Trang chủ HIV  |  Web Link  |  Giới thiệu |  Liên hệ  |  English 
hiv logo

Thông báo

Icon
Error

Đăng nhập


Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to last unread
Offline Miss Evers' Boys  
#1 Đã gửi : 02/05/2011 lúc 10:01:13(UTC)
Miss Evers' Boys

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 31-12-2010(UTC)
Bài viết: 345

Cảm ơn: 26 lần
Được cảm ơn: 77 lần trong 52 bài viết

Quê hương bến bờ cho tất cả

SGTT.VN - Trong cuộc bể dâu của lịch sử, mỗi người dân
Việt đều bị cuốn về những bến bờ khác nhau, vậy điều gì đã dẫn dắt họ
vượt qua những khúc quanh nghiệt ngã của số phận, của thời cuộc, để sáng
tạo và dâng hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật, những công trình
khoa học, những thương hiệu lừng danh? Chính là tình quê hương, bến bờ chung cho tất cả...



Giáo sư Võ Văn Tới, đại học quốc gia TP. HCM

Cơ hội cuối cùng để thực hiện một mơ ước

Là người gốc Gò Công nhưng sinh ra và lớn lên tại Sài
Gòn, năm 1968, giữa lúc cuộc chiến ở Việt Nam leo thang ác liệt, tôi lên
đường sang Thuỵ Sĩ du học, mang theo hoài bão tuổi trẻ là khi đất nước
thanh bình sẽ trở về xây dựng quê hương điêu tàn (nhưng không ngờ phải
đến 40 năm sau tôi mới thật sự được trở về). Tại Thuỵ Sĩ, tôi lần lượt
lấy bằng kỹ sư rồi tiến sĩ của ngành micro engineering (vi kỹ thuật).
Năm 1983, tôi được học bổng của Chính phủ Thuỵ Sĩ sang học Harvard và
học viện kỹ thuật Massachusetts (MIT) của Mỹ. Hai năm sau, tôi trở thành giáo sư đại học Tufts trong top 30 đại học ở Mỹ.

Mong muốn góp phần phát triển nền giáo dục Việt Nam
luôn thường trực trong tâm thức những trí thức xa quê hương như tôi.
Trong thời gian giảng dạy ở Tufts, cùng một số đồng nghiệp chúng tôi
sáng lập mạng lưới các giáo sư gốc Việt tại các trường đại học khu vực
Bắc Mỹ, cũng như chương trình “All the ways home” (Đường về tổ quốc) khi
tôi làm giám đốc điều hành quỹ Giáo dục Việt Nam – VEF. Một chương
trình có tính định hướng cho các nghiên cứu sinh Việt Nam để họ trở về
cống hiến cho đất nước, giúp ngăn chặn chảy máu chất xám. Những du học
sinh nhận học bổng của VEF sẽ được gặp gỡ các nhà lãnh đạo giáo dục Việt
Nam tại Mỹ để trình bày những mong muốn về điều kiện việc làm khi về
nước. Những cuộc gặp sẽ do VEF tổ chức hàng năm và số sinh viên đã nhận
học bổng của quỹ (40 suất/năm) đã lên tới hơn 300. Năm 2009 tôi quyết
định từ bỏ tất cả để về quê hương đầu quân vào đại học Quốc gia TP.HCM,
mở ngành kỹ thuật y sinh với đồng lương khiêm tốn, xa vợ con, môi trường
làm việc thiếu thốn nhiều thứ. Điều này quả thực từng là một bài toán
rất khó đối với tôi, mặc dù việc đóng góp phục vụ cho đất nước trong môi trường giáo dục khoa học kỹ thuật là ước mơ của tôi từ thiếu thời.



Sự lựa chọn của tôi có thể xem như một “thử nghiệm” đối với chính sách sử dụng trí thức Việt kiều của Nhà nước Việt Nam.

Về môi trường làm việc ở Việt Nam hiện tại, tôi thấy
tình hình cởi mở của đất nước nói chung và các đại học nói riêng ở mức
độ mà tôi có thể phục vụ được và ngành chuyên môn của tôi (kỹ thuật y
sinh – PV) có thể phát triển hữu ích cho nhu cầu đất nước. Những năm
tháng còn lại của cuộc đời chính là cơ hội cuối cùng để tôi thực hiện
mong ước thời trẻ của mình. Tôi cũng thừa nhận, sự lựa chọn của mình có
thể xem như một “thử nghiệm” đối với chính sách sử dụng trí thức Việt
kiều của Nhà nước Việt Nam. Nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài mà tôi
tiếp xúc cũng muốn hồi hương nhưng còn ngần ngại. Tôi nghĩ không thể tự
nhiên thay đổi được tầm nhìn lãnh đạo hay thay đổi hẳn cơ chế, chỉ có
thể thay đổi từ từ. Trong khi chờ đợi sự thay đổi, tại sao mình không góp phần tham gia vào quá trình thay đổi đó!

thực hiện: Kim Yến – Trầm Hương – Như Thuần
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
Hãy luôn "tỉnh thức" để sống trong "chánh niệm" mới có cuộc sống chân chính, an lành, thanh thản và hạnh phúc.

