Với việc Việt Nam trở thành một trong các nước tiên phong áp dụng chiến lược đặc biệt này, người dân sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Theo PGS.TS.Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, Bộ Y tế vừa đề xuất với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho xây dựng và thí điểm Chiến lược điều trị HIV 2.0 với các mục tiêu khá toàn diện và ý nghĩa:
1. Cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV cho người dân, người bệnh tốt hơn, đồng thời tổ chức bền vững hơn các hoạt động này trong tương lai, khi các nguồn tài trợ sẽ cắt giảm từ năm 2013 trở đi.
2. Tổ chức lại hệ thống dự phòng, chăm sóc, điều trị mang tính lâu dài với mục tiêu: Tăng cường dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV cho người dân, người bệnh xuống cơ sở, lồng ghép với hệ thống y tế hiện hành.
3. Quá trình điều trị 2.0, nếu làm tốt sẽ hạn chế tỷ lệ nhiễm mới HIV, giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến HIV và sự xuất hiện của người nhiễm, từng bước giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm, qua đó kêu gọi sự tham gia của người nhiễm HIV trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS...
Đề nghị PGS nói rõ hơn về nội dung của chiến lược điều trị HIV 2.0?
- Đây là một bản chiến lược phối hợp cả dự phòng, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị HIV. Chiến lược đặc biệt này sẽ được thực hiện từ trong 5 năm với 5 cấu phần. Thứ nhất là tối ưu hóa công thức thuốc điều trị cho người nhiễm HIV. Để tối ưu hóa công thức thuốc điều trị, cần xây dựng cấu phần hai là công thức chuẩn và phối hợp thuốc dễ sử dụng, ít độc tính để tăng tính tuân thủ điều trị và giảm khả năng dẫn đến kháng thuốc.
 |
PGS. TS Bùi Đức Dương |
Cấu phần thứ ba của chiến lược là góp phần chẩn đoán nhiễm HIV tại cơ sở chăm sóc, điều trị và sử dụng các phương pháp chẩn đoán mới. Ở cấu phần thứ tư, việc chẩn đoán tình trạng nhiễm sẽ giúp cải thiện việc xét nghiệm chẩn đoán HIV và kết nối trực tiếp dịch vụ chăm sóc. Cuối cùng, việc chẩn đoán HIV sớm bằng các xét nghiệm nhanh cũng sẽ tạo điều kiện cho người bệnh sớm biết được kết quả, và cơ hội dễ dàng kết nối với việc đăng ký quản lý được nguồn lây. Như vậy, người bệnh sẽ có cơ hội điều trị ARV sớm.
Không chỉ có vậy, Chiến lược 2.0 còn phân quyền cho y tế cơ sở, lồng ghép, kết nối với hệ thống y tế hiện có và các chương trình y tế khác. Thực tế, hoạt động phòng chống HIV/AIDS cần phải được lồng ghép chặt chẽ với hệ thống y tế hiện hành, phân cấp dự phòng, chăm sóc và điều trị tới tuyến y tế cơ sở: tuyến y tế quận, huyện, xã phường và thôn bản; tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người tiếp cận với dịch vụ này.
Đặc biệt, chiến lược sẽ giúp giảm chi phí điều trị. Cụ thể, khi áp dụng những công cụ chẩn đoán đơn giản sẽ làm giảm gánh nặng của ngành y tế và giảm mọi chi phí. Trong đó tối ưu hóa công thức điều trị là cơ hội giảm chi phí trực tiếp và gián tiếp: Từ giá thành của thuốc, đóng gói, kho bãi bảo quản, phí vận chuyển, và sử dụng của bệnh nhân. Bệnh nhân được chẩn đoán sớm và điều trị sớm sẽ giảm chi phí nằm viện, giảm kinh phí điều trị nhiễm trùng cơ hội.
Cùng với đó, phương pháp ĐT mới này cũng sẽ đẩy mạnh hơn sự huy động cộng đồng và bảo vệ quyền con người. Bởi, phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm của toàn xã hội và của mỗi người. Do đó, huy động các ban ngành đoàn thể tham gia, từng bước giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV, đồng thời huy động sự tham gia của người có HIV và những người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV tham gia vào việc dự phòng, chăm sóc và điều trị là việc làm có ý nghĩa rất lớn.
Các giải pháp dựa vào cộng đồng có thể cải thiện năng lực của quần thể có hành vi nguy cơ cao (như người sử dụng ma túy, người bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới nam) tiếp cận các dịch vụ và tạo ra hiệu quả trong việc điều trị thuốc kháng vi rút cũng như dự phòng nhiễm mới HIV.
- Điều đó có nghĩa là: Nếu chiến lược trên được triển khai và áp dụng trong thực tế, người dân sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV? Tới đây, chiến lược này sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Đúng vậy, đây là một mục tiêu vô cùng quan trọng của chiến lược 2.0. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được thành quả đáng khích lệ trong công tác dự phòng, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV. Song vẫn còn quá nhiều thách thức cần phải khắc phục trong giai đoạn tới: Phần lớn số bệnh nhân điều trị ARV hiện nay được bắt đầu điều trị trong giai đoạn muộn, tình trạng miễn dịch đã suy giảm trầm trọng, số tử vong trong giai đoạn đầu điều trị còn cao; sự phối hợp các chương trình y tế (phòng chống lao, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản, HIV...) còn hạn chế; tình trạng mất dấu bệnh nhân diễn ra khá phổ biến; (hiện chúng ta mới chỉ quản lý được hơn 40% số bệnh nhân, hơn 50% số bệnh nhân không biết rõ tung tích); hoạt động chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV còn hạn chế tại một số khu vực (trung tâm 05, 06, trại giam...); đa số nguồn đầu tư cho công tác này do tài trợ từ các tổ chức quốc tế, đồng thời tiếp cận theo từng dự án riêng rẽ, chưa tạo tính đồng bộ trong công tác quản lý trên toàn hệ thống.
 |
Điều trị cho trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương |
Nhận thức được lợi ích của phương pháp điều trị 2.0 và đảm bảo tính bền vững cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam sẽ làm một trong các nước đi tiên phong trong việc áp dụng phương pháp này. Trước mắt Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm phương pháp điều trị 2.0 tại hai tỉnh Điện Biên và thành phố Cần Thơ - đây là những địa phương có số lượng người nhiễm trên 100.000 dân cao; hệ thống y tế đảm bảo để triển khai chương trình. Sau sơ kết sẽ tiếp tục triển khai mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.
- Trân trọng cám ơn PGS!
Đoan Trang (thực hiện)
http://www.phapluatvn.vn/chinhtrixahoi/201106/Viet-Nam-tien-phong-trong-chien-luoc-dieu-tri-HiV-20-2055099/