Lời bài hát dựa trên nền nhạc truyền thống của bài dân ca 'Lý kéo chài' rất quen thuộc. Nội dung bài hát như sau: 'Chúng ta cùng căm thù ma túy, nó đi liền với hát-i-vê (HIV)... hò ơ... Xì ke, bệnh 'ết' (AIDS), mại dâm, khoan hỡi khoan hò... Là điều khủng khiếp lương tâm loài người... Xa rời, xa rời là rời xa...'. Phụ họa cho bài hát đó là kèm theo ba người mang mặc những bộ trang phục kỳ dị, quái đản (biểu hiện cho sự tang tóc, đau thương và cận kề cái chết) và nhảy múa như... người lên đồng! Chỉ có mấy câu hát thôi, nhưng nhóm 'tam ca' cứ tua lại đến lần thứ sáu mới... dừng lại.
Cũng trong buổi văn nghệ hôm ấy có một tiết mục... làm khán giả được một trận cười... đỏ mặt! Một 'nữ diễn viên' (sau này tìm hiểu được biết đó là chị cán bộ hội phụ nữ kiêm tuyên truyền viên dân số) đã tự sáng tác bài 'Những biện pháp... tránh thai'. Lời bài hát dựa theo bài dân ca Bắc Bộ 'Cò lả' cũng rất quen thuộc với mọi người. Cô vừa hát vừa làm động tác chỉ trỏ (anh nọ, chị kia ngồi ở phía dưới) với ý nhắc nhở khéo là hãy nhớ thực hiện hai... biện pháp tránh thai (trong lời hát). Cô vừa dứt lời, mọi người rộ lên tiếng cười ồn ĩ, nhưng nhiều cô thiếu nữ chưa chồng sau nụ cười tủm tỉm bỗng... đỏ mặt.
Một thầy giáo làng rỉ tai tôi: Ở tiết mục 'Xa rời' có những ca từ như 'căm thù', 'khủng khiếp' nghe 'đao to búa lớn' quá. Mặt khác, cách tuyên truyền theo kiểu coi bệnh HIV/AIDS như là điều dơ bẩn, khủng khiếp nhất để 'xa rời, rời ra' dễ tạo ra một tâm lý kỳ thị, ghét bỏ của cộng đồng đối với đối tượng này. Bởi trên thực tế thời gian qua, một số người mắc bệnh HIV/AIDS không hẳn ai cũng xấu, hoặc là vô tình mắc phải nhưng đã bị cộng đồng xa lánh, kỳ thị chính vì cách thức tuyên truyền theo dạng 'tả khuynh' này. Còn ở tiết mục 'Những biện pháp tránh thai' có những lời lẽ (tuy đúng về mặt khoa học) nhưng thiếu tế nhị, nhã nhặn khi nó được 'chuyển hóa' thành lời bài hát. Tuyên truyền các biện pháp tránh thai này chỉ thích hợp với chị em ở nơi kín đáo nào đó, chứ không nên mang ra hát thành lời trước hàng nghìn người với đủ thành phần 'nam, phụ, lão, ấu' trong một buổi liên hoan văn nghệ quần chúng như vậy.
Một buổi diễn văn nghệ nói chung, một tiết mục văn nghệ nói riêng chỉ có ý nghĩa thật sự khi nó giải quyết hài hòa, nhuần nhuyễn giữa nội dung và hình thức thể hiện, giữa định hướng, giáo dục, tuyên truyền và bảo đảm tính văn hóa, thẩm mỹ. Còn mọi sự gán ghép câu từ vào lời ca, bài hát một cách gượng gạo, khiên cưỡng rất dễ tạo ra sự thô ráp, thậm chí thô thiển và phản cảm không đáng có.