Không sát sinh - Không trộm cắp - Không tà dâm.

Không nói dối - Không nói thêu dệt - Không nói lật lọng - Không nói lời hung dữ.

Không tham lam - Không sân hận - Không si mê.

Quảng cáo
Offline Miss Evers' Boys  
#2 Đã gửi : 02/05/2011 lúc 10:02:26(UTC)
Miss Evers' Boys

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 31-12-2010(UTC)
Bài viết: 345

Cảm ơn: 26 lần
Được cảm ơn: 77 lần trong 52 bài viết



Đạo diễn Lê Dân

Hạnh phúc được là người Việt

Tốt nghiệp điện ảnh ở Pháp, trở về nước tham gia các
hoạt động bí mật và các phong trào tổ chức công khai bảo vệ hoà bình,
cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, bảo vệ văn hoá dân tộc, năm 1953 với nghệ
danh Lê Dân, tôi đã viết nhiều bài lý luận phê bình điện ảnh phê phán
những bộ phim hung bạo và đồi truỵ, cổ vũ cho một nền điện ảnh vì mục
đích tốt đẹp cho con người. Năm 1956, tôi may mắn được mời làm phụ tá
cho đạo diễn Pháp Marcel Camus trong phim Tử nạn trong chuyến buôn lậu,
và sau đó là phụ tá cho đạo diễn Mỹ Joseph L. Mankiewicz trong phim
Người Mỹ trầm lặng, những trải nghiệm thú vị này đã cho tôi kinh nghiệm
tổ chức và điều khiển đoàn phim với quy mô lớn. Bắt đầu sự nghiệp với
Hồi chuông Thiên Mụ, những bộ phim trước giải phóng của tôi đã nhận được
sự yêu mến của khán giả. Đất nước thống nhất, những bộ phim Cánh đồng
mơ ước, Trang giấy mới của tôi là những câu chuyện thật về nỗ lực xoá bỏ
sự cách biệt giữa các trí thức cũ và mới. Cho đến hôm nay, tôi thấy
những bài học ấy vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Sau này, khi thực hiện
bộ phim Ông cố vấn, khắc hoạ nhân vật Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, và
những nhân vật lịch sử của chế độ cũ, tôi vẫn tôn trọng họ dưới góc nhìn
con người nhất, không mạt sát, miệt thị ai. Nghệ thuật đích thực là
vượt qua ranh giới của chính trị, vượt qua mọi thể chế, để vươn tới cái
đẹp. Có lẽ nhờ thế Ông cố vấn đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của
nhiều người ở cả hai phía. Tôi mong muốn điện ảnh sẽ giúp con người xích
lại gần nhau. Con người chỉ hạnh phúc khi làm chủ trọn vẹn hai viên
ngọc quý là “lao động” và “tình yêu”. Phải thấy được lao động là niềm
vui, chứ không chỉ là kiếm tiền, và biết yêu một cách sâu đậm và rộng
mở. Yêu bản thân mình, yêu người bạn đời, yêu những người cùng khổ, yêu nhân loại. Nếu không, cuộc đời chẳng có gì ý nghĩa.



Được sống ở một đất nước đầy biến cố đã rèn luyện cho tôi trở thành một con người biết vươn lên trong nghịch cảnh.

Nhìn lại, tôi thấy mình hạnh phúc vì được là người Việt
Nam, được sống ở một đất nước đầy biến cố đã rèn luyện cho tôi trở
thành một con người biết vươn lên trong nghịch cảnh, tìm tới niềm vui
lớn lao trong lao động và tình yêu. Dù đã 82 tuổi, tôi vẫn miệt mài làm việc, mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa.

thực hiện: Kim Yến – Trầm Hương – Như Thuần
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
Hãy luôn "tỉnh thức" để sống trong "chánh niệm" mới có cuộc sống chân chính, an lành, thanh thản và hạnh phúc.

Không sát sinh - Không trộm cắp - Không tà dâm.

Không nói dối - Không nói thêu dệt - Không nói lật lọng - Không nói lời hung dữ.

Không tham lam - Không sân hận - Không si mê.

