Kỳ thị với bệnh nhân HIV tại BV:
Lời phán xét oan nghiệt
(ANTĐ) - Nhiều người vẫn nghĩ
rằng, với những người nhiễm HIV thì sự đau đớn nhất là cái án tử thần
chầu chực giáng xuống họ bất cứ lúc nào. Nhưng không, một khi người ta
đã sẵn sàng đón nhận thì cái chết cũng không còn đáng sợ nữa, cái đáng
sợ hơn rất nhiều chính là cảm giác sống mà bị coi như đã chết.
Nỗi đau tận cùng
Chị Thúy Ngần - thành viên nhóm
tự nguyện Sức Trẻ (Hà Nội) bật khóc to thành tiếng, nước mắt nghẹn ngào
khi kể lại câu chuyện mà chị đã gặp phải cách đây vài năm trước. Hồi đó,
lúc mang thai lần đầu, chị còn chưa hề biết mình bị nhiễm HIV. Đến khám
thai tại BV Phụ sản Hà Nội, sau khi được khám và lấy máu xét nghiệm là
giây phút hồi hộp ngồi chờ đợi những kết quả tốt lành về thể trạng thai
nhi mà chị đang thai nghén. Thế rồi tất cả thay đổi 180 độ chỉ qua một
cử chỉ của người nhân viên y tế mang trả kết quả. “Bà bác sĩ ấy đưa ánh
mắt nhìn tôi ghê sợ rồi buông một câu hỏi lạnh lùng: “Cô làm nghề gì mà
bị HIV?”.
Choáng váng trước tin mình bị
HIV, lại càng choáng váng hơn trước thái độ đầy khinh miệt của người bác
sĩ “họ nghĩ tôi làm… nên bị HIV, sao họ có thể phán xét oan nghiệt như
thế khi chính tôi cũng chả biết tại sao mình lại bị HIV. Giữa sự chứng
kiến của bao người, thái độ ấy của người bác sĩ khiến tôi như chỉ muốn
đâm đầu ngay vào tường mà chết, gia đình đã phải cắt cử người trông
chừng tôi suốt cả ngày đêm hôm ấy…”.
 |
Điều trị cho bệnh nhân HIV |
Hội trường buổi tọa đàm giữa cán
bộ y tế và người có HIV với gần 100 người tham dự, trong đó có cả lãnh
đạo và rất nhiều cán bộ y tế của BV Phụ sản Hà Nội trầm hẳn lại.
Chị Hải, thành viên nhóm Bồ Câu
(Hà Nội) - người đã sống chung với HIV gần chục năm nay cũng gặp cảnh
ngộ đau lòng không kém. Tháng 12 năm ngoái, chị đưa một người bạn cùng
nhóm vào khám cấp cứu vì chửa ngoài dạ con tại BV Phụ sản Hà Nội. Chị
Hải chủ động cho bác sĩ khám biết người bạn mình bị nhiễm HIV để nhân
viên y tế phòng bệnh, thế nhưng điều chị không thể ngờ đến là ngay sau
khi biết thông tin đó, thái độ của y bác sĩ thay đổi hoàn toàn. “Dù các
phòng ở tầng 3 lúc đó còn rất nhiều giường trống, song họ đã kê riêng
một chiếc giường gấp ra cuối góc hành lang cạnh lối vào nhà vệ sinh rồi
đóng cửa lại để ngăn cách hẳn với phòng bệnh, bỏ mặc bệnh nhân nằm đau
đớn. Thậm chí có bác sĩ còn nói thẳng rằng đã nhiễm HIV còn sinh con làm
gì, dù người HIV hoàn toàn có quyền sinh đẻ. Bản thân tôi phải chạy tác
động rất nhiều từ bên ngoài đến lãnh đạo BV, mãi chiều hôm sau họ mới
mổ cấp cứu cho người bạn đáng thương…”.
