Khổ vì kinh tế eo hẹp là một chuyện nhưng khổ vì thủ tục giấy tờ, vì những quy định lỗi thời và cả vì sự xuống cấp của một bộ phận thầy thuốc đã trở thành cái sự xưa như “trái đất”. Các cụ xưa từng nói “Không ốm không đau, làm giàu chẳng khó”. Nhưng ở đời có ai... khoẻ mãi được bao giờ?. Những ai chẳng may lâm trọng bệnh thì cái sự không may ấy không chỉ dừng lại ở hai chữ giàu nghèo, nỗi đoạn trường mà họ nếm trải khi đi nằm viện nhiều khi không thể diễn đạt bằng lời. Dĩ nhiên, bệnh tật chẳng chừa một ai, kẻ giàu cũng như người nghèo, kẻ xa bệnh viện cũng như kẻ gần các trung tâm y tế. Người giầu gặp bệnh thì khốn đốn, kẻ khó gặp bệnh thì bệnh nhẹ cũng thành nan y! Tiền đâu mà chữa trị, mà đi lên tuyến trên có bác sĩ giỏi chuyên môn như thần y, có phương tiện chữa trị tiên tiến? Nhà nghèo thường lâm bệnh trọng vì những công việc vắt sức mưu sinh mà công xá thì như người ta nói: ráo mồ hôi là hết tiền. Tốc độ hao mòn sức lực nhanh như tên bay nên khi "thần trùng" đến thì họ ngã bệnh trước nhất. Gia tài dù có đội nón ra đi họ cũng không đủ tiền gặp được thần y, biệt dược. Nhưng niềm khao khát sống, hy vọng sống thì ai cũng như ai: có bệnh thì vái tứ phương, còn nước thì còn tát...tự thân vận động hoặc người thân bồng tống nhau đi hết trung tâm y tế này đến bệnh viện nọ theo kiểu: nơi này trả về thì nơi khác sẵn sàng đón nhận, miễn là họ còn tiền kê toa bốc thuốc! Có ai cầm lòng nhìn người thân đau đớn bởi bệnh tật hành hạ? Không có tiền thì phải cầm đồ, hết đồ để cầm thì đi vạy đi mượn, tiền mất bệnh mang cũng vẫn cứ an ủi nhau một câu "của đi thay người" để có nghị lực đưa nhau đi chữa bệnh tiếp, may ra giời thương thì thoát được kiếp nạn "thần trùng". * * * Có đến bệnh viện mới thấy chẳng ở đâu nỗi đắng cay cơ cực của cái sự nghèo lại dễ dàng được phơi bầy như ở chốn này. Có người ra phố nằm viện mà trong túi chẳng có mấy đồng. Không người quen, không nơi trú ngụ, họ vạ vật nhịn đói, nhịn khát điều trị trong bệnh viện. Ít thông tin lại chẳng mấy khi nhận được lời an ủi từ phía thầy thuốc, họ hoang mang bấn loạn trong nỗi lo của bệnh tật, với họ tiếng cao giọng của bất kỳ ai kể cả mấy chị bán cơm ngoài cổng viện cũng thực sự là một thạm hoạ. Đã không ít lần chúng ta bắt gặp đâu đó hình ảnh người bệnh nhân lầm lũi đứng chịu trận nghe mấy vị khoác áo choàng trắng chỉ bằng tuổi con cháu mình mạt sát chỉ vì đã lỡ thực hiện không đúng chỉ thị của họ. Rồi những câu chuyện thương tâm của không ít bệnh nhân đành gạt nước mắt ra về vì không có khả năng chi trả điều trị. Người viết bài này đã choáng váng khi nghe kể về vụ tự tử của một cậu thanh niên nghèo ngay tại bệnh viện V-N khi nhận được tin mình bị ung thư máu. Với cậu một người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cái ăn còn chẳng đủ thì gánh nặng nợ nần để lại cho gia đình sẽ là điều đáng sợ hơn cả cái chết nhất là khi cái chết ấy chỉ đến sớm hay đến muộn hơn một chút mà thôi. Thế nhưng khổ vì kinh tế eo hẹp là một chuyện nhưng khổ vì thủ tục giấy tờ, vì những quy định lỗi thời và cả vì sự xuống cấp của một bộ phận thầy thuốc đã trở thành cái sự xưa như “trái đất”. Đã có không ít trường hợp bệnh nhân bị ảnh hưởng tới tính mạng chỉ vì cái sự rắm rối nhiêu khê trong giấy tờ thủ tục, không ít người tiền mất tật mang chỉ vì gặp phải vị “lương y” đánh mất nhân tính. Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm số người bị bệnh nặng đến điều trị tại các bệnh viện không dưới con số hàng ngàn lượt người và phần nhiều trong số họ đến từ các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong số đó có không ít người do hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã không được tiếp cận các dịch vụ y tế * * * Chẳng nói thì ai cũng biết cái nghĩa “lá lành đùm lá rách,” cái tình “tương thân, tương ái” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Thế nhưng chúng ta sẽ nói gì khi biết rằng trong khi chúng ta không mấy băn khoăn vứt đi chỗ thức ăn thừa thì có những người đang chịu cảnh đói khát trong bệnh tật, trong khi chúng ta tiêu tốn tiền bạc tại các tụ điểm vui chơi thì cũng có những người phải gạt nước mắt lủi thủi bước ra khỏi cổng viện vì không có tiền chữa bệnh... Đã có nhiều phong trào quyên tặng giúp đỡ người nghèo, người có công với nước, người già cô đơn, những người không may bị bệnh nặng và có cả chương trình quốc gia cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo được thực thi từ vài năm nay nhưng thật tiếc là vì lý do này, lý do khác nhiều chương trình chưa đến được các địa chỉ cần thiết và vấn đề trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn là một câu hỏi nhức nhối đối với toàn xã hội. Vẫn biết rằng mỗi chúng ta chỉ là một hạt cát nhỏ trong biển đời mênh mông. Một bước chân lún xuống, lập tức cát xung quanh đã lấp đầy và bờ cát lại phẳng lỳ không một dấu vết nhưng cuộc đời này cần lắm những vòng tay xẻ chia, những tầm lòng thơm thảo bởi ai ai trong chúng ta cũng đã từng một lần ê a “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. |