Offline Miss Evers' Boys  
#3 Đã gửi : 02/05/2011 lúc 10:03:44(UTC)
Miss Evers' Boys

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 31-12-2010(UTC)
Bài viết: 345

Cảm ơn: 26 lần
Được cảm ơn: 77 lần trong 52 bài viết



Bà Nguyễn Thị cúc - chủ nhiệm hợp tác xã Ba Nhất

Đời tôi như mây tre lá, mỏng manh mà bền chắc

Cha tôi là một người yêu nước ở Phù Cát, Bình Định. Ông
trồng bông dệt vải cung cấp quần áo cho cách mạng, tham gia công binh
xưởng. Mười tuổi, tôi đã bị bắt vào tù, một năm sau mới được các anh bộ
đội đánh đồn giải vây. Tôi tự học ở chiến khu, tự tìm cái ăn, cái mặc.
Tuổi thơ gian khổ giúp tôi biết yêu nước, yêu người nghèo. Những ngày
tháng 4.1975, tôi từ chối lời cầu hôn của một người bạn Mỹ, quyết ở lại
quê hương. Ngày Sài Gòn giải phóng, tôi mừng quá, chạy ra tiệm chụp ngay
một kiểu ảnh làm kỷ niệm. Tôi quyết định ở lại vì biết có những người
nghèo đang cần đến tôi. Những người nghèo đã thôi thúc tôi làm nên
thương hiệu Ba Nhất. Chính tôi đã đặt tên cho hợp tác xã, với tâm nguyện
của đời tôi: yêu nước nhất, yêu người nghèo nhất, yêu rác nhất. “Rác” ở
đây xin được hiểu là những chiếc lá buông, những cọng lục bình, bẹ
chuối phơi, những sợi mây, tre, lá… những thứ nhiều người chưa biết tận
dụng có thể xem là rác, nhưng với Ba Nhất là nguyên liệu sản xuất ra những sản phẩm lộng lẫy, mê hồn.

Tôi nhớ những chuyến đi gian khổ, bão táp khi đưa
nguyên liệu mây tre lá về thành phố. Vì miếng cơm manh áo của xã viên,
tôi tự nhủ mình phải có thêm dũng khí, lòng kiên định để đấu tranh với
những điều bất hợp lý. Tôi tâm niệm cái gì Nhà nước không cấm thì tôi
làm. Khi thị trường Đông Âu đóng băng, hàng của hợp tác xã ùn lại, sản
xuất đình trệ vì không có lối ra, nhiều đêm tôi thức trắng, tìm cách
thoát khỏi bế tắc. Giữa lúc ấy tôi chợt nhớ ra một người bạn và quyết
định khăn gói đi Mỹ qua con đường thăm thân nhân, quyết tìm thị trường
cho mây tre lá Ba Nhất. Vào thời điểm đó, cách làm xé rào đó cũng đồng
nghĩa với vi phạm pháp luật. Tôi nhiều lần bị quận gọi lên khiển trách.
Nhưng chính nhờ sự xé rào này mà ngày nay sản phẩm Ba Nhất đã được xuất
đi hàng chục nước. Hội nhập kinh tế, những sản phẩm của Ba Nhất ngày
càng rộng đường đi. Mây tre lá Ba Nhất dẫu mỏng manh nhưng có sức mạnh bền chặt, đã trụ vững trong cơn lốc khủng khoảng kinh tế.



Vì miếng cơm manh áo của xã viên, tôi tự nhủ mình phải có thêm dũng khí, lòng kiên định để đấu tranh với những điều bất hợp lý.

Nhiều người hỏi tôi: “Cơ duyên gì mà bà có quá nhiều
những đứa con nuôi và hàng chục đứa cháu nội, ngoại hùng hậu. Nhiều con
cháu như vậy bà lo làm sao xuể?” Tôi nói: “Vì tôi đã trải qua một tuổi
thơ trong máu lửa chiến tranh, tù tội, nước mắt; từng là một người phụ
nữ kém may mắn. Tôi đã từng một mình sinh con và nuôi con. Vì lẽ đó mà tôi rất thương phụ nữ và trẻ em cơ nhỡ”.

thực hiện: Kim Yến – Trầm Hương – Như Thuần
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường

Hãy luôn "tỉnh thức" để sống trong "chánh niệm" mới có cuộc sống chân chính, an lành, thanh thản và hạnh phúc.

Không sát sinh - Không trộm cắp - Không tà dâm.

Không nói dối - Không nói thêu dệt - Không nói lật lọng - Không nói lời hung dữ.

Không tham lam - Không sân hận - Không si mê.

Offline Miss Evers' Boys  
#4 Đã gửi : 02/05/2011 lúc 10:05:09(UTC)
Miss Evers' Boys

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 31-12-2010(UTC)
Bài viết: 345

Cảm ơn: 26 lần
Được cảm ơn: 77 lần trong 52 bài viết



Nhà văn Mường Mán

Cuộc sống đòi hỏi cả ý chí lẫn tấm lòng

Tôi sinh ra ở Huế, nhưng lại không trưởng thành ở đó.
Năm 1974, truyện dài đầu tiên Lá tương tư của tôi được giới trẻ yêu mến,
kéo theo một series những tác phẩm dành cho tuổi mới lớn. Tốt nghiệp tú
tài, tôi lao vào đời sống với tất cả sự háo hức và mạo hiểm của một
chàng trai trẻ. Là sĩ quan báo chí, phóng viên chiến trường của quân đội
Sài Gòn, nhà văn trẻ có chút tiếng tăm trên văn đàn miền Nam thời ấy,
tôi may mắn sống sót, rời khỏi mặt trận ác liệt ở vùng một chiến thuật
vào ngày 26.3.1975. Những tưởng đạn bom và máu lửa làm khô đi những ước
nguyện, ai ngờ tai ương của chiến cuộc lại chuẩn bị cho tôi một cách đầy đủ hơn, giúp tôi định hướng đời mình, hiến thân cho văn chương.