Thực tế, ở hầu hết các BV hiện
nay, sự kỳ thị của nhân viên y tế với người bệnh có HIV vẫn tồn tại,
thậm chí thể hiện sâu sắc dưới nhiều hình thức. Có khi đó là hành động
xét nghiệm HIV không có sự đồng ý của bệnh nhân, thông báo kết quả HIV
dương tính của một bệnh nhân cụ thể cho người nhà, tất cả nhân viên y tế
trong BV. Khi khác, sự kỳ thị được biểu hiện bằng việc phân biệt quần
áo, đồ dùng, trang thiết bị của bệnh nhân HIV với các bệnh nhân khác,
xếp bệnh nhân HIV vào khoa phòng riêng, tránh tiếp xúc trực tiếp với
bệnh nhân hoặc tìm cách chuyển bệnh nhân đi…
Chỉ vì thiếu kiến thức
Hà Nội: Gần 5.000 lượt người được tư vấn HIV
Ngày 24-11, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, thực hiện Dự án Đối thoại do Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ thông qua tổ chức CARE tại Việt Nam, đến nay thành phố đã xây dựng được Góc thân thiện tại 4 BV gồm: Phụ sản Hà Nội, Thanh Nhàn, Hòe Nhai, Đức Giang, nhằm cung cấp thông tin về tư vấn, xét nghiệm HIV, nâng cao năng lực nhận thức về HIV cho người bệnh cũng như cán bộ y tế. Tính từ tháng 5 đến hết 9-2010, 4 Góc thân thiện này đã tư vấn cho 4.475 lượt người, cụ thể: BV Hòe Nhai là 263 lượt, BV Thanh Nhàn 353 lượt, BV Đức Giang 129 lượt, đặc biệt tại BV Phụ sản tư vấn được
3.730 lượt.
TS Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho biết, nhờ làm tốt công tác tư vấn, truyền thông, điều trị, năm 2009 tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân HIV/AIDS đã giảm xuống 72% so với những năm trước đó. Đặc biệt trong lĩnh vực phụ sản, nước ta đặt mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống còn
dưới 5%.
Nguyễn Phan
|
Theo bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc
Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, sự kỳ thị với người có HIV vẫn
đang phổ biến trong cộng đồng, trường học, tại nơi làm việc cũng như
trong các cơ sở y tế. Chính sự kỳ thị của nhân viên y tế với người bệnh
HIV khiến người bệnh khó khăn trong việc hưởng những quyền lợi đáng được
hưởng theo quy định của pháp luật. Điều nguy hiểm hơn là nó làm cho
nguy cơ lây nhiễm HIV trong BV, ra cộng đồng càng lớn hơn, vì người bệnh
khi vào viện sẽ có tâm lý giấu không cho biết mình bị HIV, vì nó lây âm
thầm và vì bệnh nhân không được tuân thủ điều trị theo phác đồ điều trị
HIV.
Cảm thông với những hoàn cảnh khó
khăn mà nhiều người bệnh HIV đã gặp phải, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Phó
Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi muốn nghe nhiều câu
chuyện thật như vậy để tập huấn, giáo dục cho cán bộ nhân viên y tế
trong BV”. Ông Ánh cho biết, sự phân biệt, kỳ thị của nhân viên y tế với
bệnh nhân HIV xuất phát tự sự thiếu kiến thức về HIV của chính các nhân
viên y tế, từ đó họ sợ lây nhiễm HIV. Thực tế nhân viên y tế là những
người có nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là các y bác sĩ tại BV Phụ sản phải
tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch từ người bệnh… BV đã cố gắng trang bị
đầy đủ kỹ thuật, thiết bị, bảo hộ lao động phòng chống lây nhiễm HIV để
nhân viên y tế yên tâm công tác, không những không được phân biệt bệnh
nhân HIV mà còn thấy đó là trách nhiệm cao cả hơn.
Bác sĩ Đặng Thị Nghĩa, Phòng chỉ
đạo tuyến, người nhiều năm làm nữ hộ sinh và công tác trong lĩnh vực
phòng chống HIV tại BV Phụ sản Hà Nội đưa ý kiến: “Làm ơn cho chúng tôi
nhiều khóa tập huấn, đào tạo về HIV hơn”, vì “nếu không có giải pháp
giải quyết tận gốc nguyên nhân của sự kỳ thị thì còn lâu lắm mới giải
quyết được”.
Tiến Hưng