiện truyền thông đại chúng không ngừng lên tiếng.
L. nhiễm virus HIV từ mẹ. 2 năm trước, em được đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh, với tấm thân đầy thương tích do gia đình nhà nội hắt hủi và đánh đập. Sau khi mẹ mất, L. mặc cảm và hoàn toàn, thu mình với những người xung quanh. Tháng 9. 2006, em được Trung tâm tạo điều kiện đưa đi học tại một trường tiểu học của Quảng Ninh. Nhưng đến trường chưa được 2 tuần, L. dứt khoát không đi học nữa. Hỏi ra mới biết, L. bị cô giáo cấm không cho con chơi với các bạn. Trong lớp L. phải ngồi học 1 mình một bàn, giờ ra chơi cô lại không cho ra chơi với bạn bè…
Bên cạnh sự hỗ trợ sẵn có của Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, thì trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS rất cần được mỗi gia đình, cá nhân đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ. Từ đó, các em sẽ được chăm sóc, giáo dục như những người bình thường. Song song đó, gia đình có trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS cũng cần phải tích cực, hợp tác với cán bộ y tế để có thể kéo dần khoảng cách với xã hội. Điều này góp phần thiết thực để ngăn chặn, làm giảm tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.
Đỗ Thông