Năm 1978, tôi tạm biệt quê Huế xuôi vào miền Tây, dừng
chân tại thành phố Cần Thơ, mưu sinh bằng các nghề lao động tay chân.
Vốn sống theo “triết lý” biết đủ là đủ, ở hiền gặp lành, tôi thích nghi
với cuộc sống mới chẳng mấy khó khăn, luôn giữ vững niềm tin vào con
người, những người xung quanh. Tuy nhiên, hồi đó tôi thích tìm vui qua
những cuộc nhậu, rồi trở thành bợm nhậu có “số má” lúc nào chẳng hay.
Năm 1995, bạn bè khuyên tôi về Sài Gòn, giới thiệu cho một chỗ làm ở công ty văn hoá Phương Nam. Tôi an cư ở thành phố này từ ấy đến nay.

Quên lãng văn chương đúng mười năm, tôi cầm bút trở lại
vào năm 1985 bằng một kịch bản phim nhựa – Người trong cuộc – gây lắm
tranh luận trên báo chí, rồi tiếp nối hơn 20 tác phẩm thơ, văn xuôi dài
ngắn, và vài kịch bản phim… Tất cả đều viết về những hạnh phúc và khổ đau trên mảnh đất này.

Vốn chẳng có khiếu hay thích bon chen, nhưng rồi có lúc
giật mình thấy quỹ thời gian của mình sắp cạn, nghề văn thì bấp bênh,
thậm chí khốn khó, tôi thử xoay thêm nghề mới. Thoáng chốc mà quán Ruốc
đã sáng đèn gần mười năm. Làm dâu nghìn họ quả là vất vả, bù lại cũng gặt hái được lắm niềm vui.



Bất cứ vùng đất nào cũng rất mực bao dung và cũng lắm thử thách.

Bây giờ những ngày tháng gian truân chỉ còn trong hoài
niệm. Khoảng đời ấy và cả cuộc sống hiện tại yên vui của gia đình tôi,
công lớn thuộc về nhà tôi – người đã luôn vượt khó, cần mẫn “thâm canh”
hạnh phúc, là cái phanh kỳ diệu giúp tôi dừng lại kịp lúc. Bây giờ lần nữa tôi lại tạm gác văn chương, vào cuộc chơi hội hoạ.

Theo tôi, bất cứ vùng đất nào cũng rất mực bao dung và
cũng lắm thử thách. Cuộc sống ta có tốt đẹp hay không do ý chí ta dày
hay mỏng đã đành, còn có cả tấm lòng chân thật ta trải ra với mọi người chung quanh nhiều hoặc ít.

thực hiện: Kim Yến – Trầm Hương – Như Thuần
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường

Hãy luôn "tỉnh thức" để sống trong "chánh niệm" mới có cuộc sống chân chính, an lành, thanh thản và hạnh phúc.

Không sát sinh - Không trộm cắp - Không tà dâm.

Không nói dối - Không nói thêu dệt - Không nói lật lọng - Không nói lời hung dữ.

Không tham lam - Không sân hận - Không si mê.

Offline TLA  
#5 Đã gửi : 14/05/2011 lúc 10:30:50(UTC)
TLA

Danh hiệu: Thành viên gắn bó

Nhóm: Thành viên chính thức
Gia nhập: 29-04-2011(UTC)
Bài viết: 631
Đến từ: Nam quốc sơn hà Nam đế cư - Tiệt nhiên định phận tại thiên thư - Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? - Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

Cảm ơn: 99 lần
Được cảm ơn: 104 lần trong 72 bài viết

Tâm lý né tránh là rào cản chấn hưng giáo dục

TS Nguyễn Thiện Tống được nhiều người biết đến với vai trò
"kiến trúc sư trưởng" xây dựng chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng
không và giữ vị trí Chủ nhiệm bộ môn từ năm 1996 đến năm 2007. Đây có lẽ
cũng là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong suốt 33 năm gắn bó với công
tác giảng dạy của người trí thức gốc Huế này. Đằng sau những đóng góp
của ông với sự nghiệp giáo dục là một hành trình nhiều thăng trầm của một trí thức có khát vọng đóng góp cho đất nước.

Nguyễn
Thiện Tống, Nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học
Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Ông là một trong 25 sinh viên Việt Nam đi du
học Úc vào cuối năm 1965 theo học bổng Colombo Plan. Ông tốt nghiệp
Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không ở Viện Đại học Sydney năm 1974 và trở về
nước. Đầu năm 1975 ông đảm nhiệm vị trí Phụ tá Khoa trưởng đặc trách
nghiên cứu và phát triển của Trường đại học Kỹ thuật (thường gọi là Đại
học Phú Thọ), tiền thân của Đại học Bách khoa (ĐHBK) TP. Hồ Chí Minh
ngày nay. Ông tiếp tục giảng dạy ở đây cho đến khi nghỉ hưu đầu năm 2008.

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn hăng say làm
việc. Ngoài công việc tại Trường đại học Cửu Long, ông và TS Lê Đình Tuân đang hoàn tất dự án thiết kế chế tạo tàu đệm khí, một sản phẩm
kết hợp kỹ thuật hàng không và hàng hải, dự kiến sẽ chạy thử nghiệm vào
tháng 7 tới. Nếu thành công, loại phương tiện này sẽ có nhiều ứng dụng thiết thực trong dân dụng, cứu hộ cứu nạn, cũng như quốc phòng.

Khi
nhận bằng Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không thì ngành khoa học này ở Việt Nam
vẫn còn khá mới mẻ, đất nước lại đang chia cắt và còn chiến tranh, đâu là lý do khiến ông quyết định trở về?

Những
người đi du học theo học bổng Colombo Plan có ràng buộc là phải về nước
sau khi học xong. Nhưng với những người có học vị tiến sĩ thì vẫn có thể
ở lại Úc hoặc đi nước khác làm việc. Khi biết tôi quyết định về Việt
Nam, nhiều người cũng tỏ ra ngạc nhiên, trong đó có cả người thầy trực
tiếp hướng dẫn luận án tiến sĩ cho tôi. Ông đưa ra cho tôi nhiều sự lựa
chọn, hoặc ở lại Úc tiếp tục phát triển mô hình khí động lực học áp dụng
cho phi thuyền con thoi, công trình khoa học mà tôi làm trợ lý nghiên
cứu cho ông suốt sáu tháng trong thời gian chờ nhận bằng, hoặc giới
thiệu tôi qua một số nước có khoa học hàng không phát triển như Mỹ,
Anh... để tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học. Còn về Việt Nam, ông
nói tôi chỉ có thể đi dạy thôi. Đó cũng là suy nghĩ của tôi, mong muốn
nhân rộng tri thức, sự hiểu biết của mình ở cấp độ đại học. Tự cho mình
giỏi có thể bị xem là không khiêm nhường, nhưng tôi nghĩ những người
nhận được học bổng du học thì đã được thừa nhận là giỏi, mà những người càng giỏi thì trách nhiệm bản thân với đất nước càng lớn.

Nhưng thực tế là gần hai thập niên kể từ khi ông về nước, bộ môn Kỹ thuật Hàng không mới được thành lập?



TS Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: Hoàng Tường.

Thực
ra ý tưởng thành lập bộ môn Kỹ thuật Hàng không đã phôi thai từ đầu
thập niên 1980 khi Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh
lúc đó là GS Trần Hồng Quân, sau này làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo
(Bộ GD-ĐT), yêu cầu tôi soạn chương trình đào tạo Kỹ thuật Hàng không.
Vận dụng kinh nghiệm làm việc ở Đại học Kỹ thuật từ trước 1975, tôi đề
nghị mở những môn nhiệm ý, tức là môn tự chọn, vận động sinh viên từ các
ngành khác qua học, nhằm chuẩn bị đội ngũ giảng viên, tiến tới xây dựng
bộ môn Kỹ thuật Hàng không. Tuy nhiên phương thức đào tạo của chúng ta
hồi ấy theo kiểu niên chế, nên khó thực hiện. Cơ hội thành lập bộ môn Kỹ
thuật Hàng không lại bắt đầu giữa thập niên 1990, sau khi tôi đi hoàn
tất chương trình Thạc sĩ Quản trị Hành chính công tại Trường Kennedy thuộc Viện đại học Harvard.

Vậy trong suốt hai thập niên làm giảng viên ở Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, ông làm những gì?

Do
tôi hiểu biết khá nhiều về nhiệt và lưu chất, nên tôi chuyển sang
nghiên cứu về năng lượng mặt trời và năng lượng gió... Khi tôi nghiên
cứu về năng lượng mặt trời thì người ta cũng làm. Tôi chuyển qua năng
lượng gió thì lại có người khác cũng làm về gió. Rồi tôi được điều
chuyển qua khoa Thủy lợi do nhà trường muốn tập trung giảng viên dạy các
môn cơ học chất lỏng và chất khí... Nhìn lại, trong suốt hai thập niên
kể từ khi đất nước thống nhất, tôi không có cơ hội đóng góp về chuyên môn.

Phải chăng đó là lý do khiến ông chuyển
hướng sang nghiên cứu về chính sách công, cụ thể là du học chương trình Thạc sĩ Hành chính công tại Viện đại học Harvard?

Cũng
không hẳn vậy. Sau 1975, chúng ta khá dè dặt trong quan hệ quốc tế nên
tôi không có điều kiện ra nước ngoài. Mãi đến năm 1989, Nhà nước thay
đổi chính sách, tôi mới có cơ hội qua Thái Lan. Chuyến công tác này giúp
nhận thức xã hội của tôi rõ nét và mạnh mẽ hơn, thông qua tìm hiểu về
hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, về vấn đề bảo vệ môi trường,
phát triển không đồng đều, bất công xã hội... tựu chung là những vấn đề
thường gặp ở những nước chậm và đang phát triển. Theo quan sát của tôi,
đứng trước những vấn đề lớn, nhà nước thường hỏi ý kiến trí thức. Tôi
muốn đóng góp ý kiến nhưng ngoài chuyên môn khoa học kỹ thuật, có nhiều
vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế thì tôi không rành. Thế nên, khi
xem thông tin mô tả danh sách các môn học tại Trường Kennedy, tôi rất
thích thú vì tin rằng với vốn tri thức được trang bị, tôi có thể đóng
góp ý kiến vào những lĩnh vực mà mình quan tâm là chính sách giáo dục và
chính sách công nghiệp. Vợ tôi cũng khuyến khích tôi đi học. Cô ấy nói
tôi ở trong nước đã lâu, bị "sét rỉ" quá rồi, có cơ hội thì nên đi. Sau
khi hoàn tất chương trình học và về nước, tôi làm việc bán thời gian cho
Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam năm 1995 với mức
lương 1.500 USD/tháng. So với đồng lương giảng viên mà tôi vẫn nhận từ
trường hằng tháng, thì khoản thu nhập này khá hậu hĩnh. Đúng lúc đó thì
GS Trương Minh Vệ, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh,
đề nghị tôi xây dựng và triển khai chương trình đào tạo Kỹ thuật Hàng không.

Có vẻ như tình thế đặt ông đứng trước một quyết định không hề dễ dàng?

Thành
thực là tâm trạng tôi lúc đó khá phân vân. Nếu tiếp tục tham gia Chương
trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tôi có cơ hội truyền tải kiến thức
về kinh tế thị trường, nghiên cứu và đóng góp ý kiến về mặt chính sách.
Còn nhận lời xây dựng và phát triển bộ môn Kỹ thuật Hàng không thì sẽ
rất mệt, bởi quá nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, giáo trình, giảng
viên... đều thiếu trong khi thời gian chuẩn bị khá gấp gáp. Tôi quyết
định nhận lời vì tôi là người duy nhất ở Trường đại học Bách Khoa có
trình độ hiểu biết đáng kể về kỹ thuật hàng không, và đây là cơ hội để
tôi đóng góp về chuyên môn khoa học kỹ thuật. Tháng 4/1996, bộ môn Kỹ
thuật Hàng không được thành lập, trực thuộc Ban Giám hiệu. Tôi được cử
làm Chủ nhiệm Bộ môn và cũng là thành viên duy nhất. Trong vòng bốn
tháng, tôi vừa biên soạn chương trình, vừa kêu gọi những anh em Việt
kiều ở nước ngoài hỗ trợ tài liệu. Tháng 8/1996 nội dung đào tạo được
phê duyệt, thì tháng 9/1996, chúng tôi tuyển sinh khóa I. Đối tượng là
sinh viên vừa học năm thứ hai ở các khoa trong trường, có điểm trung
bình từ 7 trở lên. Chỉ tiêu là 30 sinh viên nhưng chỉ tuyển được hơn 20 người. Trong quá trình học, một số xin rút, nên còn chừng 17, 18 người.

Đầu
vào khá tốt, nhưng việc cơ sở vật chất thiếu thốn, chẳng hạn như phòng
thí nghiệm nghèo nàn, có tác động như thế nào đến chất lượng "đầu ra", thưa ông?

Lúc ấy có một nguồn hy vọng là xin
được nguồn viện trợ từ Chính phủ Pháp, khoảng 700 ngàn USD để trang bị
phòng thí nghiệm. Nhà trường có cấp cho 500 triệu đồng để xây dựng phòng
thí nghiệm. Tuy nhiên để tranh thủ nguồn viện trợ, chúng tôi đã dành
phần lớn số tiền đó để mua một thiết bị cho đồng bộ với hệ thống thiết
bị trong dự án xin viện trợ. Nhưng vì nhiều lý do mà dự án xin viện trợ
700 ngàn USD bất thành, nên chúng tôi kẹt một khoản tiền khá lớn vào
thiết bị đã mua, và thiếu các thiết bị đồng bộ. Thành ra, chúng tôi làm
thí nghiệm ảo, bằng cách cho sinh viên xem những thí nghiệm nước ngoài
được ghi lại trên băng video do một số anh em Việt kiều gửi về. Mặc dù
học tập trong điều kiện thiếu thốn như vậy nhưng những sinh viên tốt
nghiệp ngành Kỹ thuật Hàng không của chúng tôi khi được học bổng đi du
học nước ngoài đều hòa nhập khá tốt và phần lớn ở trong nhóm giỏi. Như
vậy chứng tỏ chất lượng đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không của chúng tôi
rất tốt. Chỉ tiếc là sau khi học xong phần lớn đều ở lại nước ngoài làm việc.

Theo ông thì tại sao lại có tình trạng này?

Trong
thâm tâm, tôi luôn mong mỏi các em sẽ quay trở về đóng góp cho đất
nước. Trong số học trò của tôi, có một số sau khi đậu tiến sĩ, về nước
làm việc nhưng nhu cầu trong nước lại chưa sử dụng hết năng lực của các
em. So với những người ở lại nước ngoài làm việc thì các em thiệt thòi
hơn. Hy vọng khi đất nước mình phát triển đến một mức độ nào đó thì chất xám sẽ quay trở về, cũng giống như trường hợp của Hàn Quốc, Đài Loan...

Nhìn lại những thăng trầm trong cuộc đời, có khi nào ông cảm thấy hối tiếc về quyết định trở về của mình?

Buồn
thì có, nhưng hối tiếc thì không. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát
"Thương cho người và lạnh lùng riêng", tôi cảm nhận thành "Thương cho
mình và tiếc cho đời". Thương cho mình với bao hoài bão mà không được
đóng góp như mong ước và tiếc cho đời không cho mình cơ hội đóng góp
nhiều. Tôi không đòi hỏi có được điều kiện thuận lợi, chỉ cần đừng bị
gây khó. Dù sao tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào trong thời gian 11 năm làm việc ở bộ môn Kỹ thuật Hàng không.

Được
biết ông là một trong những người được mời tham gia hội thảo lấy ý kiến
đóng góp cho Dự thảo Luật Giáo dục diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh cuối tháng 4 vừa qua. Ông mang những gì đến hội thảo này?

Tôi
tập trung vào hai vấn đề: tổ chức quản lý và mô hình viện đại học đa
lĩnh vực. Đây là hai vấn đề tôi đã đề cập đến từ năm 1992, khi Việt Nam
có phong trào cải tổ giáo dục. Đại học phải là nơi trí tuệ phát triển,
biên giới hiểu biết được nới rộng. Đại học phải bao gồm đủ mọi mặt tri thức của xã hội, chứ không chỉ một hai ngành đơn lẻ, chuyên biệt.

Nhược
điểm lớn nhất của hệ thống giáo dục đại học là sự phân tán trách nhiệm
quản lý qua nhiều bộ và nhiều tỉnh thành chủ quản. Việc chia cắt các
nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục giữa Bộ GD-ĐT với các bộ ngành
khác đã làm cho việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục chồng
chéo, phân tán, thiếu thống nhất. Việc tách rời quản lý nhà nước về
chuyên môn với quản lý nhân sự, tài chính đã làm giảm tính thống nhất
trong chỉ đạo, điều hành đối với toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân và
làm cho bộ máy quản lý giáo dục trở nên cồng kềnh, nặng nề. Năng lực của
các cơ quan quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới.

Nhược điểm lớn thứ hai là sự tách
rời giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu khoa học. Sự tách rời
này làm cho các nhà khoa học ít được tham gia giảng dạy và giảng viên
đại học bị hạn chế tham gia việc nghiên cứu khoa học, sinh viên cũng ít
được tiếp cận những nhà khoa học giỏi. Điều đó làm cho trường đại chưa trở thành trung tâm chất lượng về đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Nhược
điểm lớn thứ ba là sự phân tán của quá nhiều học viện và trường đại học
chuyên ngành riêng rẽ với chương trình đào tạo quá nhiều tiểu chuyên
ngành rất hẹp. Chính việc tổ chức quản lý các trường đại học có mục tiêu
đào tạo nặng về kiến thức theo chuyên ngành hẹp khiến sinh viên không
được trang bị nền tảng vững chắc về giáo dục tổng quát cần thiết để hình thành khả năng tự học suốt đời.

Hiện nay chúng ta
hầu như không có các viện đại học đa lĩnh vực, trong đó gồm các viện
nghiên cứu và phần lớn sinh viên là trên đại học. Mặt khác, Việt Nam
thiếu các trường cao đẳng cộng đồng và cao đẳng chuyên nghiệp ở các tỉnh
thành để đáp ứng nhu cầu gia tăng sinh viên đại chúng mà không làm giảm chất lượng của các viện đại học tinh hoa.

Chúng ta
thiếu các viện đại học đa lĩnh vực loại giảng dạy đại chúng mà chỉ có
phần lớn là các trường đại học chuyên ngành riêng lẻ như sư phạm, y
dược, khoa học, nông lâm, kỹ thuật, kinh tế, kiến trúc... Đây là các
trường đại học mà giảng dạy là chủ yếu nhưng có mục tiêu đào tạo những
nhà chuyên môn theo những chương trình đào tạo tương đối hẹp và có ít phần giáo dục tổng quát hơn khi so với các viện đại học đa lĩnh vực.

"Bệnh lý" như vậy, theo ông, nên "kê toa" thế nào?

Việc
trường thuộc bộ chủ quản là một hệ quả của nền kinh tế kế hoạch tập
trung, nhằm đào tạo ra những người "ngồi ở đâu, làm gì". Nói ngắn gọn là
học để thừa hành. Với mục đích như vậy nên mới sinh ra cách học nhồi
nhét, mới có những bài văn mẫu... Học trò bị triệt tiêu sáng tạo, chỉ
đón ý thầy để được điểm cao. Khi đi làm thì đón ý lãnh đạo để được đánh
giá tốt. Thành ra không trung thực, đến độ không còn là mình nữa. Nói theo triết học là sự vong thân.

Theo tôi, nên mạnh
dạn từ bỏ nguyên tắc bộ chủ quản, cho phép đại học tự trị. Mô hình Đại
học Quốc gia thực tế là đã được trao quyền tự trị. Giám đốc và các Phó
Giám đốc do Thủ tướng bổ nhiệm. Các trường đại học khác thì tùy theo mức
độ mà cho phép tự trị đến đâu. Cách nay khá lâu, tôi ca ngợi việc các
trường trên ở Huế được gộp lại thành Viện Đại học Huế thì mấy tháng gần đây tôi được biết Trường đại học Y bị tách ra, đưa về cho Bộ Y tế.

Khi rời hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục, trong ông đọng lại điều gì?

Điều
đọng lại là nhiều người chưa thẳng thắn góp ý giải quyết vấn đề. Tâm lý
né tránh là rào cản đối với chấn hưng giáo dục. Ông Đào Trọng Thi, Chủ
nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng
Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đặt câu hỏi rằng
có ai nêu lý do gì mà không dùng chữ "viện đại học" không, tại sao Luật
Giáo dục đưa ra khái niệm trường đại học và đại học quốc gia, hai cách gọi này có gì khác nhau.

Cũng tại hội thảo này, có người còn đặt vấn đề tại sao không ai bàn đến việc bỏ hẳn chương trình đào tạo tại chức.

Cách nay không lâu dư luận rùm beng về việc Đà Nẵng tuyên bố không tuyển công chức tốt nghiệp đại học tại chức. Ông nghĩ sao?

Tôi
cho rằng Đà Nẵng can đảm, nhìn thẳng và nói thẳng sự thật. Nếu như Đà
Nẵng là một doanh nghiệp tuyển dụng lao động bình thường, có lẽ mọi
chuyện sẽ chẳng có gì mà ầm ĩ. Tuyển hay không là quyền của họ. Tuyên bố
của Đà Nẵng, theo phán đoán của tôi, là hệ quả của một quá trình. Vấn
đề không phải ở Đà Nẵng, mà là trách nhiệm của ngành giáo dục không đảm
bảo chất lượng. Tôi nghĩ nên bỏ chương trình đào tạo tại chức. Tôi ủng
hộ nhiều hình thức đào tạo, chẳng hạn như từ xa, bán thời gian... nhưng
chất lượng đầu ra phải làm thật chặt, bài thi phải làm như nhau. Nhìn
lại lịch sử, ngày xưa, ai cũng có quyền thi tú tài và học bao nhiêu môn
thì thi bấy nhiêu. Như vậy, tú tài chỉ có một chất lượng. Còn hiện nay
chúng ta có quá nhiều chất lượng. Rồi đào tạo liên thông cũng sai. Trung cấp học liên thông lên cao đẳng, cao đẳng liên thông lên đại học...

Nhưng có ý kiến cho rằng đào tạo liên thông là tạo cơ hội để mọi người đều được hưởng giáo dục đại học?

Tôi
không tán thành. Đào tạo liên thông là cơ hội để mọi người được cấp
bằng đại học, một cách hợp thức hóa, cào bằng chất lượng. Chất lượng đào
tạo cao đẳng liên thông lên đại học, thẳng thắn mà nói, không thể bằng đào tạo đại học từ đầu được.

Thử nhìn lại, ông thấy những ý kiến đóng góp của mình được lắng nghe đến đâu?

Tôi
không nghĩ đến chuyện đó. Tôi nói những điều mình tin là đúng. Thêm
nữa, bên cạnh tôi còn có những người khác, chia sẻ và cùng đóng góp
tiếng nói trên tinh thần xây dựng.           Dẫu số này không nhiều
nhưng cũng đủ để mình giữ được sự lạc quan. Tôi thấy đã có những mầm
mống của sự thay đổi, có điều kiện chưa đủ chín muồi để thay đổi. Tôi tin vào quy luật lượng biến sẽ kéo theo chất biến.

Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện.


Thượng Tùng - Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

http://www.quansuvn.net/
Nơi sinh: Việt Nam
Rss Feed  Atom Feed
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.